Lao động
Tần suất tai nạn lao động giảm rõ rệt trong giai đoạn từ 2016-2018
07:51 AM 06/12/2018
(LĐXH) – Ngày 05/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm (2016-2018) Dự án 3 - Tăng cường An toàn vệ sinh lao động thuộc Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp – Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - TBXH) chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành: Y tế, Xây dựng, Công thương, Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… cùng đại diện một số sở Lao động – TBXH trong cả nước.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 – 2020 được Chính phủ phê duyệt đầu tư theo Nghị quyết số 73 ngày 26/8/2016 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 với mục tiêu tập trung, ưu tiên vào một số các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ (khai khoáng, xây dựng, sản xuất kinh doanh kim loại và sản xuất hóa chất). Và cũng ưu tiên đến nhóm đối tượng cần ưu tiên hỗ trợ giảm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN). Dự án được triển khai trong 5 năm 2016 – 2020 trên phạm vi một số tỉnh, thành phù hợp với hoạt động của đối tượng cần ưu tiên.
Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 73 ngày 26/8/2016 của Chính phủ, sau hơn 2 năm thực hiện, công tác chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và tổ chức triển khai Dự án của các Bộ, ngành, địa phương được giao cũng đã tổ chức triển khai và đạt được một số kết quả nhất định. So với giai đoạn 2011 – 2015, trong 2 năm 2016, 2017 tần suất TNLĐ chết người đã giảm được 10,77%, ước tính năm 2018 giảm tiếp trên 5% vượt mục tiêu mỗi năm giảm 5% só với kế hoạch.
Theo báo cáo của các địa phương, đến tháng 10/2018, đã có trên 4.500 doanh nghiệp được tư vấn, xây dựng, ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý ATVSLĐ. Trong đó, có trên 400 doanh nghiệp được hỗ trợ chuyên sâu, làm mẫu xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ theo tiêu chuẩn quốc tế về ATVSLĐ. Xây dựng văn hóa an toàn lao động, Dự án hỗ trợ huấn luyện cho trên 60 nghìn người làm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm nghặt về ATVSLĐ và ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.  Phụ trách công tác ATVSLĐ, công tác y tế và an toàn vệ sinh viên đạt 100% các mục tiêu đề ra. Hỗ trợ phổ biến thông tin ATVSLĐ thường xuyên trên 63 tỉnh, thành phố, trên 40 làng nghề, 600 hợp tác xã, trên 50 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ, 2.000 hội viên nông dân làm các nghề độc hại, nguy hiểm. Hoạt động của Dự án ATVSLĐ hoạt động theo nguyên tắc hỗ trợ  và thúc đẩy sự tự nguyên tham gia của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác đảm bảo ATVSLĐ nhằm duy trì bền vững các mục tiêu.
Ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động giải đáp các thắc mắc của đại biểu
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn nên Dự án cũng gặp không ít khó khăn trong hoạt động, như: triệu tập người quản lý lao động người làm công tác an toàn tham gia các lớp huấn luyện định hướng; phối hợp xây dựng mô hình quản lý, đo kiểm tra đánh giá môi trường lao động; tư vấn cải thiện điều kiện làm việc…
Tại hội nghị, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: Thực hiện Chương trình, tính đến hết tháng 11/2018, VCCI đã tổ chức được 34 khóa tập huấn cho 1.940 lượt người đến từ 425 doanh nghiệp; tổ chức 01 hội thảo chuyên đề phổ biến những tiêu chuẩn về ATVSLĐ; tổ chức Lễ trao giải cho top 100 doanh nghiệp bền vững năm 2018 do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững tiến hành bình chọn.
Theo đại diện Bộ Quốc phòng, Dự án đã cải thiện đáng kể môi trường lao động cho cán bộ, chiến sĩ toàn quân; nâng cao nhận thức về công tác ATVSLĐ, giảm thiểu TNLĐ, BNN (Trung bình hằng năm số vụ TNLĐ giảm 11%, số người chết giảm 8,32%, số người bị thương nặng giảm 19,77%).
Đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh báo cáo kết quả thực hiện Dự án trên địa bàn tỉnh
Thực hiện Dự án, trong 3 năm 2016-2018, tỉnh Lào Cai đã tổ chức 04 lớp bồi dưỡng, huấn luyện kiến thức ATVSLĐ cho 255 cán bộ quản lý cấp xã, phường, thị trấn của 09 huyện, thành phố; tổ chức 09 lớp tập huấn xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho 691 người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLĐ trong các doanh nghiệp; Tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ, Luật ATVSLĐ cho 420 lãnh đạo, cán bộ các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Các bộ, ngành, địa phương cũng đưa ra một số kiến nghị để thực hiện tốt hơn Dự án trong thời gian tới, như: Điều chỉnh nội dung, thời gian huấn luyện ATVSLĐ cho phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp; Hướng dẫn, tạo thuận lợi về thủ tục hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ từ Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN cho cơ quan, doanh nghiệp…/.
Nguyễn Hiền
Từ khóa: