Đeo gạch để “vượt Trường Sơn”
Trung tá, Bác sĩ Trần Thục Oanh – người làm nhiệm vụ “vác tù và” cho một hội tình nghĩa mang tên “Nữ chiến sĩ quân y B3” – đã xúc động nhớ lại quãng thời gian bà và các nữ đồng nghiệp từng sang Gia Lâm rèn luyện trước khi vào Nam: “Tháng 12-1965, chúng tôi nhận lệnh tập trung để chuẩn bị “đi B”. Phần lớn cán bộ, nhân viên được lấy đi từ Quân y Viện 108, 103 và các cơ sở trực thuộc Cục Quân y để thành lập Bệnh viện 84 (sau này được đổi tên là Viện 211 – tên ghép của hai bệnh viện 103 và 108). Khi đó, các nữ cán bộ, nhân viên được tập trung gồm 24 chị em và hầu hết đều ở độ tuổi từ 17 đến 30”.
Đoàn cán bộ nữ quân y được tập kết tại Trường Sĩ quan Hậu cần (nay là Học viện Hậu cần) ở Gia Lâm. Là nữ nhưng họ cũng bị “hành xác”, “vác nặng” như nam quân nhân bằng cách đeo những ba lô gạch nặng hàng chục cân để hành quân bộ. Sau một tuần tập luyện, nhiều chị bị bỏng rát hai vai, vậy nhưng chẳng ai kêu ca, phàn nàn mà đều rất quyết tâm tập luyện để chuẩn bị cho ngày “vượt Trường Sơn” vào Nam. Cứ đều đặn “đêm cõng gạch, ngày nghỉ” trong khoảng gần hai tháng, tới đầu năm 1966, 24 chị đã nhận lệnh rời Hà Nội vào chiến trường Tây Nguyên với tư trang gồm: ba lô, dép cao su, trang phục Quân giải phóng, tăng võng, 1 kg đường, 1 bi-đông nước, 1 lọ mắm ruốc mặn, 3 lạng mỳ chính, 1 hộp kim chỉ và 10kg gạo. Trước khi đi, tất cả được quán triệt là không được để lộ bất cứ thứ gì liên quan đến miền Bắc, kể cả địa chỉ gia đình. Hôm lên đường, để giữ bí mật, cả đoàn đều được chở trên các xe tải trùm kín mui bạt, xuất phát vào giữa trưa và đi ra từ cổng… nhà xác của Viện 108.
Năm 1988, bà Trần Thục Oanh (ngoài cùng, bên trái) có dịp tháp tùng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới thăm vợ chồng “ông chủ" Nguyễn Đức Phương
tại nhà riêng ở Quán Triều (TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).
Suýt chết vì… đồng hương
Sau những ngày đầu ngồi ô tô, dọc đường đi, do bị đánh bom quá nhiều và do lũ gây tắc đường nên các chị phải đi bộ. Theo đường mòn, họ leo hết núi này đến núi khác, leo được ba ngày thì hai bàn chân phồng rộp, rát bỏng. Cứ thế, 5 giờ dậy ăn sáng rồi lên đường, buổi trưa ăn một nắm cơm với muối, đến 5 giờ chiều lại đến Binh trạm sau ăn tối và ngủ lại.
Bác sĩ Thục Oanh kể rằng, suốt chặng đường hành quân vào Nam, các chị phải mắc võng ngủ ngoài rừng và có một thứ làm cho các cô gái Hà Nội rất sợ, đó là những con vắt. Để tránh vắt, bác sĩ Oanh phải treo võng thật cao, sau đó kê hai hòn đá lên để… trèo vào. Có những lúc bị chuột rừng cắn rách cả ba-lô lẫn quần áo, không còn cách nào, chị đành cắt mảnh vải từ đuôi bao gạo ra để vá, mà khâu vá những thứ “tế nhị” của phụ nữ nên Thục Oanh rất ngại, không dám khâu ban ngày, trong khi tối đến lại không được thắp đèn dầu vì sợ máy bay địch phát hiện, thế là chị đành phải tận dụng ánh trăng xuyên qua từng kẽ lá, vừa khâu vừa sợ cánh đàn ông nhìn thấy.
“Một hôm đi đường, do khát nước quá mà tôi phải tìm cách đi xuống cuối đoàn để... uống vụng nước suối, lần ấy, tôi bị Thủ trưởng Lê Cao Đài phát hiện ra, lúc giải lao, mọi người cho kiểm tra, thấy bi-đông của tôi hết sạch nước liền yêu cầu mỗi người chia cho tôi một nắp bi-đông và dặn từ đây đến binh trạm sau không được uống, mỗi khi khát chỉ nên nhấp một ít cho khỏi khô môi”, Bác sĩ Thục Oanh nhớ lại.
Một đêm, đoàn của Thục Oanh lội qua sông Sê-pôn và vào rừng ngủ tạm để chờ sáng hôm sau tiếp tục lên đường. Khi mắc võng ngủ được một giấc, khoảng 4 giờ sáng, cả đoàn chợt tỉnh bởi nghe tiếng sột soạt rất gần chỗ nằm. Mọi người bấm nhau thức dậy. Đúng lúc ấy, có tiếng quát: “Tất cả ngồi im”. Vì đêm tối, không nhìn rõ mặt nên ai nấy nghĩ bụng có lẽ đoàn bị lọt vào ổ phục kích của địch. Vẫn giọng khi nãy cất lên: “Tất cả tháo võng, đi mau!”. Bác sĩ Oanh đi giữa đoàn, cả phía trước lẫn phía sau là một tiểu đội vây chặn với những khẩu súng đã được lên đạn sẵn. Vừa đi, chị vừa để ý, nghe ngóng tiếng máy bay, bởi nếu địch gọi trực thăng tới để “cẩu” cả đoàn thì coi như số phận mọi người đã được định đoạt. Sau một hồi dẫn đi quanh co trong rừng le, giọng người chỉ huy lại vang lên: “Tất cả ngồi im, không ai được đi đâu”. Một lúc sau thì có người tầm khoảng gần 30 tuổi đến, qua báo cáo của cấp dưới, lúc này cả đoàn mới thở phào khi biết đấy là Tiểu đoàn trưởng một đơn vị công binh của ta.
Những nữ chiến sĩ quân y B3 trong một buổi gặp mặt tại Hà Nội.
- Đoàn các anh đi đâu? Tiểu đoàn trưởng hỏi, tay lăm lăm khẩu súng ngắn đã lên đạn.
- Chúng tôi là đoàn cán bộ của Cục Quân y từ ngoài Bắc vào. Bác sĩ Lê Cao Đài trả lời.
- Không đúng, đoàn nào đi qua đây cũng đều phải báo trước cho chúng tôi. Các anh nhảy dù từ đâu xuống?
- Đoàn chúng tôi hành quân bằng ô tô nên các trạm giao liên không được biết...
Sau một hồi tranh luận, giải thích giữa đôi bên, Thục Oanh chợt giật mình khi nghe tiếng gọi từ trong bụi cây: “Ôi, chị Oanh, có phải chị Oanh không ?”. Thì ra, đó là bác sĩ Nguyễn Tiến Lê, người học cùng khóa ở Đại học Quân y với chị. Hai chị em ôm chầm lấy nhau, biết Oanh từng bị viêm cốt tủy hai bàn chân từ mấy năm trước nên bác sĩ Lê đã trêu đùa: “Ai “khiêng” chị vào đây thế?”. Thục Oanh chỉ sang Cục phó Vũ Văn Vinh, lúc này bác sĩ Lê lại quay ra ôm chầm lấy trưởng đoàn và reo lên: “Ôi, thủ trưởng !”… Khi ấy, cả đoàn lại được đơn vị công binh đón tiếp long trọng và sau đó nghe bác sĩ Lê - người phụ trách quân y của đơn vị công binh - kể lại đầu đuôi sự việc. Nghe xong mà ai nấy đều… thót tim. Chả là, từ mấy tháng nay trên địa bàn hầu như ngày nào cũng bị địch ném bom và thả biệt kích. Quá mệt mỏi với việc quấy phá của địch, khi nhận thông tin có một toán “hơn chục tên biệt kích” đang ở trong rừng, trước khi đi, tiểu đội làm nhiệm vụ vây bắt đã xin phép Tiểu đoàn trưởng của họ là nếu cần sẽ “khử” luôn tại chỗ. Khi nghe tin quân ta tóm được toán biệt kích, trong số đó lại có cả một nữ biệt kích “tóc phi-rê”, bác sĩ Lê đã tò mò ra xem, đâu ngờ cái sự “tò mò” ấy đã cứu cả đoàn…
Lân la hỏi chuyện, Thục Oanh mới biết người Tiểu đoàn trưởng của đơn vị công binh tên là Nguyễn Sơn, quê Hà Nội. “Gặp đồng hương giữa chiến trường, chúng tôi mừng lắm, Sơn bảo tôi khi nào ra Hà Nội thì về thăm nhà anh ở phố Trần Nguyên Hãn. Đã hơn 40 năm trôi qua, tôi cứ tự trách mình là đã vô tâm không hỏi kỹ địa chỉ nên bây giờ không biết tìm anh ở đâu để ôn lại cái vụ “chết hụt” năm ấy...”- Bà Oanh xúc động kể.
