Sóc Trăng: Phát huy vai trò “cầu nối” tại các phiên giao dịch việc làm
Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Sóc Trăng là đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng tư vấn việc làm, học nghề; giới thiệu, cung ứng việc làm; thu thập, cung ứng và xử lý thông tin thị trường lao động; đào tạo kỹ năng cho người lao động; thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp… Trong những năm qua, Trung tâm đã trở thành địa chỉ tin cậy để người lao động tìm kiếm cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp có uy tín trong và ngoài tỉnh.
Trong năm 2019, Trung tâm đã tư vấn việc làm, nghề nghiệp, chính sách lao động việc làm cho 18.319 người, đạt 183,19% kế hoạch; giới thiệu việc làm và cung ứng lao động cho trên 1.142 lượt người, đạt 103,8% kế hoạch, trong đó, xuất khẩu lao động cho 61 lượt người. Cùng với đó, phối hợp với Phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ - TBXH) tiếp nhận và cập nhật gần 450 lượt dữ liệu về cung lao động năm 2019; cung cấp 490 lượt thông tin về cung cầu lao động. Riêng trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, đã tiến hành khảo sát và thu thập 21 thông tin trực tiếp, 11 thông tin gián tiếp từ doanh nghiệp với số lượng cần tuyển gấp là 163 lao động. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã tiến hành thu thập 88 lượt thông tin; cung cấp 76 lượt thông tin trong và ngoài tỉnh cho các điểm giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố; các trường cao đẳng, trung học; Ban quản lý các Khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động huyện Cù Lao Dung; Đoàn thanh niên thị trấn Mỹ Xuyên; Tỉnh Đoàn Sóc Trăng; Trung tâm DVVL Thanh niên Cần Thơ. Tính đến hết quý I/2020, số lượt người truy cập trang Website việc làm của Trung tâm là trên 1.000 lượt.
Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch định kỳ hàng tháng, tổ chức tọa đàm tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề cho người lao động… Năm 2019, đơn vị đã tổ chức thành công 27 phiên giao dịch việc làm (15 phiên lưu động và 12 phiên tại Sàn giao dịch việc làm) với sự tham gia của 242 doanh nghiệp, đơn vị và 3.917 lao động; phối hợp với các Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Cần Thơ, Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ, các cơ sở dạy nghề tổ chức 34 lớp đào tạo các nghề: May Công nghiệp, kế toán doanh nghiệp và khai báo thuế; bồi dưỡng nghiệp vụ kế toán trưởng doanh nghiệp và hành chính sự nghiệp, lái xe... cho 719 lượt người, trong đó, có 53 lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, phối hợp với Ban Thanh niên nông thôn thuộc Tỉnh đoàn tổ chức 11 lượt tư vấn hướng nghiệp cho trên 3.800 lượt học sinh tại các Trường THPT trên địa bàn. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã tổ chức khai giảng 13 lớp đào tạo các ngành nghề như huấn luyện ATVSLĐ, huấn luyện an toàn hóa chất, may công nghiệp, lái xe, sơ cấp kế toán… với 164 lượt học viên tham dự.
Xác định chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động bị thất nghiệp được học nghề, tìm kiếm việc làm để nhanh chóng trở lại thị trường lao động, thời gian qua, Trung tâm đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn về việc làm, học nghề, chính sách pháp luật và giới thiệu việc làm cho người lao động ngay từ khi đến đăng ký thất nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho họ tiếp cận các thông tin về thị trường lao động. Năm 2019, đơn vị đã tiếp nhận 7.230 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ký, ban hành 7.219 quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động; ban hành 61 quyết định hỗ trợ học nghề; tư vấn, hỗ trợ kết nối việc làm cho 403 lao động thất nghiệp quay lại thị trường lao động. Tính đến cuối năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 1.566 doanh nghiệp và 54.830 lao động tham gia BHTN. Trong quý I/2020, đơn vị đã tiếp nhận 1.118 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó, quyết định ban hành 1.016 hồ sơ.
Chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động qua hệ thống ATM
Nhằm tạo điều kiện cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp không phải mất thời gian di chuyển nhiều lần, Trung tâm đã phối hợp với BHXH tỉnh Sóc Trăng cùng các ngân hàng thống nhất quy trình, thời gian và cách thức chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động qua hình thức chi trả ATM. Theo đó, Trung tâm sẽ chuyển trước danh sách hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Phòng Chế độ BHXH thuộc BHXH tỉnh Sóc Trăng, tiếp đó, Phòng Chế độ sẽ chủ động kiểm tra, rà soát thông tin. Khi có danh sách hưởng chính thức thì chỉ cần đối chiếu, kiểm tra lại thông tin, dữ liệu và chuyển sang Phòng Kế hoạch - Tài chính BHXH tỉnh Sóc Trăng để thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người hưởng một cách nhanh chóng. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Sóc Trăng đã có 6.733/7.327 người lao động được chi trả trợ cấp thất nghiệp qua ATM với tổng số tiền 83,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 91,893%.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức phỏng vấn và tuyển dụng người lao động
Để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, Trung tâm đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo các Phòng chuyên môn đề ra những giải pháp thiết thực để triển khai thực hiện. Theo đó, đơn vị thường xuyên duy trì tổ chức tọa đàm về tư vấn việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp định kỳ hàng tháng, tạo điều kiện cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp gặp gỡ trực tiếp với các nhà tuyển dụng; đồng thời thực hiện việc phân nhóm ngành nghề người lao động đã từng làm, ngành nghề người lao động đã được đào tạo để có hướng tư vấn việc làm phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cho người lao động. Qua đó, kịp thời cung cấp các thông tin thị trường lao động về nhu cầu tuyển lao động, tăng khả năng tìm kiếm việc làm của người lao động trong thời gian thất nghiệp. Riêng trong tháng 5/2020, bình quân mỗi ngày Trung tâm đón tiếp bình quân khoảng 150 - 200 người lao động, trong đó, có khoảng 50% người lao động có nhu cầu về việc làm.
Ngày Hội việc làm tỉnh Sóc Trăng
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, song công tác thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng hiện còn gặp nhiều hạn chế. Số lượng vị trí việc làm đòi hỏi có chuyên môn, tay nghề còn ít so với nhu cầu việc làm thực tế; tình trạng sử dụng lao động phổ thông, lao động mùa vụ còn khá phổ biến, tập trung nhiều ở lĩnh nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và xây dựng dân dụng… làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi hợp pháp của người lao động khi họ tham gia thị trường lao động. Đa số các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn chưa thực hiện tốt công việc báo cáo định kỳ hàng tháng về tình hình biến động lao động và nhu cầu lao động. Công tác xuất khẩu lao động còn chậm, phong trào tham gia đi xuất khẩu lao động của tỉnh theo Đề án thí điểm số 01/ĐA-UBND ngày 14/01/2019 của UBND tỉnh Sóc Trăng về chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan từ ngân sách địa phương giai đoạn 2019 – 2021 còn chưa phát triển, chất lượng và hiệu quả chưa cao.
Bên cạnh đó, nhận thức về việc việc làm ổn định, bền vững của người lao động còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đi làm việc ở nước ngoài; tư tưởng, thói quen sinh hoạt tự do của người lao động chưa có chuyển biến tích cực, trong khi quy trình sản xuất của doanh nghiệp đòi hỏi người lao động phải có tính chuyên cần, tác phong làm việc nghiêm túc; ý thức chấp hành nội quy, kỷ luật lao động chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất của doanh nghiệp. Đa số các doanh nghiệp trên địa bàn chưa có cơ chế, chính sách tốt để thu hút lao động, đặc biệt là lao động thất nghiệp; tỷ lệ lao động thất nghiệp đăng ký tham gia làm việc tại các doanh nghiệp còn rất hạn chế, chỉ đạt 5,58% chỉ tiêu giải quyết việc làm mới cho người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động phỏng vấn tại các phiên giao dịch việc làm
Từ nay đến cuối năm 2020, Trung tâm DVVL tỉnh Sóc Trăng phấn đấu tổ chức 17 phiên giao dịch việc làm, tư vấn việc làm và học nghề cho 10.000 lượt người; Giới thiệu, cung ứng lao động trong và ngoài cho 1.100 người; Giới thiệu xuất khẩu lao động cho 100 người; thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động đạt 660 lượt; Tổ chức đào tạo kỹ năng, bồi dưỡng và cung cấp dịch vụ huấn luyện cho 300 lượt học viên…Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Sóc trăng, để đạt được những mục tiệu đề ra, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, đặc biệt là tạo nguồn cung ứng xuất khẩu lao động sang các thị trường có thu nhập ổn định như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đại Loan. Phối hợp các đoàn thể, các địa phương, các trường tổ chức tư vấn việc làm, hướng nghiệp cho người lao động và học sinh trung học phổ thông; tổ chức các Hội thảo về việc làm, xuất khẩu lao động. Triển khai có hiệu quả các phiên giao dịch việc làm, các cuộc Hội thảo về việc làm. Tiếp tục duy trì lồng ghép tọa đàm tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề và chính sách BHTN trong các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm, tạo điều kiện cho người lao động và người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được tiếp xúc với đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng lao động, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động.
Hai là, đẩy mạnh công tác thu thập, cung cấp thông tin thị trường lao động; đa dạng hóa thông tin về vị trí việc làm trống để đáp ứng yêu cầu của người lao động có nhu cầu tìm việc làm nói chung và phục vụ tốt cho công tác giới thiệu việc làm cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp nói riêng. Trong đó duy trì tốt việc thường xuyên cung cấp thông tin trên website Cổng thông tin điện tử việc làm Sóc Trăng, các điểm giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị, các trường có nhu cầu làm tốt nhiệm vụ là cầu nối giữa “người tìm việc” và “việc tìm người” trên thị trường lao động.
Ba là, chú trọng tuyên truyền chính sách BHTN, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tiếp nhận giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm chính sách bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi. Nâng cao chất lượng, số lượng công tác tư vấn việc làm và học nghề cho người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để hỗ trợ người lao động sớm có việc làm quay lại thị trường lao động.
Nam Khánh
Từ khóa:
-
Quảng Trị tập trung thực hiện Tiểu dự án về hỗ trợ việc làm bền vững thuộc Chương trình giảm nghèo
12-12-2024 17:10 28
-
An Giang: Nhiều giải pháp hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động
28-12-2024 17:05 13
-
Long An: Đẩy mạnh kết nối cung – cầu lao động giải quyết việc làm cho lao động địa phương
28-12-2024 17:03 45
-
Hỗ trợ việc làm góp phần giảm nghèo bền vững ở Bình Sơn
27-12-2024 14:48 08
-
Thị xã Ngã Năm: Đột phá trong công tác tạo việc làm giúp người dân giảm nghèo bền vững
27-12-2024 14:47 54
-
Đồng Tháp: Tăng cường các hoạt động sàn giao dịch việc làm kết nối doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc trong và ngoài nước
22-12-2024 14:31 15