Lao động
Sóc Trăng: Điểm sáng trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bền vững
11:09 AM 10/12/2024
(LĐXH) – Thời gian qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng cũng đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các địa phương, sở ngành để phần đấu, thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm trong từng giai đoạn, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sóc Trăng: Điểm sáng trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bền vững cho lao động địa phương

Theo đó, trong giai đoạn 2016 -2023, Công đào tạo nghề,  giải quyết việc làm của địa phương đã  đạt được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: Bình quân hằng năm tỉnh Sóc Trăng tuyển sinh, đào tạo cho 14.800 người; giải quyết việc làm cho 25.902 lao động (trong đó, có 334 người lao động đi làm việc, học tập ở nước ngoài). Chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo được nâng lên đáng kể nhờ sự phối hợp, liên kết chặt chẽ, đa dạng về hình thức giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, từ đó, góp phần thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu về phát triển giáo dục nghề nghiệp hằng năm. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 63%/tổng số lao động trong độ tuổi đang hoạt động kinh tế; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 58%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 31,99%; tỷ lệ phân luồng học sinh chiếm 21,43% (tương đương 3.200/15.000 học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở); lao động sau đào tạo có việc làm trên 85% (tăng 15% so với năm 2020), với thu nhập bình quân từ 5 - 8 triệu đồng/tháng.

Người lao động tham gia sàn giao dịch việc làm tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) do Phòng Lao động - TBXH thị xã Ngã Năm phối hợp với Trung tâm DvVL tỉnh tổ chức tại địa phương

Theo đánh giá của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng: Nhìn chung, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt là đưa người lao động đi làm việc, học tập ở nước ngoài theo hợp đồng thời gian qua luôn được sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện nên các mục tiêu, chỉ tiêu hằng năm cơ bản đạt so với kế hoạch đề ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Công tác giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm trên địa bàn thời gian qua cũng còn một số hạn chế, tồn tại như: công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm ở một số địa phương chưa được chú trọng; chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh chưa cao, lao động phổ thông chưa qua đào tạo còn nhiều; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt thấp; tỷ lệ phân luồng học sinh vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đạt chỉ tiêu đề ra; chỉ số thành phần về đào tạo lao động của tỉnh Sóc Trăng vẫn nằm trong nhóm trung bình thấp so với các tỉnh, thành trên cả nước; người lao động của tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ngoài tỉnh nhiều; số người được tư vấn, giới thiệu việc làm có được việc làm đạt thấp khoảng 20%; công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đạt chỉ tiêu đề ra.

Ngoài ra, một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa coi trọng vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp, nhất là tuyến cơ sở; Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh chậm phát triển, thiếu các trường trung cấp, cao đẳng chất lượng cao; các ngành, nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng còn ít cả về số lượng và quy mô đào tạo; thiếu các ngành, nghề đào tạo trọng điểm cấp độ quốc gia, ASEAN và chất lượng cao. Tình trạng thừa, thiếu nhà giáo giáo dục nghề nghiệp giảng dạy tại 02 trường cao đẳng của tỉnh vẫn chưa được giải quyết. Công tác liên kết, phối hợp giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp trong đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động và giải quyết việc làm sau đào tạo vẫn chưa trở thành nhu cầu tất yếu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và người lao động; Công tác huy động nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, việc làm còn ít; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu nguồn lực tài chính, để hoàn thiện các điều kiện đảm bảo hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm bền vững cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động thuộc đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương

Cùng với đó, các địa phương, cơ sở dịch vụ việc làm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ... chưa chủ động thực hiện công tác điều tra, khảo sát, nắm chắc, dự báo nhu cầu tuyển dụng, nhu cầu học nghề; giáo dục nghề nghiệp còn tập trung đào tạo các ngành, nghề ngắn hạn, chi phí thấp, yêu cầu kỹ năng tay nghề không cao. Ngoài ra, kinh tế tỉnh Sóc Trăng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực nông, lâm, thủy sản và công nghiệp chế biến, may mặc, chiếm gần 60% GRDP toàn tỉnh. Doanh nghiệp của tỉnh hiện nay, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ; các doanh nghiệp chế biến thủy sản sử dụng nhiều lao động phổ thông, lao động thời vụ, số lượng ngành nghề và lao động có trình độ, tay nghề cao chưa nhiều; nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề còn ít, có quy mô sử dụng lao động ít. Mặt khác, các khu, cụm công nghiệp trên địa tỉnh mặc dù đã được quy hoạch, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực thuộc tiềm năng lợi thế, tuy nhiên số lượng nhà đầu tư, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến đầu tư, hoạt động tại tỉnh chưa nhiều, chưa tạo được nhiều vị trí việc làm, đa dạng về ngành, nghề làm việc. Mức thu nhập và các chế độ đãi ngộ, phúc lợi của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp so với các tỉnh, thành lân cận và các tỉnh, thành phố lớn nên chưa thu hút được lao động có trình độ, tay nghề cao về làm việc tại tỉnh và thậm chí còn tình trạng lao động có trình độ, tay nghề của tỉnh dịch chuyển sang các tỉnh khác để làm việc.

Tư vấn nghề nghiệp và việc làm cho học sinh

Chính vì vậy, trong thời gian tới tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển giáo dục nghệ nghiệp trên địa bàn nhằm đáp ứng nguồn nhân lực lực chất lượng cao để phục vụ cho phát triển kinh tế của địa phương trong giai đoạn mới. Cụ thể, trong giai đoàn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tỉnh tập trung đổi mới hệ thống giáo dục nghệ nghiệp. Trong đó, tỉnh Sóc Trăng xây dựng đề án đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm tỉnh Sóc Trăng từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của đề án là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo đột phá về đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ, kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của tỉnh, của đất nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có trên 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh phổ thông được tư vấn, hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh; trong đó, phấn đấu thu hút 25% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Người lao động được trang bị kỹ năng nghề sẽ có nhiều cơ hội chọn lựa việc việc làm phù hợp và bền vững

 Hằng năm, tuyển sinh, đào tạo: 16.000 người; trong đó, 25% số lao động được đào tạo thuộc nhóm ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp lợi thế của tỉnh; trên 90% lao động sau đào tạo có việc làm; có 65% người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%. 100% trường cao đẳng đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp (kiểm định ngoài); Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng đạt tiêu chuẩn trường cao đẳng chất lượng cao; Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng đạt các tiêu chuẩn ngành, nghề trọng điểm cấp quốc gia và khu vực ASEAN. Có 07 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố đạt kiểm định chất lượng cấp độ 1 hoặc đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục thông qua các thiết chế giáo dục khác được giao chức năng, nhiệm vụ giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 20230 có trên 90% học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung học cơ sở, học sinh phổ thông được tư vấn, hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh; trong đó, phấn đấu thu hút 50% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tuyển mới đào tạo nghề tối thiểu 18.000 người/năm; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 35%. Hằng năm, tạo việc làm cho 28.000 người; trong đó, có ít nhất 500 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 100% thông tin về lao động, việc làm của tỉnh đảm bảo liên thông vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động; có 40% lao động được Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn, giới thiệu có việc làm. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn và giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, tiếp cận trình độ của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới; của doanh nghiệp, thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.

Minh Quân