Xã hội
Thống nhất trong hành động và giải pháp để giảm thiểu lao động trẻ em
04:34 PM 11/06/2024
(LĐXH) - Ngày 11/6/2024 tại Hà Nội diễn ra Hội thảo “Phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật năm 2024”. Sự kiện này cũng nhằm hưởng ứng Tháng Hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” và ngày Phòng, chống lao động trẻ em quốc tế năm 2024 với chủ đề “Hãy hành động vì cam kết chung: Chấm dứt lao động trẻ em!”.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em điều hành hội thảo

Theo các chuyên gia, trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhờ đó, tỷ lệ lao động trẻ em ở Việt Nam thấp hơn 2% so với trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu lao động trẻ em đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Chính phủ Việt Nam đã ký kết và phê chuẩn nhiều công ước quốc tế về quyền trẻ em và chống lao động trẻ em, như Công ước 138 và 182 của ILO. Luật Trẻ em 2016 quy định rõ về quyền của trẻ em, bao gồm quyền được bảo vệ khỏi lao động trẻ em và các hình thức bóc lột khác. Luật cũng đề xuất các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm quyền trẻ em. Tại Bộ luật Lao động 2019 cấm hoàn toàn việc sử dụng lao động trẻ em dưới 15 tuổi, trừ một số công việc nhẹ nhàng không ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của trẻ; Đối với trẻ em từ 15 đến 18 tuổi, luật cũng có những quy định chặt chẽ về thời gian làm việc, loại hình công việc và điều kiện lao động.

Ngày 27/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 782/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật (lao động trẻ em) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Ngay sau khi Quyết định được ban hành, Bộ LĐTBXH đã có văn bản hướng dẫn bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Chương trình; hướng dẫn xác định trẻ em và người chưa thành niên lao động trái quy định của pháp luật; 50/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 08 Bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình, 13 địa phương lồng ghép kế hoạch triển khai Quyết định trong kế hoạch triển khai Chương trình hành động vì trẻ em trên địa bàn.

Hội thảo có sự tham gia của nhiều Bộ ngành, đoàn thể liên quan và trực tuyến tại 63 tỉnh/thành phố với hơn 70 điểm cầu

Đến thời điểm này, khi chỉ còn 1 năm nữa để hoàn thành sáng kiến 8.7 nhằm đóng góp vào Mục tiêu Phát triển Bền vững số 8 và tiến tới xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức vào năm 2025 mà Việt Nam là một trong 15 quốc gia tiên phong ở khu vực châu Á, đòi hỏi phải có nỗ lực liên tục và lâu dài từ nhiều phía, bao gồm Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cộng đồng, gia đình và chính các em.

Hội thảo “Phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật năm 2024” được tổ chức với sự tham gia của các Bộ ngành liên quan, nhất là các tổ chức, hiệp hội nhằm thảo luận, thống nhất các hành động, giải pháp; tăng cường phối hợp liên ngành trong phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật. Hơn nữa, hoạt động này cũng góp phần hưởng ứng triển khai Chỉ thị 28-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc – công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em lại được đặt đúng vị trí quan trọng theo tinh thần tất cả vì thế hệ trẻ của đất nước.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục trẻ em trình bày sâu về quy chế phối hợp trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định của pháp luật

Với mục tiêu phấn đấu giảm tỉ lệ lao động trẻ em từ 5-17 tuổi xuống dưới 4,9% vào năm 2025 và 4,5% vào năm 2030, trong thời gian tới, Bộ LĐTBXH, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp mà Thủ tướng Chính phủ giao, đặc biệt chú trọng hoàn thiện chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật: chính sách hỗ trợ giáo dục, dạy nghề, an sinh xã hội; thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành; lồng ghép giải quyết trẻ em lao động trái quy định của pháp luật trong hệ thống bảo vệ trẻ em với các vấn đề giảm nghèo - an sinh xã hội trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; củng cố hệ thống bảo vệ trẻ em nhằm phòng ngừa, xóa bỏ lao động trẻ em theo hướng tăng độ bao phủ, lấy trẻ em làm trung tâm, giúp trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và gia đình trẻ em dễ dàng tiếp cận dịch vụ an sinh xã hội./.

Đăng Doanh