Nữ “đốc-tờ” ở ngã ba biên giới
Sau một năm làm nhiệm vụ ở chiến trường, đầu năm 1967, nữ y sĩ Thục Oanh chuyển tới Binh trạm 37 (Bộ tư lệnh 559), địa bàn được ví như cái ‘rốn” sốt rét ở ngã ba Đông Dương. Do yêu cầu bí mật nên rất ít người biết nữ y sĩ ấy còn có thêm một công việc thầm lặng khác: Vừa là “đốc-tờ”, vừa đóng vai em gái của “ông chủ tư sản” Nguyễn Đức Phương (Binh trạm trưởng Binh trạm 37, người “nhập vai" nhà buôn chuyên thu mua, vận chuyển vũ khí, hàng hóa từ Phnom Penh, Campuchia tới các đơn vị ở Tây Nguyên và một phần Nam Bộ).
Một hôm, “ông chủ” Đức Phương tiếp một người Campuchia từ bên kia sông đi ca nô sang, người này trình bày vợ mình đau đẻ ba ngày nay mà chưa thể sinh được. Ông Phương liền cử Thục Oanh sang giúp, cũng là để làm công tác dân vận nhằm thuận lợi cho công việc làm ăn, buôn bán. Thục Oanh bảo: “Báo cáo anh, tôi đâu có học chuyên khoa sản". “Thôi, cứ đi, giúp họ tới đâu thì giúp, đằng nào cũng “mang tiếng” là có đốc-tờ giỏi rồi!".
Ngồi ca nô sang sông cùng một người phiên dịch tên Điệp, tới nơi, qua chẩn đoán, Thục Oanh biết người phụ nữ có thai bị chết lưu, người mẹ lại đang lên cơn sốt, Thục Oanh liền quay về, báo cáo tình hình và đề xuất phải đưa bác sĩ của ta sang xử lý giúp. Bệnh xá liền cử bác sĩ Nguyễn Văn Thân đi cùng. Lần này, lại gặp phải tình huống khó xử khác: Người chồng dứt khoát không đồng ý cho bác sĩ nam khám bệnh cho vợ anh ta. Y sĩ Thục Oanh đành hội ý để ông Thân ở ngoài, còn mình vào trong, phát hiện người bệnh có triệu chứng gì thì nói to để ông Thân ở bên ngoài ‘‘khám bệnh từ xa”. Bằng cách ấy, Thục Oanh đã cứu sống được người mẹ. Ba ngày sau, người chồng đi ca nô sang, mang theo con gà và ổ trứng để “cảm ơn đốc-tờ’.
Ngày đó, đồn Đôn Phầy trên đất Campuchia do một tên trung úy làm đồn trưởng. Để hàng hóa đi lại trót lọt, "ông chủ” Phương thường tìm cách hối lộ tên đồn trưởng. Một hôm, viên đồn trưởng sang gặp “ông chủ”, nhờ Thục Oanh sang khám giúp cho vợ anh ta. Chưa biết bệnh tình của vợ tên đồn trưởng ra sao, nhưng để ra vẻ mình là "đốc-tờ” của một ông chủ giàu có, Thục Oanh bảo y tá Hà Kim Tiêu chuẩn bị một khay phủ vải trắng ở trên để đựng y cụ rồi chọn một bộ quần ầo “tươm” nhất để diện. Trên đường đi, hai chị em thống nhất: “Tiêu bê khay, còn mình thì đi người không để cho ra vẻ... bác sĩ nhé!”.
Không chỉ đóng giả là “đốc-tờ”, Thục Oanh còn được gợi ý đóng giả là em gái ông chủ đến ở cùng để đi buôn thuốc tây. Muốn vậy thì phải sắm quần áo thật đẹp để em gái ông chủ diện. Đảng ủy Binh trạm lại phải họp bàn và thống nhất: Điện xin cấp trên may cho Thục Oanh hai bộ quần áo để đóng giả cô chủ hãng buôn. Lập tức, cấp trên điện vào: ‘Tiền ria phải đổi bằng vàng, vì thế chỉ cho phép may một bộ".
Công việc làm ăn, buôn bán của nữ “đốc-tờ" và ông chủ diễn ra suôn sẻ cho tới năm 1969, khi bà Oanh bị ốm nặng do sốt rét, phải chuyển ra Bắc.
Khi được hỏi về những năm tháng làm “đốc-tờ’ ở ngã ba biên giới, có khi nào bà sơ ý để lộ tung tích, bà Oanh bảo rằng có một lần, sau khi khám bệnh cho vợ tên trung úy đồn trưởng, hôm sau, viên trung úy cho người chở ca nô mang sang biếu “đốc-tờ” một xấp vải để may quần áo. “Thì ra, mỗi khi sang khám bệnh bên đó, bọn lính cũng để ý, rồi chúng nói chuyện với nhau: Đốc-tờ của ông chủ gì mà nghèo thế, lần nào sang khám bệnh cho quan hai cũng thấy diện có... mỗi bộ quần áo”. Kể lại chuyện cũ, bà Oanh cười vui mà nước mắt lăn dài trên má...
Điều mong mỏi sau hơn 40 năm
Sau hơn 40 năm nhận nhiệm vụ vào chiến trường, các nữ chiến sĩ quân y Viện 211 thuộc chiến trường Tây Nguyên mới tổ chức được một cuộc gặp đầm ấm, xúc động tại Hà Nội. Trong ngày gặp mặt, Trưởng ban liên lạc Trần Thục Oanh có nhận được ở các chị em những bản viết tay nói lên cảm nghĩ của mỗi người trong những tháng ngày ở chiến trường. Trong những bài viết, ai cũng kể đến những cái khổ, cái đói, rét, bệnh tật và bom đạn... mà mình từng trải qua và tự hào ôn lại những tháng ngày sống chết bên nhau, từng chia nhau giọt nước, củ khoai và những chuyến cõng gạo, tải thương trên chiến trường ngày ấy...
Có một điều làm họ day dứt, ấy là trong thời gian phục vụ chiến trường, họ phải sống trong khu vực bị rải chất độc hóa học, nhưng không phải ai cũng biết để tránh, bởi vậy mà có người đã uống phải nước có chất độc vừa rải, thậm chí trong khi địch đang phun chất độc, ngẩng lên, có người lại tưởng trời mưa và lấy tay hứng để… rửa mặt. Nhớ lại ngày ấy, ai cũng thấy ngậm ngùi, bởi họ từng là những người phục vụ, cứu chữa thương bệnh binh, nhưng rồi sau này, không ai “cứu” giúp tuổi xuân của họ, bởi chất độc hóa học đã làm mái tóc họ bạc trắng và nhiều người đã không còn khả năng sinh con...
Giờ đây, điều mà đa số chị em nữ chiến sĩ quân y B3 mong mỏi là các cấp, ngành quan tâm và ghi nhận đúng mức những hy sinh, đóng góp của họ, cụ thể là việc giải quyết chế độ chính sách cho những chị em từng làm nhiệm vụ ở vùng nhiễm chất độc hóa học, bởi với các tiêu chí do cơ quan chức năng quy định thì nhiều chị đều đã bị nhiễm loại chất độc chết người ấy. Song thực tế, các chị đã gặp phải không ít vướng mắc từ những văn bản quy định của Nhà nước.
Khi được biết về những khó khăn trong việc giải quyết chế độ, các chị đành cố nén những tiếng thở dài rồi lại động viên nhau tiếp tục vượt qua khó khăn, như những năm tháng họ đã từng để lại tuổi xuân giữa dặm trường Tây Nguyên…
Minh Tuệ