Tảo hôn và những hệ lụy
Bài cuối: Tạo bước chuyển từ nhận thức đến hành vi
(LĐXH) - Việc xóa bỏ nạn tảo hôn cần sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, chú trọng hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật để người dân hiểu rõ hơn về hệ lụy của việc cho con cái lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.
(LĐXH) - Việc xóa bỏ nạn tảo hôn cần sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, chú trọng hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật để người dân hiểu rõ hơn về hệ lụy của việc cho con cái lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật.
Tuyên truyền chưa hiệu quả, sức lan tỏa chưa cao
Nói về nguyên nhân của nạn tảo hôn, ông Hoàng Văn Hiếu - Trưởng phòng Tư pháp Kỳ Sơn cho biết: Là do cách nghĩ, thói quen và phong tục còn lạc hậu, trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, các chế tài xử lý vi phạm trong hôn nhân chưa được thực hiện nghiêm và triệt để, mức xử phạt hành chính còn nhẹ (trong tầm khoảng 500.000 - 1.000.000 đồng nên chưa đủ sức răn đe, hầu như chỉ mới dừng lại ở công tác tuyên truyền, vận động nhắc nhở là chính). Chưa kể các hương ước, quy ước ở thôn, bản chưa được đổi mới kịp thời phù hợp với tình hình thực tế ở cơ sở cũng là một hạn chế đối với công tác phòng chống tảo hôn.
Đồng tình với ý kiến này, ông Xồng Bá Bì - Cán bộ Tư pháp xã Nhôn Mai (Tương Dương) cho hay: Bình quân mỗi năm Nhôn Mai lập biên bản xử phạt hành chính 4-5 trường hợp, nhưng phạt thì cứ phạt, họ vẫn về ở với nhau, khi đến tuổi mới lên xã kết hôn. Mặt khác, để lập biên bản xử phạt hành chính cũng không dễ bởi tại các thôn bản đều có mối quan hệ họ hàng thân thiết nên có sự “nể nang”, bao che, làm ngơ từ ban cán sự bản và các chi hội đoàn thể. Chưa kể, nhiều đôi trẻ khi bị ngăn cấm sẵn sàng tìm đến phương án tiêu cực như ăn lá ngón tự tử nên cũng khó để làm “căng”. Ngoài ra, do điều kiện kinh tế khó khăn nên hiện tượng học sinh bỏ học sớm vẫn còn xảy ra hoặc học xong không tìm được việc làm phù hợp dẫn đến tình trạng kết hôn sớm trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Còn theo ông Quang Văn Đặng - Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương, sở dĩ chưa ngăn chặn được nạn tảo hôn có một phần nguyên nhân từ công tác tuyên truyền chưa đồng bộ, thiếu sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành, lực lượng liên quan, nhất là Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; giáo dục giới tính ở độ tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa vào cuộc quyết liệt, chưa nghiêm khắc nhắc nhở và xử lý các trường hợp sai phạm (ví dụ như cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp xã vẫn đi dự đám cưới các cặp tảo hôn; hoặc hợp thức hóa kết hôn sau tảo hôn...). Mặt khác, theo ông Quang Văn Đặng: “Vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chưa được đưa vào tiêu chí đánh giá, xếp loại các tổ chức cơ sở đảng cũng như chính quyền cấp xã, huyện nên có những thời điểm vẫn chưa được quan tâm đúng mức”.
Một số cán bộ tư pháp tại các xã miền núi cho rằng: Công tác tuyên truyền hiện nay vẫn chưa tập trung đúng đối tượng, bởi tảo hôn thường rơi vào độ tuổi THCS nhưng hiện nay tuyên truyền mới chỉ tập trung ở các bậc phụ huynh, cán bộ thôn bản nên chưa tạo được sức lan tỏa tới đối tượng chính là các em học sinh. Mặt khác, địa bàn miền núi rộng, dân cư thưa thớt, đi lại trắc trở nên để tổ chức được một buổi tuyên truyền tập trung đông đảo bà con rất khó khăn, trong khi kinh phí cấp cho hoạt động này đang tương đối nhỏ giọt, chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác tuyên truyền vẫn chủ yếu dựa vào đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở nhưng ở nhiều địa bàn trình độ, năng lực của đội ngũ này còn nhiều hạn chế. Thêm vào đó nạn tảo hôn thường rơi vào các dân tộc Mông, Khơ mú, Ơ đu... trong khi phụ nữ nhiều vùng không biết tiếng phổ thông, cán bộ làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lại không thạo tiếng dân tộc phải thông qua “thông dịch viên” nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao.
Từng bước tạo chuyển biến nhận thức
Để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình, ngày 14/4/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025”. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Kế hoạch số 599/KH-UBND về “Kế hoạch thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện.
Trong 2 năm 2016-2017, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu xây dựng 9 mô hình điểm đối với địa bàn vùng dân tộc thiểu số có nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao ở các xã Nậm Cắn, Huồi Tụ, Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn); xã Tri Lễ, Nậm Nhoóng (huyện Quế Phong), xã Nhôn Mai, Tam Hợp (huyện Tương Dương). Năm 2018 mở rộng thêm 3 mô hình ở xã Mai Sơn (Tương Dương); Mường Lống (Kỳ Sơn), Môn Sơn (Con Cuông).
Theo ông Trần Nhật Phương - Trưởng phòng Chính sách dân tộc (Ban Dân tộc tỉnh): Mục tiêu của việc xây dựng mô hình điểm là tạo bước chuyển về nhận thức từ trong đội ngũ cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương cho đến người dân vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu. Thời gian qua, Ban Dân tộc phối hợp với các phòng chuyên môn của các địa phương tổ chức được 19 hội nghị tuyên truyền tại các xã mô hình điểm cho 1.385 lượt cán bộ cốt cán của các xã, bản và 1 buổi tuyên truyền cho 1.500 học sinh Trường THPT huyện Kỳ Sơn. Phối hợp với UBND các xã tổ chức cho ban cán sự các thôn, bản ký cam kết thực hiện nghiêm pháp luật về hôn nhân và gia đình; cung cấp tài liệu, nội dung băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, tờ rơi, tờ gấp cho các báo cáo viên để tuyên truyền đến tận các thôn bản, trường học. Tổng kinh phí thực hiện từ năm 2016-2018 là 1,11 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do đặc thù Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, riêng vùng miền núi có diện tích 13.745 km2 (chiếm 83% diện tích toàn tỉnh), có 27 xã giáp biên giới Việt Lào với 419,5 km đường biên, đồng bào dân tộc thiểu số đông (466.137 người, chiếm 16% dân số toàn tỉnh và 39% dân số địa bàn miền núi) với nhiều thành phần dân tộc như Thái, Mông, Khơ mú, Thổ, Ơ đu... Do vậy, công tác tuyên truyền vẫn chủ yếu dựa vào đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở. Đây chính là cầu nối thông tin trực tiếp để đưa kiến thức pháp luật đến với người dân.
Nâng cao năng lực cán bộ, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Trưởng phòng Tư pháp huyện Kỳ Sơn, ông Hoàng Văn Hiếu cho rằng, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tảo hôn thì “năng lực cán bộ là quan trọng nhất”. Trong điều kiện các phòng chuyên môn (dân tộc, tư pháp) huyện chỉ có vài ba người nhưng phải gánh nhiều mảng, nhiều lĩnh vực, huyện Kỳ Sơn quan tâm đến công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ tuyên truyền viên thôn bản, đội ngũ già làng trưởng bản, người có uy tín ở các xã biên giới. Bên cạnh đó, tích cực đổi mới nội dung hình thức tuyên truyền theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, có hình ảnh minh họa, câu từ ngắn gọn để bà con dễ nhớ, dễ tiếp thu; tăng cường công tác tuyên truyền “cuốn chiếu” về tận từng thôn bản theo hình thức sân khấu hóa, lồng ghép trong sinh hoạt các chi hội để nâng cao nhận thức cho người dân.
Nhiều địa phương đã chủ động phối hợp với các đồn biên phòng trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung, phòng chống tảo hôn nói riêng cho đội ngũ học sinh lớp 9 trên địa bàn khu vực biên giới. Đây là những đối tượng có nguy cơ tảo hôn cao. Tại huyện Tương Dương, trong năm 2017-2018 đã thành lập các đội tuyên truyền, tổ chức được 12 cuộc tuyên truyền phổ biến pháp luật, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình tại các xã Nhôn Mai, Mai Sơn, Tam Hợp, Xá Lượng, Hữu Khuông, Lượng Minh... thu hút đông đảo bà con tham gia. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng dân tộc huyện này thì để giảm thiểu nạn tảo hôn “các ngành liên quan cần phải tăng cường công tác giáo dục giới tính ở trường học, đồng thời làm tốt công tác định hướng phân luồng học nghề. Vì thực tế cho thấy, những trường hợp tảo hôn chủ yếu là các em học sinh cấp 2 bỏ học nhất là các em gái, số lượng học sinh bỏ học càng nhiều thì tỷ lệ tảo hôn càng cao”.
Nhiều ý kiến khác cho rằng, bên cạnh thực hiện nghiêm các chế tài pháp luật cần phải đưa tiêu chí nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào hương ước các dòng họ và quy ước thôn, bản cũng như chỉ tiêu xếp loại thi đua của cấp ủy, chính quyền để nâng cao trách nhiệm trong công tác phòng, chống vấn nạn này. Mặt khác, theo bà Hờ Y Mại - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Sơn: Hiện nay, một số cán bộ, đảng viên chưa thật sự gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật về hôn nhân gia đình, con em cán bộ, đảng viên trong đó có cả cán bộ chủ chốt cấp xã, bản vẫn vi phạm tảo hôn, tạo tiền lệ xấu trong cộng đồng. Do vậy, cấp ủy, chính quyền cần có giải pháp xử lý nghiêm đối với trường hợp cán bộ, đảng viên tổ chức cưới cho con em chưa đủ tuổi kết hôn để làm gương cho người dân. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình CLB “Gia đình chuẩn mực nói không với tảo hôn”, vận động các hộ dân tham gia ký cam kết không để con em tảo hôn.
Làm tốt công tác nắm bắt thông tin
Để giảm thiểu tảo hôn cần phải xác định công tác “phòng” vẫn là chính do vậy, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể, nhất là ở thôn, bản cần phải gần dân, sát dân, kịp thời nắm bắt thông tin để có những giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Ông Lầu Pà Cô - cán bộ Tư pháp xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn) cho biết, có những trường hợp do phát hiện kịp thời nên đã tuyên truyền, vận động thành công đối tượng không tổ chức cưới khi chưa đủ tuổi kết hôn như trường hợp em gái Lầu Y Giở, bản Huồi Pốc giờ đang học cấp 3 ở thị trấn Mường Xén. Thực tế, nhờ nắm bắt thông tin, tuyên truyền, vận động kịp thời nên hiện tượng tảo hôn trên địa bàn Nậm Cắn đang ngày càng giảm, nếu trước đây mỗi năm vài chục trường hợp 15-16 tuổi lấy nhau thì trong năm 2018 đến thời điểm này chỉ còn 5 trường hợp.
Từ thực trạng trên, thấy rằng, để không còn những “lời ru buồn” của các ông bố, bà mẹ “trẻ con” sau những bản làng mờ sương nơi vùng sâu, vùng xa ở miền Tây xứ Nghệ, cần có sự phối hợp chặt chẽ, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đưa công tác tuyên truyền tập trung “đúng và trúng” đối tượng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi hành vi, xóa bỏ nạn tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng dân số, nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số. Đồng thời đem lại sự tiến bộ, bình đẳng cho phụ nữ, trẻ em gái ở vùng cao.
Khánh Ly- Hoài Thu (Theo Báo Nghệ An)
Từ khóa:
-
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
03-01-2025 20:40 19
-
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
03-01-2025 17:05 48
-
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
03-01-2025 15:22 03
-
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
14-12-2024 23:46 28
-
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
16-12-2024 23:42 17
-
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
07-10-2024 23:41 45