Đó là lời tâm sự của thầy giáo Phạm Khánh Hoàng, người đã hơn 30 năm nay mở lớp học miễn phí để giúp đỡ những học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn ở phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa,… Nghệ An
Giấc mơ giảng đường dang dở…
Phạm Khánh Hoàng đã từng là học trò nổi bật nhất ở Trường Quốc học Huỳnh Thúc Kháng, khóa học 1955 - 1958. Đây có lẽ cũng là trường hợp duy nhất dù không đỗ “ông nghè”, chưa một lần được bước vào giảng đường đại học, không “quyền cao chức trọng” nhưng lại được thầy cô, bạn bè khắc sâu lâu như vậy.
Một trong những "bí quyết" của thầy Hoàng để phụ đạo học sinh yếu, kém thành công đó là nghiêm khắc trong quá trình giảng dạy, dạy đạo đức trước khi dạy kiến thức. Ông cũng từng là học trò “cưng” được thầy giáo Ninh Viết Giao ưu ái nhiều nhất trong cuốn Hồi ký trường Huỳnh Thúc Kháng: “Nhiều giáo viên nhớ nhất là Phạm Khánh Hoàng. Người nhỏ nhắn, trong trẻo, hiền lành, nói lúc nào cũng nhỏ nhẹ. Hoàn cảnh gia đình éo le, vừa đi học, vừa đi cộng sổ cho các nhà doanh nghiệp ở Vinh lúc bấy giờ để nuôi thân, thế mà Hoàng học giỏi vô cùng, học giỏi đều tất cả các môn.
Riêng môn Văn, đọc xong bài tập làm văn của Hoàng khi chấm bài cứ sáng trưng lên, ý tứ mạch lạc, diễn đạt rõ ràng, bố cục cân đối, không phải gạch một chữ nào. Tiếc rằng thang điểm không cao hơn, thầy cho con 5 là chắc chắn. Vậy nhưng, con 5 của Hoàng cách con 5 hay con 4 của các bạn khác cùng lớp một quãng khá xa”.
Học giỏi, có “trí thông minh, có óc cường ký tuyệt vời, học tốt đến nỗi thầy vừa giảng bài trên lớp xong là thuộc bài rồi, thầy vừa ra bài tập là làm xong rồi” nhưng việc học của Phạm Khánh Hoàng đành phải lỡ dở ở lớp 10. Nhắc lại nỗi buồn này, ông không bao giờ trách móc mà hiểu rằng đó là do một giai đoạn lịch sử để lại…Tốt nghiệp cấp III, bỏ sau lưng nỗi buồn không được tiếp tục học lên đại học, ông ngược miền Tây lên Nghĩa Đàn tham gia dạy bình dân học vụ.
Cũng từ đó, ông xem Nghĩa Đàn là quê hương thứ 2 và chọn nghề dạy học làm “nghiệp” của mình. Năm 1978, khi Nghĩa Đàn có chủ trương mở Trường Năng khiếu Nghĩa Đàn, ông được chính quyền địa phương tin tưởng giao trọng trách là hiệu trưởng trường năng khiếu. 5 năm sau, trường giải thể, ông trở về dạy ở Trường THCS Thái Hòa cho đến khi về hưu.
Hơn ba mươi năm gắn bó với nghề dạy học, ông tự trào mình là một thầy giáo "đặc biệt". Bởi lẽ, làm thầy nhưng ông chưa qua một lớp đào tạo nghề giáo nào. Vậy nhưng, người thầy giáo này lại khá “đa tài” khi vừa có thể dạy văn, vừa có thể dạy toán, dạy vật lý, dạy hóa học. Đáng khâm phục, ở với cương vị nào, ông cũng làm “tròn vai” và có nhiều học sinh xuất sắc, nổi bật…
Sống sao cho có ích
“Mát tay” với nghề dạy học nên từ những ngày đang công tác trong ngành giáo dục, nhiều phụ huynh đã gửi gắm con em cho thầy Phạm Khánh Hoàng. Bản thân thầy gắn bó với công việc này cũng bởi một lẽ đơn giản: “Đối với tôi, khi nào trái tim còn nhịp đập, cái đầu còn tư duy và bàn tay còn cầm phấn thì tôi vẫn còn đứng lớp. Hơn thế, có như thế tôi mới cảm nhận rằng mình vẫn còn sống mà đã sống, phải sống sao cho thật có ích”…
Đến lớp học của ông, nghe ông giảng bài, khó tin ông đã 81 tuổi, nhưng cái “chất” của cậu học trò Phạm Khánh Hoàng ngày xưa vẫn chưa thay đổi. Nói chuyện với ông, vẫn lối trò chuyện chậm rãi nhưng hết sức súc tích...Tác phong ấy, thật khác khi ông đứng trên bục giảng, vừa nghiêm nghị nhưng lại vừa bao dung, tỉ mẩn.
Ở thị xã Thái Hòa, thầy giáo Phạm Khánh Hoàng nổi tiếng không bởi vì là một người thầy giáo tâm huyết, dạy giỏi, thường xuyên dạy miễn phí cho học sinh nghèo. Ông còn đặc biệt bởi là người dám tự tin nhận những học trò “mũi tù”, học kém và rất kém để bồi dưỡng. Nói về lý do, ông chia sẻ: Học trò bản chất các em không phải kém thông minh mà bởi chúng ta dạy sai phương pháp, khiến các em bị hổng kiến thức...
Lớp học của thầy Hoàng bắt đầu mở từ đầu những năm 80 của thập kỷ trước và nhiều gia đình, đời bố, đời con đã học thầy. Học sinh đến với ông, có nhiều đối tượng khác nhau nhưng chủ yếu là gia đình khó khăn. Có thể cũng vì thế nên nhiều năm qua dù ông dù mở lớp học thêm thật nhưng việc thu học phí cũng thật hi hữu hoặc nếu có thì “cũng chỉ bằng mức học phí của các nhà trường”.
Bản thân ông, khi đã nhận học trò, ông cũng có nhiều quan niệm rất riêng: Khi đã nhận các cháu vào học, tôi luôn đảm bảo với gia đình dù các cháu không biết gì nhưng nếu học với tôi chỉ 1,5 tháng là tôi trả lại kiến thức cho các cháu.
Để có được “bí quyết” thành công, công thức của thầy Hoàng cũng rất đặc biệt: Một cuốn sách giáo khoa, học hết thì phải mất 1 năm. Nhưng nếu biết cách “chưng” kiến thức thành “cao” và có phương pháp tốt thì học sinh sẽ tiếp thu một cách hiệu quả.
Không chỉ giúp rèn luyện, nâng cao kiến thức và truyền lại cho các em cả tình yêu đối với môn Toán vốn luôn đầy ắp trong mình, thầy còn là tấm gương về lối sống và tình người…
Mỗi lứa học trò từ đây ra đi đều hướng về thầy con như đối với một người cha, người ông đáng kính với tất cả tấm lòng biết ơn và ngưỡng mộ. Cũng từ lớp học của ông, rất nhiều học sinh đã trưởng thành. Nhiều học sinh dù bắt đầu bằng con số 0 nhưng dưới sự dìu dắt chỉ bảo của thầy đã từng bước tự tin, thi đậu vào cấp III và trở thành sinh viên của nhiều trường đại học.
Bảng đen, phấn trắng, lớp lớp học trò và những bài giảng cũng là động lực mạnh mẽ giúp ông giáo già quên đi những suy tư, những vất vả của cuộc sống đời thường. Hạnh phúc hơn nữa là nhờ đó ông cảm thấy vui, thấy mình có ích vì “ tôi đã góp một cái gì đó cho đời và giúp các cháu”…
Theo Báo Nghệ An