Các đại biểu điều hành Diễn đàn
Diễn đàn đã tập trung trao đổi, ý kiến về định hướng nghề nghiệp đối với thanh niên; công tác thông tin thị trường lao động; giải quyết việc làm cho thanh niên; chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Nhiều ý kiến đề xuất cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục nghề nghiệp gắn với công tác định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường THCS, THPT. Nâng cao công tác thông tin thị trường lao động đối với thanh niên; hoạt động của các đơn vị dịch vụ việc làm, giáo dục nghề nghiệp.
Làm thế nào để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp?
Đại biểu Trần Thị Hồng Hạnh, huyện Đoàn huyện Nhà Bè (Thành phố Hồ Chí Minh) thẳng thắn nêu thực trạng không ít sinh viên ra trường thất nghiệp, làm trái ngành nghề, chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Tình trạng này do công tác định hướng nghề nghiệp chưa thực sự hiệu quả dẫn đến nhiều học sinh chọn nhầm trường, nhầm nghề, thất nghiệp. Ở cấp độ vĩ mô, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh thiếu thông tin dự báo về nhu cầu nhân lực các ngành nghề.
Các đại biểu thanh niên đề xuất ý kiến với lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương
Theo đại biểu Hồng Hạnh, để tăng hiệu quả việc hướng nghiệp phải kết nối với doanh nghiệp, để doanh nghiệp giới thiệu về việc làm, từ đó, sinh viên có thể làm quen với công việc, nhận diện được công việc cũng như có thể tìm được những việc làm mong muốn hoặc tìm ra hướng đi cho riêng mình. Ngay từ cấp THCS, THPT nên có các câu lạc bộ nghề nghiệp. Những mô hình này giúp định hướng nghề nghiệp sớm cho thanh niên.
Đại biểu Huỳnh Tấn Long (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ tại diễn đàn: vấn đề giới trẻ đang vướng phải là hạn chế về thông tin, kiến thức liên quan đến chính sách pháp lý, thủ tục hồ sơ liên quan để thành lập các doanh nghiệp, hoặc những chính sách pháp lý về vấn đề an toàn thực phẩm…“Rõ ràng những ý tưởng không phải là không có khả năng thực thi nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên những dự án thành công còn hạn chế. Chúng ta cần có thêm nhiều vườn ươm, tư vấn thêm để các bạn có thêm động lực, thêm kinh nghiệm quay trở lại phát triển dự án cần có những mô hình khởi nghiệp để trau dồi thêm cho các bạn trẻ”. Nhận định này cũng tương đồng với ý kiến của đại biểu Ngô Tường Vy (tỉnh Bến Tre): yếu điểm của các bạn trẻ khởi nghiệp và cũng là nguyên nhân dẫn đến 80% các dự án không thành công là do các bạn chưa tìm hiểu sâu sản phẩm của mình có phù hợp với thị hiếu thị trường hay không. Có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, song cũng có không ít doanh nghiệp thất bại. Điều này không chỉ gây thất thoát nguồn vốn cho Nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ, mà còn mất nguồn vốn của cá nhân người khởi nghiệp. Con số 15.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đầu năm 2017 theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, liệu đến cuối năm, chúng ta còn bao nhiêu doanh nghiệp tồn tại? Như vậy, phải thống nhất rằng đào tạo về khởi nghiệp cần thiết như đào tạo quản trị nhân lực, kinh tế tài chính. “Việc định hướng cho thanh niên khởi nghiệp là vấn đề cần quan tâm. Nhà nước có chính sách gì để hỗ trợ người khởi nghiệp?” - đại biểu Huỳnh Tấn Long, Bí thư Đoàn Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh hỏi đại biểu điều hành diễn đàn.
Nhiều ý kiến thuộc các nhóm vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên, thanh niên lập thân, lập nghiệp đã được trao đổi tại diễn đàn
Chia sẻ với các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho biết, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã được quy định tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó quy định chính sách đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và cũng quy định quỹ đầu tư, cơ chế sử dụng ngân sách địa phương cũng như nguồn lực huy động từ các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Đương nhiên, đầu tư cho khởi nghiệp bao giờ cũng có rủi ro chứ không phải doanh nghiệp nào cũng thành công, tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quá lo lắng. Tới đây Chính phủ sẽ có nhiều sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và thanh niên nói riêng. Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định chi tiết về đầu tư trong khởi nghiệp sáng tạo giúp khơi thông dòng vốn khởi nghiệp sáng tạo, khuyến kích thành lập quỹ đầu tư tạo dựng căn cứ pháp lý cho các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên các địa phương.
Ngoài ra, ông Phương cũng cho biết thêm, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm cả doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tập trung 3 khâu đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Trao đổi tại diễn đàn, nhiều đại biểu nêu lên thực trạng thất nghiệp gia tăng mỗi năm của sinh viên Việt Nam sau khi ra trường là điều luôn phải nhắc lại mỗi năm. Vấn đề trăn trở của các đại biểu đó là sự gắn kết giữa nhà trường, doanh nghiệp trong đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp chưa thực sự đạt hiệu quả.
Đại biểu Hồng Hạnh (Bí thư đoàn xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, Bến Tre) đề xuất cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường trong việc đào tạo, tư vấn hướng nghiệp. Việc đào tạo nghề là việc quan trọng cần phải được thực hiện ngay từ cấp trung học cơ sở. Theo đại biểu này, tại Bến Tre có nhiều doanh nghiệp đã tổ chức các chuyến xe để các em học sinh được đi tham quan các cơ sở sản xuất, từ đó giúp các em có thể định hình được việc mình sẽ làm và theo đuổi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ với các đoàn viên
Trao đổi tại diễn đàn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, tới thời điểm này tâm lý chung của giới trẻ theo con đường đại học vẫn là chính đáng, cần khuyến khích, nhưng các bạn cần xác định chúng ta không phải chỉ có một con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp, mọi tính toán cần dựa trên năng lực bản thân, điều kiện kinh tế... Xã hội định hướng, cá nhân tự chọn - theo Bộ trưởng Dung là cách hướng nghiệp tốt nhất cho thanh niên.
Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 10 về định hướng phân luồng học sinh sinh viên, trong đó định hướng phân luồng học sinh từ phổ thông cơ sở vào học nghề phấn đấu đạt 30%. Tuy nhiên, việc phân luồng trên hiện nay đang mang tính cơ học. Tâm lý chung của thanh niên hiện nay là muốn học đại học. Nguyện vọng này là chính đáng, rất đúng và nên khuyến khích nhưng phải dựa trên cơ sở khả năng, năng lực của mỗi người…
Trước thực trạng thất nghiệp của hơn 200.000 sinh viên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, để giải quyết vấn đề này, không chỉ cần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, mà còn phải nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Hiện chúng ta có 1.974 trường cao đẳng, trung cấp nghề và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiến hành sắp xếp quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, đổi mới phương thức đào tạo và xác định năm 2018 sẽ là một năm đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Hiện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng đề án đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 10 nhóm giải pháp lớn công tác giáo dục nghề nghiệp sẽ hướng tới, trong đó, sẽ tập trung nâng cao số lượng người học nghề; học nghề ra phải có việc làm; việc làm nhất thiết phải có thu nhập tương xứng; chương trình đào tạo phải được liên thông. Đặc biệt, Bộ trưởng đề xuất công tác truyền thông với sự quan tâm, phối hợp của các ban ngành, đoàn thể cần được đẩy mạnh để thay đổi nhận thức của xã hội đối với vấn đề học nghề, lập nghiệp. “Đề án sẽ tập trung vào 3 đột phá trong giáo dục nghề nghiệp gồm: Giao tự chủ cho nhà trường (tự chủ cả về bộ máy, con người và tài chính); Kết nối với doanh nghiệp và Chuẩn hóa chương trình giáo dục nghề nghiệp. 3 nhóm giải pháp đó sẽ là những giải pháp căn cơ để chúng ta có những công nhân kỹ thuật, những người thợ có trình độ chuyên môn cao" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết, sắp tới ngoài đào tạo năng lực thực hiện cho người học, các trường từ dạy nghề từ trung cấp đến ĐH sẽ đào tạo kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Tháng 10/2017, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Chính phủ phê duyệt quyết định đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên với mục tiêu: thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên; đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khởi nghiệp; tạo môi trường thúc đẩy ý tưởng các dự án khởi nghiệp. “Mục tiêu đề án đặt ra đến năm 2020, các trường cao đẳng, đại học, trung cấp 100% các trường phải có kế hoạch hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp; 90% các trường sẽ có kế hoạch cụ thể đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khởi nghiệp; 70% các trường đại học và 50% các trường trung cấp phát triển và hiện thực hóa 2 dự án khởi nghiệp. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng kế hoạch trong tháng 12 sẽ triển khai. Song song với hoàn thiện giáo trình khởi nghiệp, trong thời gian tới chúng tôi sẽ quan tâm đến đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy khởi nghiệp”, ông Dũng cho biết.
"Phục vụ cho thanh niên là phục vụ cho đất nước", Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định với đại diện thanh niên
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận và thông qua 13 ý kiến đại diện của thanh niên quan tâm tới nhiều nhóm vấn đề được chia sẻ hôm này sẽ góp phần triển khai tốt hơn các chính sách dạy nghề, việc làm cũng như hoàn thiện hơn công tác chuyên môn, bám sát địa bàn của cán bộ Đoàn. Trên quan điểm phục vụ thanh niên là phục vụ cho đất nước, Bộ trưởng Dung đề nghị “Các bạn thanh niên hãy “xả thân” hơn nữa. Phục vụ tuổi trẻ cũng là phục vụ đất nước, chúng tôi cam kết sẽ hành động tất cả vì tuổi trẻ Việt Nam . Dù mỗi thời kỳ có một sứ mệnh khác nhau nhưng thanh niên dù ở thời kỳ nào cũng là rường cột nước nhà, đi liền với đặc tính tình nguyện, xung kích, sáng tạo. Thời đại mới đòi hỏi thanh niên phải đáp ứng nhiều nhiệm vụ khác nhau, quan trọng nhất là tổ chức Đoàn phải đánh thức được tiềm năng của thanh niên và mỗi cán bộ Đoàn cần phát huy hơn nữa để thực hiện tốt vai trò dẫn dắt thanh niên" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh./.
PV
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48