Xã hội
Thừa Thiên Huế cải thiện môi trường trong lành, chú trọng chăm sóc sức khoẻ người có công
09:59 AM 10/07/2023
(LĐXH) - Trung tâm Điều dưỡng, chăm sóc người có công Thừa Thiên - Huế được thành lập từ năm 1985 theo quyết định của UBND tỉnh Bình Trị Thiên. Trung tâm có chức năng quản lý, chăm sóc, điều trị, nuôi dưỡng người có công với cách mạng cô đơn không nơi nương tựa trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận, đưa đón người có công đến điều dưỡng luân phiên tại Trung tâm theo kế hoạch hàng năm; tổ chức đón tiếp thân nhân gia đình liệt sĩ đến thăm viếng, tìm kiếm, di chuyển mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng chăm sóc sức khoẻ người có công
Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã không ngừng đổi mới sáng tạo trong cách làm, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc cho các đối tượng Người có công; tạo điều kiện để các nhân viên được tham gia các khóa đào tạo để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chăm sóc sức khỏe của người có công cũng từng bước được nâng cấp, hiện đại hóa hơn. Đặc biệt, từ tháng 6/2019 Trung tâm được tiếp nhận, quản lý thêm cơ sở 2, Nhà nghỉ dưỡng Lăng Cô (huyện Phú Lộc), đã giúp cho công tác điều dưỡng Người có công với cách mạng được đẩy lên một tầm cao mới.
Ông Nguyễn Hữu Nghi, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công Thừa Thiên Huế bế trên tay mệ Quy, 98 tuổi sang CDC Thừa Thiên Huê tiêm Vaccine Covid-19
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Nghi, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Người có công khi đến Trung tâm điều dưỡng, nghỉ dưỡng sẽ được hưởng thụ các chế độ phục vụ theo yêu cầu và đáp ứng tiêu chuẩn khách sạn 3 sao. Cùng với các hoạt động tại Trung tâm, các đoàn điều dưỡng còn được tự lựa chọn chương trình tham quan với chi phí hợp lý, phù hợp với quy định của Nhà nước. Trung tâm cũng chủ động liên kết với các tỉnh thành khác, các đơn vị để đưa người có công đi tham quan, điều dưỡng ngoại tỉnh”.
 Chăm sóc vệ sinh hàng ngày cho các đối tượng từ cắt tóc...
Thực hiện công tác điều dưỡng phục hồi sức khoẻ tập trung cho người có công và thân nhân người có công, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm đã tổ chức điều dưỡng được 18 đoàn trong tỉnh cho 800  lượt người (kế hoạch là 1.658 người). Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ đối tượng đến điều dưỡng từ khâu đón tiếp đến việc chăm sóc hàng ngày, với việc xây dựng thực đơn đa dạng, phong phú, đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng, phù hợp với người cao tuổi và người có bệnh nền; duy trì chế độ chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho đối tượng như thăm khám, vật lý trị liệu, châm cứu, xoa bóp, hỗ trợ thuốc bổ, thực phẩm chức năng, vệ sinh phòng ở hàng ngày; tổ chức các hoạt động tập thể để nâng cao đời sống tinh thần cho đối tượng như: chiếu phim tài liệu, phim về chiến tranh bảo vệ tổ quốc trên màn hình rộng để đối tượng được dễ xem; đưa đoàn đi tham quan các danh lam thắng cảnh, thăm các bảo tàng trên địa bàn tỉnh, đi dã ngoại hai bên bờ sông Hương bằng ô tô điện; tổ chức giao lưu văn nghệ để đối tượng thể hiện sự đam mê ca hát của mình. Định mức, chế độ điều dưỡng được Trung tâm thực hiện đúng quy định, công khai rõ ràng từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc mỗi đợt điều dưỡng. Khi tổng kết đánh giá mỗi đợt điều dưỡng, hầu hết đối tượng cảm thấy hài lòng, đánh giá cao sự lễ độ, chu đáo của Trung tâm.
... đến từng bữa ăn
Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng 13 người có công có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa (tuổi trung bình là 84 tuổi, người nhiều tuổi nhât là 98 tuổi, người ít tuổi nhất là 71 tuổi), trong đó có 05 thương binh, 05 người có công giúp đỡ cách mạng, 01 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học và 02 người là thân nhân liệt sỹ. Các đối tượng nuôi dưỡng ở Trung tâm ngoài việc được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, chế độ đối với người cao tuổi, còn được ngân sách địa phương hỗ trợ trên 1,9 triệu đồng/tháng (trong đó hỗ trợ tiền ăn 1,5 triệu đồng/tháng). Tính đến hết tháng 6, Trung tâm cũng đã tiếp đón 04 đoàn với 40 lượt người là thân nhân liệt sĩ đến thăm viếng mộ liệt sĩ trên địa bàn
Sự phấn khởi thể hiện rõ trong từng ánh mắt...
Xác định việc quản lý và chăm sóc các đối tượng như người trong gia đình, cán bộ CCVC của trung tâm luôn xem các cụ  người có công như người thân của mình, chăm sóc, nuôi dưỡng như người cha người mẹ; giúp cho các cụ được sống khỏe, sống vui và đỡ tủi thân khi về già khi không có người thân bên cạnh. Có thể nói, các hoạt động thiết thực dành cho người có công đều mang ý nghĩa tri ân sâu sắc, thể hiện rõ truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp của Đảng và Nhà nước  đối với người có công với cách mạng.
Cắt cây, tỉa cành
Bên cạnh đó, các cụ còn được Trung tâm chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân, thăm khám sức khỏe hàng ngày, châm cứu, phục hồi chức năng để giảm bệnh tật, nâng cao sức khoẻ; được đưa đi điều trị tại bệnh viện và cử nhân viên y tế thăm nuôi nếu chẳng may bị bệnh nặng. Đặc biệt, đối tượng nếu có nhu cầu về thăm quê, đi hiếu, hỉ, Trung tâm luôn tạo điều kiện cho các cụ đi bình thường; tổ chức đám tang chu đáo theo phong tục truyền thống của địa phương nếu chẳng may qua đời.
Dọn dẹp vệ sinh
Về việc tổ chức mai táng cho các cụ khi mất, Trung tâm có bố trí một phòng riêng dành cho các cụ lúc hấp hối để khỏi ảnh hưởng đến tâm lý các cụ khác, khi các cụ mất nếu người nhà không xin đưa về quê tổ chức thì Trung tâm tổ chức mai táng theo nghi lễ tuyền thống, thời gian không quá 03 ngày, có bố trí phòng tang lễ - thờ cúng đảm bảo trang nghiêm. Sau khi mai táng, trong vòng 49 ngày, ngày nào cũng có cúng cơm cho các cụ; các lễ cúng 49 ngày, 100 ngày, nhập năm thực hiện đầy đủ. Tổ chức giỗ vào ngày 27/7 hàng năm; ngoài ra các ngày rằm, mồng một, tết Nguyên đán, Trung tâm đều sắm lễ vật dâng hương cho các cụ.
Hiện nay, mức tiền ăn nuôi dưỡng người có công đang thực hiện theo Nghị quyết 32/2021/NĐ-HĐND ngày 14/10/2021 của HĐND tỉnh với mức 1.500.000 đồng/người/tháng, được áp dụng từ tháng 11/2021. Tính chung, mỗi đối tượng được hỗ trợ 50.000 đồng/ngày/suất ăn. Ngoài khoản trợ cấp hàng tháng của Nhà nước giúp các đối tượng mua thêm thực phẩm bồi bổ sức khoẻ, Trung tâm còn chăm lo đầy đủ áo quân, chăn ga, thuốc chữa bệnh thông thường cho các đối tượng.
Trồng hoa, cây cảnh
Cải thiện môi trường trong lành
Bên cạnh thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc, quản lý các đối tượng, Trung tâm Điều dưỡng người có công Thừa Thiên Huế còn tích cực hưởng ứng các hoạt động bảo vệ cảnh quan môi trường. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế, hiện nay phong trào "Ngày Chủ nhật xanh" đang được lan tỏa mạnh mẽ. Trung tâm lại nằm trong lòng đô thị di sản, nơi đang hướng tới tiêu chí "xanh – sạch – sáng", nên vấn đề bảo đảm vệ sinh môi trường, giúp đối tượng đến điều dưỡng được hưởng thụ bầu không khí trong lành luôn được lãnh đạo Trung tâm quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Do đó, không chỉ tịch cực hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh" UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế phát động, làm cho Trung tâm luôn sạch đẹp, các cán bộ, nhân viên của Trung tâm được yêu cầu phải biết cách thu gom rác thải và phân loại rác thải ngay tại chỗ, giữ gìn vệ sinh chung.
Thu gom rác thải nhựa trên bãi biển
Các loại rác thải sinh hoạt, rác thải thông thường sau khi thu gom, đơn vị hợp đồng với các cơ sở xử lý rác thải tại địa bàn để xử lý; còn rác thải y tế thì Trung tâm nhận được sự hỗ trợ của các cơ sở y tế, bệnh viện trong khâu thu gom, tiêu hủy. Nước thải từ các hoạt động của Trung tâm cũng được xử lý và xả thải vào hệ thống xử lý nước thải chung của đô thị Huế. Riêng tại Nhà nghỉ dưỡng Lăng Cô, đây là cơ sở mới được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại nên các vấn đề về hệ thống xử lý xả thải đều phải đảm bảo các yêu cầu nghiêm ngặt, nhất là khi nó được "đặt" tại địa chỉ được mệnh danh là "vịnh thép thế giới".
Đóng cọc, dựng kè chắn ngăn sụt, lún khu vực phía sau nhà nghỉ dưỡng Lăng Cô
Nhằm tuyên truyền, chuyển tải những thông điệp bảo vệ môi trường, vận động nhân dân hạn chế sử dụng túi ni lông sử dụng một lần, hạn chế đốt và rải vàng mã, thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng ý thức giữ gìn vệ sinh chung. Đặc biệt, hưởng ứng ngày Chủ nhật xanh, cán bộ công chức, viên chức của Trung tâm đã đi thu gom rác, chai nhựa, túi ni lông, phát quang... tại bãi biển Lăng Cô, góp phần lan toả năng lượng tích cực của đơn vị nói riêng và nhân dân thị trấn Lăng Cô nói chung đến với mọi người trong việc giữ gìn vệ sinh chung vì một Thừa Thiên Huế sạch đẹp trong mắt du khách.
Hà Giang
Từ khóa: