Xã hội
Thừa Thiên Huế: Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật
10:08 AM 23/11/2016
(LĐXH) - Thừa Thiên Huế hiện có 29.012 người khuyết tật. Trong đó có 3.745 người khuyết tật đặc biệt nặng, 15.179 người khuyết tật nặng, 1.966 người khuyết tật nhẹ và 8.122 người khuyết tật chưa được xác định mức độ khuyết tật.

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quyền của người khuyết tật; đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật để đông đảo người khuyết tật biết quyền được trợ giúp pháp lý và tiếp cận với dịch vụ này; tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý và hiệu quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật…Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật  và  nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quyền của người khuyết tật; đẩy mạnh hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật để đông đảo người khuyết tật biết quyền được trợ giúp pháp lý và tiếp cận với dịch vụ này; tăng cường năng lực trợ giúp pháp lý và hiệu quả thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật… Trong thời gian tới, Thừa Thên Huế sẽ tổ chức khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của người khuyết tật (theo lĩnh vực pháp luật, theo các dạng tật như: khuyết tật nhìn, khuyết tật nghe nói, khuyết tật vận động, ...) để phục vụ công tác quản lý nhà nước (theo dõi đánh giá hiệu quả các hoạt động) và triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật tại địa phương. Cùng với đó là tổ chức trợ giúp pháp lý với hình thức phù hợp cho các dạng tật  tại nơi cư trú, sinh sống của người khuyết tật, trong đó chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng cho người khuyết tật khi có yêu cầu đảm bảo đạt 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

Trao tặng dụng cụ trợ giúp cho NKT huyện Phong Điền

Tỉnh cũng sