Quảng Ninh thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới
(LĐXH)-Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Luật Bình đẳng giới đã thực sự đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nhằm thúc đẩy bình đẳng đối với phụ nữ và trẻ em gái, tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nam giới về thành quả của sự phát triển đó.
Thực hiện Luật Bình đẳng giới, Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 22 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Luật Bình Đẳng giới, chương trình mục tiêu quốc gia vì BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Cùng với đó, các cơ quan ban ngành trong tỉnh cũng triển khai tuyên truyền, phổ biến các chính sách, pháp luật về BĐG, VSTBCPN rộng khắp với nhiều nội dung và hình thức đa dạng. Trong 9 tháng đầu năm 2019, các đơn vị đã biên soạn và in ấn, cấp phát 6.500 cuốn sách hỏi - đáp về Luật Bình đẳng giới; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, phổ biến pháp luật về BĐG và VSTBCPN, kỹ năng nhận biết, ứng phó và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trên 3.000 lượt người là cán bộ làm công tác BĐG, VSTBCPN tại các sở, ngành cấp tỉnh, 14 huyện, thị xã, thành phố, người dân, học sinh trên địa bàn tỉnh....
Tỉnh cũng đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động vì BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2019 lựa chọn chủ đề là “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”. Mục đích của Tháng hành động là thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Trong Tháng hành động, tỉnh đã đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về BĐG; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động toàn xã hội chủ động, tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, chương trình về BĐG và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Cùng với đó, tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em....
Bà Lê Thị Hồng Thái, Trưởng phòng Bình đẳng giới, Sở LĐTB&XH, cho biết: Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện nhiều mô hình về BĐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh việc tiếp tục duy trì, rà soát các hoạt động của mô hình về BĐG tại địa phương: Mô hình “Địa chỉ tin cậy - Nhà tạm lánh” (Uông Bí); 14 mô hình “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” (14 huyện, thị xã, thành phố); mô hình “Hỗ trợ phụ nữ bị ép kết hôn với người nước ngoài” (Vân Đồn), Quảng Ninh đã đồng thời, hướng dẫn và triển khai xây dựng mới một số mô hình như: Mô hình “Nữ công nhân nhà trọ” (Hải Hà); mô hình “Tăng cường sự tham gia của nam giới trong phòng, chống bạo lực giới” (Hải Hà); mô hình “Phòng, chống bạo lực giới, tình trạng tảo hôn, ép hôn trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số” (Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu).
Theo bà Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển Kinh tế, Hội LHPN tỉnh: Với vai trò nòng cốt trong triển khai chủ đề công tác năm 2019 về “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, các cấp Hội đã chú trọng thực hiện các nội dung: An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình; an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại nơi công cộng, trường học, nơi làm việc; an toàn trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm… Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2019, các cấp Hội phụ nữ của tỉnh đã tích cực vào cuộc, có những hoạt động can thiệp, hỗ trợ các nạn nhân của 5 vụ xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực phụ nữ tại TP Hạ Long, TP Uông Bí và TX Đông Triều.
Vừa qua, tỉnh đã phê duyệt Dự án “Xây dựng mô hình hỗ trợ phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”. Dự án do Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, kinh phí trên 8,4 tỷ đồng. Dự án được triển khai từ tháng 5-12/2020, thông qua xây dựng mô hình hỗ trợ phòng chống bạo lực đối với trẻ em gái ở Việt Nam hợp phần tại Quảng Ninh. Theo đó, các hoạt động xây dựng mô hình phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân bị bạo lực… sẽ được triển khai, nhằm góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. Hiện tại, các cơ quan chức năng của tỉnh đang phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai đưa vào hoạt động Trung tâm tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới (đặt tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh). Trung tâm sẽ là địa chỉ tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân; triển khai các gói dịch vụ hỗ trợ nạn nhân về công tác xã hội, y tế, tư pháp, điều tra; xây dựng quy trình, cơ chế phối hợp hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực giới; tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên trực tiếp cung cấp dịch vụ cho nạn nhân...
Toàn tỉnh hiện có 14 mô hình ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới được triển khai tại 14 huyện, thị xã, thành phố; 56 CLB Bình đẳng giới và hôn nhân gia đình, 76 “Địa chỉ tin cậy”, “Nhà tạm lánh”, 28 số điện thoại đường dây nóng. Qua đó, góp phần phát hiện, hỗ trợ ngăn chặn kịp thời nguy cơ xảy ra bạo lực giới, tư vấn giúp các nạn nhân bị bạo lực. Đồng thời, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong thực hiện BĐG và phòng, chống bạo lực giới, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ; đào tạo nghề; bảo vệ chăm sóc phụ nữ và trẻ em; công tác thanh, kiểm tra pháp luật về BĐG, VSTBCPN, công tác BĐG trong các lĩnh vực đều đạt những kết quả tích cực. Nhất là trong lĩnh vực chính trị, hầu hết tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, UBND các cấp liên tục tăng sau mỗi nhiệm kỳ và cao hơn tỷ lệ chung của toàn quốc. Đến nay, các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh và UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 57,78%, vượt 22,78% so với kế hoạch của tỉnh đề ra đến năm 2020. Đội ngũ cán bộ nữ đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tinh thần trách nhiệm cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, thể hiện tốt vai trò là người lãnh đạo, quản lý...
Đồng thời, hằng năm, tỷ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm luôn đạt trên 45%. Riêng năm 2018, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 19.021 lao động, trong đó lao động nữ là 9.133 người, chiếm 48,01%; tỷ lệ lao động nữ nông thôn qua đào tạo nghề chiếm 49,4% trên tổng số lao động được đào tạo nghề tại tỉnh (1.422/2.878 người), cao hơn 9,4% so với kế hoạch của tỉnh...Các hoạt động giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế lao động, việc làm cũng được cải thiện, phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò vị trí của mình trong gia đình và xã hội. Phụ nữ tham gia tích cực vào tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều của cải vật chất và tinh thần cho gia đình và xã hội./.
Minh Hằng
Từ khóa:
-
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
27-12-2024 11:00 06
-
Sự thật về thuốc giảm cân
27-12-2024 09:56 58
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17
-
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
26-12-2024 08:52 29
-
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
19-12-2024 07:50 44
-
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
25-12-2024 16:52 58