Giáo dục - Nghề nghiệp
Tăng học phí để giữ được chất lượng đào tạo
04:24 PM 01/11/2017
Năm 2015, Chính phủ ban hành Nghị định 86 quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020-2021. Theo nghị định này, mức học phí sẽ tăng hằng năm. Đến năm học 2020 -2021, mức học phí đối với ĐH tự chủ tài chính có nhóm ngành cao nhất là y dược (trên 50 triệu đồng).
Khó có chất lượng cao nếu học phí thấp
Chính phủ đã cho phép 23 trường ĐH được thí điểm tự chủ. Theo Nghị định 86, mức học phí của những trường tự chủ  tùy theo từng nhóm ngành năm học này có học phí từ 1.750.000đồng đến 4.400.000đồng/tháng/sinh viên. Hai năm học tiếp theo (2018-2019, 2019 – 2020) mức học phí từ 1.850.000đồng đến 4.600.000đồng/tháng/sinh viên. Năm học 2020 – 2021 mức học phí sẽ từ 2.050.000đồng đến 5.050.000đồng/tháng. Còn các trường ĐH chưa được tự chủ hiện nay là 740.000đồng đến 1.070.000đồng/tháng/sinh viên. Đến năm học 2020 – 2021, mức học phí của những trường này từ 980.000đồng đến 1.430.000đồng/tháng.
Như vậy, hiện nay, học phí các trường ĐH tự chủ tài chính so với học phí các trường chưa được tự chủ gấp từ hơn  2, 3 lần đến hơn 4 lần. Đến năm học 2020 -2021, thì trường tự chủ tài chính có học phí cao gấp từ  hơn 2 lần đến trên 3.5 lần. Tuy nhiên, nhóm trường có học phí cao nhất là y dược thì hiện nay chưa có trường ĐH nào được giao tự chủ. Tháng 7/2017, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố mức học phí dự kiến năm học 2017 - 2018, khi mà trường được phê duyệt đề án tự chủ. Theo đó, mức học phí chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 (từ tháng 9 đến 12/2017), học phí áp dụng cho sinh viên có hộ khẩu TPHCM là 1.070.000 đồng/tháng, không có hộ khẩu TPHCM là 2.200.000 đồng/tháng (vì các sinh viên này không được TPHCM cấp bù kinh phí đào tạo - NV); giai đoạn 2 (từ tháng 1/2018), học phí tất cả các ngành đều tăng, áp dụng cho mọi sinh viên, không phân biệt có hộ khẩu TPHCM hay không. Mức tăng tùy theo ngành, trong đó học phí cao nhất là 4,4 triệu đồng/tháng và thấp nhất 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu mức học phí mới được áp dụng, năm 2018 mỗi sinh viên theo học tại trường sẽ đóng 25 - 44 triệu đồng/năm học. So với mức học phí đang được TPHCM cấp bù kinh phí đào tạo hiện nay (khoảng 9 triệu đồng/năm), mức này tăng lên tới 2.7 đến 4.8 lần tùy ngành.
Trong khi đó, tại hội nghị tổng kết thí điểm tự chủ tài chính ở các cơ sở giáo dục ĐH vừa qua, báo cáo của nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho thấy, sau khi tự chủ, nguồn thu từ học phí và lệ phí của các trường tăng 4,29% so với thời điểm trước tự chủ. Đây vẫn là nguồn thu chính, chiếm trên 70% trong tổng thu của các trường. Nghĩa là hiện nay, nguồn thu của các trường ĐH được giao thí điểm tự chủ tài chính vẫn dựa chủ yếu vào học phí.
Có được phép cũng không tăng kịch trần
Liên quan đến học phí, trao đổi với phóng viên, ông Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, việc tăng học phí trường làm đúng theo Nghị định 86 của Chính phủ. Ông Xuân cho rằng, đào tạo ngành y rất tốn kém, chi phí cao gấp 4-5 lần so với các ngành khác nên không thể bao cấp mãi được mà phải tự chủ tài chính. Vị hiệu trưởng này cũng khẳng định mức học phí này là tương đối phù hợp và tăng có lộ trình, có thông báo trước nên sinh viên có thể thích ứng được chứ không có gì sốc cả. Ngoài ra, với mức tăng học phí trên, trường dự kiến cũng sẽ có nhiều suất học bổng, nhiều chương trình hỗ trợ cho các em sinh viên để các em vượt qua khó khăn…
Là trường mới được Chính phủ giao thí điểm thực hiện tự chủ từ năm 2016, PGS Trần Văn Tớp, Hiệu phó Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, bắt đầu từ K62 (sinh viên năm nay nhập trường), trường công bố công khai lộ trình tăng học phí toàn khóa học theo mức quy định đối với trường tự chủ. “Tuy nhiên, học phí giữa các ngành trong trường không giống nhau. Với những ngành hot, thu hút người học, sinh viên ra trường lương cao, dễ kiếm việc làm thì học phí cao hơn so với những ngành ít thu hút người học. Những ngành ít thu hút người học, học phí chỉ cao hơn mức trần học phí của trường ĐH công lập chưa được tự chủ một chút. Còn những ngành hot thì học phí cao hơn nhưng vẫn chưa kịch trần theo quy định cho phép tại Nghị định 86” - PGS Trần Văn Tớp cho hay. Cũng theo PGS Trần Văn Tớp, được tự chủ tài chính không có nghĩa là các trường có thể tự do tăng học phí.
Theo một chuyên gia giáo dục, với các trường ĐH Việt Nam hiện nay, kể cả tự chủ và không tự chủ đều gặp phải một vấn đề, đó là chi phí đào tạo một sinh viên thấp hơn rất nhiều so với thế giới. Ở Việt Nam, chi phí này lấy từ hai nguồn. Thứ nhất là đầu tư của nhà nước (khoảng 6 triệu đồng/sinh viên/năm), thứ hai là học phí. Khi chi phí thấp như thế, các trường sẽ rất khó đổi mới. Vậy các trường tăng thu bằng cách nào? Vẫn cậy vào hai nguồn trên. Nhưng khoản đầu tư này thời gian tới sẽ theo kiểu đầu tư trọng điểm xuống các trường, không bền... Thứ hai là tăng học phí. Các trường sẽ tự tăng, nhưng nếu tăng đại trà, toàn bộ hệ thống trường công sẽ gặp phản ứng. Đây là chuyện dễ hiểu ở Việt Nam. Nhưng sẽ nảy sinh nghịch lý vì cơ chế học phí thấp là bao cấp cho người giàu. Do đó, cần phải có giải pháp cụ thể là học phí phải cao (trần học phí giãn rộng hơn - pv) và cho sinh viên vay mức cao.
“Như thế, sinh viên sẽ có quyết tâm học để có được việc làm để trả nợ. Còn các trường có nguồn thu thì chất lượng sẽ tốt. Chất lượng tốt thì sinh viên ra trường có việc làm. Chính sách này nghe khó lọt tai nhưng nếu không làm thế thì sẽ không thể nâng được chất lượng giáo dục ĐH” - vị chuyên gia cho hay.

Hiện nay, với các trường thực hiện tự chủ tài chính, cùng với việc tăng học phí, các trường đều có một quỹ học bổng để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, để các em có thể theo đuổi ước mơ của mình như ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM...

Theo tienphong.vn

Từ khóa: