Lao động
Thanh Tương tập trung giải quyết việc làm cho người lao động
11:29 AM 06/08/2017
(LĐXH)- Mặc dù đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, song trong những gần đây, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xã Thanh Tương, huyện Na Hang (Tuyên Quang) đã thường xuyên quan tâm giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
Hiện toàn xã Thanh Tương có 13 thôn, 781 hộ, trên 3.200 nhân khẩu, trong đó hộ dân tộc thiểu số chiếm trên 80%. Xác định việc tạo mở việc làm là một trong những giải pháp cơ bản, mang tính bền vững giúp người dân ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập nên cấp ủy, chính quyền xã Thanh Tương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm thông qua việc phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, khuyến khích phát triển các ngành, nghề tại địa phương tạo việc làm tại chỗ nhằm nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn. Kết quả, từ đầu năm đến nay, xã đã tạo việc làm mới cho 63 lao động, đạt 73% kế hoạch năm; trong đó, có nhiều thôn số lao động có việc làm chiếm tỷ lệ cao như Yên Thượng, Yên Trung, Nà Đồn…
Phụ nữ tại xã Thanh Tương tham gia làm phụ xây thu nhập 150.000 đồng/ngày
Riêng thôn Yên Thượng có 60 hộ, trên 230 nhân khẩu thì hiện nay đã có 80% hộ có nhà xây kiên cố. Trong thôn có hơn 80% số hộ có người làm nghề xây dựng, phụ xây. Thôn hiện có gần chục tốp thợ chuyên nhận công trình xây dựng trong và ngoài địa phương. Ông Phạm Ngọc Thuận, Bí thư Chi bộ cũng là “thợ cả” của một tốp thợ xây cho biết: Những năm gần đây, nghề xây dựng phát triển mạnh nên cả thôn gần như theo nghề xây, phụ xây, quanh năm làm không hết việc. Chỉ riêng ông đã tạo việc làm cho 10 lao động, trong đó có nhiều người thân trong gia đình với tiền công thợ xây 300 nghìn đồng/ngày, phụ xây 150 nghìn đồng/ngày.
Ông Nguyễn Đức Nhập, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tương trao đổi: Hiện nay, lao động của xã tham gia ngành nghề sản xuất nông - lâm nghiệp chiếm 67,5%, ngành công nghiệp xây dựng chiếm 14,77%, ngành thương mại - dịch vụ chiếm 18,18%. Tạo việc làm tại địa phương theo hướng chuyển dịch cơ cấu giữa các ngành kinh tế, tăng tỷ lệ lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, thương mại, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp là mục tiêu, giải pháp mà UBND xã tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, đối với ngành nghề sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, địa phương đã phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế rừng để từ đó giải quyết việc làm tại chỗ. Tính đến thời điểm này, toàn xã có 135 hộ phát triển trồng rừng, với diện tích 200 ha. 
Ngoài tạo việc làm tại chỗ, UBND xã Thanh Tương còn phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Na Hang, các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, các đoàn thể xã tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho nhân dân, đoàn viên, hội viên, nhất là lực lượng lao động trẻ tham gia làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trong nước. Trong 7 tháng, đã có 18 lao động đi làm việc tại các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh... đạt 81% kế hoạch năm. 
Nhiều lao động ở Thanh Tương đã có thu nhập ổn định
Trong thời gian tới, UBND xã tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết việc làm, tăng thu nhập góp phần giảm nghèo ở địa phương. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/người/năm, tăng 12 triệu đồng/người/năm so với hiện nay.  

P.V

 

Từ khóa: