Xã hội
Tập huấn thực hiện đề án 1019 về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
05:23 PM 20/09/2016
(LĐXH) - Sáng ngày 20/9/2016, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức Tập huấn thực hiện đề án 1019 về trợ giúp pháp lý và nâng cao năng lực cán bộ hội.

Thạc sỹ Lương Phan Cừ - Phó chủ tịch Trung ương hội phát biểu tại hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật (chiếm khoảng 7,8 dân số). Nguy cơ gia tăng số lượng người khuyết tật (NKT)  đang là một thực tế đáng báo động bởi tai nạn giao thông, tai nạn lao động, mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ô nhiễm môi trường. Đa số người khuyết tật sống ở nông thôn, đời sống gặp nhiều khó khăn do trình độ văn hóa thấp chưa qua đào tạo nghề đẫn đến không có việc làm, thu nhập không có, ít giao tiếp xã hội khiến họ tự ti, mặc cảm, sống khép kín. Vì vậy mà người khuyết tật ngoài việc thực hiện và bảo vệ quyền và nghĩa vụ như mọi công dân khác thì họ cần được bảo vệ các quyền và những ưu tiên dành riêng cho họ.

Phát biểu tại hội nghị Thạc sỹ Lương Phan Cừ - Phó chủ tịch Trung ương hội cho biết: “ Nhu cầu trợ giúp pháp lý và truyền thông pháp luật của NKT là rất lớn và ngày sẽ càng tăng do sự gia tăng về số lượng NKT cũng như nhu cầu trợ giúp. Đặc biệt với nước ta, việc nâng cao ý thức pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn luôn là vấn đề hết sức cấp thiết. Trợ pháp lý làm chỗ dựa cho người dân, để họ tiếp cận và tin vào công lý, vào nhà nước, góp phần giữ vững  trật tự an toàn xã hội

Ông Lương Phan Cừ cũng cho biết thêm: Mục tiêu của Trợ giúp pháp lý hướng đến đó là xóa khoảng cách giàu nghèo, giúp bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người được bảo trợ pháp lý, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật và góp phần vào việc phổ biến giáo dục pháp luật, bảo vệ công lý, bảo đảm công bằng xã hội, phòng ngừa hạn chế tranh chấp và vi phạm pháp luật..”

Được biết, trên cả nước hiện đã có 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý tại 63 tỉnh, thành, thành phố trực thuộc trung ương và 199 chi nhánh của trung tâm đặt tại huyện hoặc liên huyện được tổ chức và hoạt động theo Luật trợ giúp pháp lý đã và đang phát huy được những hiệu quả nhất thiết thực.

Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam với vai trò và trách nhiệm của mình sẽ là đơn vị tích cực, chủ động tham gia, đóng góp hỗ trợ  các hoạt động trợ giúp pháp lý cho NKT.

                                                                                                                                         Việt Lê

Từ khóa: