Lao động
Thừa Thiên Huế: Phấn đấu đến năm 2020 giải quyết việc làm cho 64.000 lao động
02:09 PM 14/07/2017
(LĐXH) – Ngày 13/7/2017, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghị quyết quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2017 - 2020.rn

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong giai đoạn 2011 - 2015, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 83.105 lao động (bình quân 16.621 lao động/năm). Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 5,1% năm 2010 xuống còn 2,36% năm 2015. Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh cho biết, trong thời gian qua, công tác giải quyết việc làm trên địa bàn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thừa Thiên Huế

Hiện nay, nhu cầu cần việc làm của lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh là rất lớn (khoảng 27 nghìn người), trong khi đó khi số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn hàng năm hiện nay chỉ từ 15.000 - 17.000 người. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo vẫn còn thấp (khoảng 65%); kỹ năng nghề nghiệp, trình độ ngoại ngữ, kỷ luật lao động, tác phong làm việc công nghiệp chưa cao là những khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm của người lao động.  Lao động thiếu việc làm dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực, nhất là thời kỳ tỉnh ta đang ở giai đoạn “dân số vàng”, đã ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập, xóa đói giảm nghèo và trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Từ thực tế đó, Đề án Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017- 2020 với mục tiêu huy động tổng hợp các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động, chất lượng việc làm, phát triển thị trường lao động, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp và thiếu việc làm, phát huy thế mạnh nguồn lực lao động của tỉnh trong thời gian tới.

Chỉ tiêu của tỉnh đặt ra là đến năm 2020, giải quyết việc làm cho 64.000 lao động (bình quân 16.000 lao động/ năm). Trong đó, tạo việc làm thông qua phát triển các ngành kinh tế của tỉnh cho 53.400 lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho 8.000 lao động thông qua các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm; giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới mức 1,71% (thất nghiệp thành thị dưới 2,36%); chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn 21% năm 2020; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó đào tạo nghề 70%...Tổng kinh phí thực hiện Chương trình 88,660 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 64,250 tỷ đồng còn lại là ngân sách địa phương.

Thống nhất mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp của UBND tỉnh đề ra trong Chương trình việc làm tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020, các đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, trong quá trình thực hiện UBND tỉnh cần có những biện pháp để giải quyết việc làm một cách thực chất và hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nhân lực của tỉnh; đồng thời cần phải tập trung giải pháp nâng cao tỷ lệ lao động được đào tạo, đáp ứng yêu cầu cao của nền kinh tế; đẩy mạnh hơn nữa phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong đối tượng sinh viên thông qua các hoạt động hỗ trợ về vốn, công nghệ… nhằm giúp lực lượng này phát huy tài năng, trí tuệ trong phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cũng như đóng góp nguồn lực cho tỉnh.

Về nguồn lực đầu tư cho thực hiện Chương trình, các đại biểu cũng đề nghị UBND tỉnh cần thực hiện cơ chế đa dạng hóa nguồn vốn huy động cho chương trình ngoài nguồn ngân sách nhà nước, trong đó huy động thêm nguồn đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Với mục tiêu đẩy mạnh việc đưa lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và kỹ năng, tác phong nghề nghiệp của người lao động góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trong giai đoạn 2017 - 2020, Thừa Thiên Huế phấn đấu đưa 2.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó, có ít nhất 300 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng. Tổng kinh phí thực hiện 23,560 tỷ đồng (ngân sách Trung ương 10,800 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 12,760 tỷ đồng).

Đối với chính sách hỗ trợ cho vay vốn, người lao động có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh đăng ký đi xuất khẩu lao động nếu có nhu cầu được vay vốn tín chấp tại Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh với mức vay tối đa 50 triệu đồng/người theo lãi suất cho vay hộ nghèo do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ. Riêng các đối tượng người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi xuất khẩu lao động theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/07/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm.

Chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động đối với người bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được thực hiện theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành từ nguồn kinh phí bồi thường do sự cố môi trường biển.

Về xử lý rủi ro đối với những lao động gặp rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ giải quyết rủi ro theo mức quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Quyết định số 144/2007/QĐ-TTg ngày 31/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với việc hỗ trợ người lao động đi lao động ở nước ngoài chủ yếu theo quy định của Trung ương, việc khuyến khích và tạo điều kiện cho họ đi làm việc ở nước ngoài  không chỉ góp phần giải quyết việc làm mà còn góp phần tăng thu nhập cho cả hộ gia đình. Đây cũng là dịp để tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền, thúc đẩy các đối tượng chính sách tham gia xuất khẩu lao động.

Nam Khánh

 

Từ khóa: