Lao động
Quảng Ninh: Tăng cường phòng ngừa tai nạn lao động trong các công trình xây dựng
09:26 AM 19/11/2018
Hiện nay, nhiều công trình, dự án xây dựng trọng điểm trên địa bàn tỉnh đang gấp rút thi công để hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn lao động (ATLĐ) tại nhiều công trường xây dựng vẫn bị xem nhẹ, khiến nguy cơ cao xảy ra tai nạn ở nhiều nơi...
Công nhân thi công khắc phục điểm sạt trượt cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đoạn qua xã Hòa Bình,
huyện Hoành Bồ, không trang bị đầy đủ bảo hộ lao động.
Theo thống kê của Thanh tra Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 23 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 24 người chết (giảm 5 vụ, 6 người chết so với cùng kỳ năm 2017). Mặc dù tình hình tai nạn lao động có giảm, tuy nhiên dịp cuối năm, nhiều công trình xây dựng gấp rút hoàn thành, nếu công tác này không được quan tâm sẽ dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn lao động cao.
Thực tế thời gian qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các sự cố, tai nạn lao động nghiêm trọng trong lĩnh vực thi công xây dựng công trình. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 5 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 7 người chết. Lần gần đây nhất là vụ sập giàn giáo tại công trình xây dựng nhà dân (tổ 3, khu 7, phường Cao Xanh, TP Hạ Long) khiến 2 thợ xây tử vong tại chỗ. Trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn trong lĩnh vực xây dựng đều xuất phát do lỗi chủ quan của người lao động và người sử dụng lao động.
Ghi nhận của phóng viên, vào lúc 14h ngày 3/10 vừa qua, tại dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn (đoạn qua huyện Hoành Bồ), các nhà thầu đang tập trung hàng trăm công nhân gấp rút thi công khắc phục xử lý 31 điểm sạt trượt trên đồi xuống cao tốc. Mặc dù vị trí làm việc thường ở trên cao, đồi dốc nhưng đa số công nhân tại đây không sử dụng bảo hộ lao động. Nhiều công nhân thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với máy khoan, đồ điện, máy hàn, bình ga... nhưng không có mũ, găng tay, giày bảo hộ theo đúng quy định.
Tại khu vực thi công khắc phục sạt trượt đoạn các xã Hòa Bình, Thống Nhất (huyện Hoành Bồ), các công trường không có biển báo hướng dẫn, lưới chắn an toàn, đảm bảo an toàn cho người lao động. Nguy hiểm hơn, tại một số vị trí trên cao, công nhân liều mạng đánh đu trên dây thừng để xử lý công việc khoan và vận chuyển vật liệu xây dựng. Trong khi đó, tại những vị trí này đều không thấy cán bộ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tham gia giám sát, nhắc nhở... điều này tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động rất cao.
Nhiều công nhân bất chấp nguy hiểm leo trèo cao nhưng không đeo dây an toàn.
(Ảnh chụp trên công trường xây dựng khu vực Cái Dăm, TP Hạ Long, tháng 6/2018).
Ngoài công trình xây dựng của Nhà nước, các công trình xây dựng nhà ở của người dân tại một số địa phương, như: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Quảng Yên... việc giám sát, xử lý ATLĐ vẫn còn khá chủ quan. Có một thực tế là quan hệ lao động trên nhiều công trình xây dựng rất phức tạp, lỏng lẻo. Chủ sử dụng lao động thường không ký hợp đồng lao động mà chỉ giao kết bằng lời nói. Chất lượng lao động chưa đảm bảo, chủ yếu chưa qua đào tạo; đa số lao động tự do, làm việc theo mùa vụ, chưa có ý thức tác phong công nghiệp, còn chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn.
Một số chủ đầu tư chưa thực sự hiểu rõ trách nhiệm của mình trong công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật, đặc biệt công tác quản lý, kiểm tra, giám sát vẫn thiếu chặt chẽ. Trong khi đó, dịp cuối năm, nhiều công trình xây dựng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ, nguy cơ mất ATLĐ càng cao hơn...
Trước thực trạng trên, tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư phải phối hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, thường xuyên thanh, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động. 9 tháng năm 2018, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã chủ trì, phối hợp thanh, kiểm tra tại 7 dự án, 13 nhà thầu thi công trong lĩnh vực xây dựng công trình; phối hợp thanh, kiểm tra tại 34 doanh nghiệp về lĩnh vực pháp luật lao động, an toàn, vệ sinh lao động, BHXH và kiểm tra đột xuất 5 công trường, phân xưởng sản xuất than (TKV).
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã yêu cầu các đơn vị thực hiện 380 kiến nghị; xử phạt vi phạm hành chính 6 đơn vị, cá nhân với số tiền gần 190 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu tạm dừng 15 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ và 1 vị trí sản xuất do không đảm bảo điều kiện an toàn lao động; kiến nghị đình chỉ công tác đối với 4 cán bộ, công nhân do chưa thực hiện đúng quy định về ATLĐ...
Theo Báo Quảng Ninh
Từ khóa: