Tăng cường quản lý lao động bất hợp pháp tại Hàn Quốc
(LĐXH) – Ngày 26/6, tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đã có buổi tiếp thân mật ông Park – Young Bum, Chủ tịch Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD Korea) về việc phối hợp triển khai thực hiện chương trình Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là chương trình EPS).
Theo thống kê, hiện có trên 38.200 lao động là người Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Trong đó, có khoảng 15.000 người đang làm việc bất hợp pháp. Tháng 5/2017, trong số 3.612 người hết hạn hợp đồng lao động phải về nước thì có đến 1.456 lao động ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp (chiếm 40.31%).
Tính đến ngày 21/6/2017, Việt Nam đã đưa 3.215 người lao động sang Hàn Quốc làm việc. Trong đó, có 1.704 người là lao động mới; 1.511 lao động hoàn thành hợp đồng và về nước đúng thời hạn. Từ năm 2004 đến nay, Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với HRD Korea đưa 94.390 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Trong đó, số lao động thi tiếng Hàn trên giấy là 79.536 người; lao động hoàn thành hợp đồng, tái nhập cảnh là 14.854 người. Việt Nam được coi là quốc gia đứng đầu về số lượng lao động được phái cử sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình này.
Thực hiện Bản ghi nhớ ngày 17/5/2016 về việc phái cử và tiếp nhận người lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS, đến nay, Việt Nam đã đưa được 6.987 lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Trong đó, có 1.912 người thi tiếng Hàn trên giấy; 5.075 người về nước đúng thời hạn và tái nhập cảnh trở lại làm việc. Bên cạnh đó, phối hợp với Hàn Quốc tổ chức thành công 03 kỳ thi tiếng Hàn cho 41.605 người có nguyện vọng sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS (năm 2016: 24.789 người; năm 2017: 18.140 người). Trong đó, hai kỳ thi tiếng Hàn năm 2016 có 4.180 người được tuyển chọn (Ngành sản xuất chế tạo là 2.366 người; Ngư nghiệp là 1.814 người). Đối với kỳ thi tiếng Hàn năm 2017, theo chỉ tiêu phía Hàn Quốc thông báo, dự kiến sẽ có 3.600 lao động trúng tuyển. Theo đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp chặt chẽ với HRD Korea và UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Công an cùng các cơ quan báo chí truyền thông nhằm đảm bảo các kỳ thi được diễn ra một cách khách quan, công bằng và minh bạch, hạn chế tối đa các tình huống tiêu cực phát sinh.
Nhằm giảm thiểu tình trạng lao động ở lại và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Việt Nam cũng đã có các giải pháp cụ thể như: Bắt buộc ký Quỹ với mức 100 triệu đồng/ người (tương đương với 5.000.000 won) đối với lao động trước khi xuất cảnh; thành lập Văn phòng Quản lý lao động Việt Nam theo chương trình EPS tại Hàn Quốc. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành nghiêm pháp luật nước sở tại, hoàn thành đúng thời hạn lao động của mình cũng như các chế tài khác. Đồng thời, hỗ trợ người lao động tái hòa nhập cộng đồng bằng cách tìm việc, hỗ trợ việc làm sau khi họ về nước. Tính đến nay, đã có 22.033 người tiến hành ký Quỹ vơi số tiền 2.203.300 triệu đồng.
Nhằm khuyến khích người lao động về nước khi hết hạn hợp đồng cũng như phối hợp với Hàn Quốc góp phần giảm tỷ lệ người lao động ở lại làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm cũng đã đề nghị phía HRD Korea tiếp tục triển khai chương trình tái nhập cảnh thông qua kỳ thi tiếng Hàn trên máy tính cho người lao động; Hỗ trợ lập kế hoạch xuất cảnh sớm cho người lao động để cơ quan phái cử chủ động triển khai rút ngắn thời hạn nhập cảnh; Tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc quản lý hồ sơ của người lao động để kịp thời giới thiệu cho các doanh nghiệp Hàn Quốc. Tư vấn và đề xuất với Bộ Việc làm và lao động Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam, đồng thời, xử phạt nặng những doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động là người nước ngoài cư trú và làm việc bất hợp pháp.
Được biết, ngày 28/3/2017, Bộ Lao động đã thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động sang Hàn Quốc làm việc trong năm 2017 tại một số địa phương. Theo đó, 109 quận/huyện có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng nhưng không về nước trên 30% thuộc diện đưa vào xem xét; 58 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên trong số 109 quận/huyện nêu trên thì bị đưa vào danh sách tạm dừng.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48