Xã hội
Tập huấn cán bộ xây dựng và thực hiện chính sách trợ giúp xã hội
01:00 PM 26/08/2016
Trong 4 ngày từ 24-27/8, tại Đồ Sơn, Hải Phòng, Bộ Lao động –TBXH đã tổ chức Khóa đào tạo “Xây dựng và triển khai thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại Việt Nam” cho đội ngũ cán bộ làm công tác liên quan.
Các đại biểu tham gia khóa đào tạo
Tham dự có đại diện Cục Bảo trợ xã hội, các chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội – Chương trình hệ thống an sinh xã hội châu Âu, chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện một số Sở Lao động – TBXH các tỉnh, thành phố.
Việt Nam là nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi quá trình biến đổi khí hậu và tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh. Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có trên 25% dân số cần sự trợ giúp xã hội, bao gồm 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, trên 9 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 1,8 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, 234 nghìn người nhiễm HIV được phát hiện, 204 người nghiện ma túy… Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội, cả nước đã có trên 2,6 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội được thành lập và mở rộng, với tổng số 408 cơ sở, trong đó có 194 cơ sở công lập và 214 cơ sở ngoài công lập. Chính sách trợ giúp xã hội đã góp phần nâng cao đời sống cho các đối tượng.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hải Hữu, nhóm chuyên gia trong nước, chính sách trợ giúp xã hội của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể như: Phương pháp tiếp cận mục tiêu kéo dài, thiếu sự tích hợp chính sách, còn nhiều cơ quan đầu mối quản lý; Cơ chế chi trả trợ cấp chưa thể hiện tính minh bạch; Độ bao phủ chính sách thấp, khoảng 3% dân số, trong khi các nước trong khu vực có cùng điều kiện như Việt Nam mức độ bao phủ là 5 – 7% dân số; Mức trợ cấp thấp, chiếm 7,5% GDP bình quân đầu người, trong khi các nước có điều như Việt Nam trong khu vực mức trợ cấp chiếm 10-15% GDP bình quân đầu người; Cơ chế phân bổ nguồn lực chưa ổn định; mức độ rò rỉ, bỏ sót đối tượng cao.
TS Nguyễn Hải Hữu giới thiệu những nội dung của Đề án đổi mới TGXH
Trên cơ sở những hạn chế của chính sách thời gian qua, việc xây dựng thực hiện Đề án đổi mới và phát triển chính sách trợ giúp xã hội giai đoạn tới là thực sự cần thiết và phải hướng vào giải quyết được những tồn tại nêu trên. Cũng theo TS Nguyễn Hải Hữu, Đề án đổi mới phải tập trung vào các nội dung chính như: Đổi mới về nhận thức, theo quan niệm chi cho trợ giúp xã hội là chi đầu tư, đảm bảo công bằng; đổi mới về phương pháp tiếp cận, theo vòng đời và theo mục tiêu; đổi mới trong thiết kế chính sách, từng bước tích hợp chính sách, giảm bớt cơ quan đầu mối; đổi mới nội dung chính sách như tăng mức trợ cấp, cơ chế phân bổ tài chính tăng từ 0,3-0,5%; đổi mới phương pháp xác định đối tượng theo hướng tổng quát phổ cập; đối mới cơ chế chi trả qua tổ chức dịch vụ; đổi mới cơ chế chăm sóc dịch vụ xã hội hướng về cộng đồng, gần dân, sát dân; đổi mới cơ chế quản lý theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng, chi trả, kết nối thông tin giữa tỉnh và trung ương; đổi mới cơ chế theo dõi, giám sát, đánh giá; đổi mới cơ chế khiếu nại, phản hồi trực tiếp, có thể thông qua mạng, facebook.
Trong khuôn khổ thời gian khóa đào tạo, các đại biểu đã được nghe nhóm chuyên gia quốc tế trình bày về: Hệ thống an sinh xã hội trên thế giới – Cải cách, quản lý việc mở rộng và tài chính cho việc vận hành; Những bài học điển hình của phương pháp tiếp cận mục tiêu; Hệ thống chi trả xã hội: Các mô hình điển hình trên thế giới; Áp dụng mô hình của ILO để ước tính chi phí thực hiện Đề án; Chi phí và ngân sách: Ước tính khả năng chi trả; Đổi mới chăm sóc xã hội bao gồm các phương án nguồn lực… Đồng thời cũng được nghe đại diện một số Sở Lao động –TBXH chia sẻ thực trạng hệ thống chi trả hiện hành tại một số địa phương.
Hồng Phượng
Từ khóa: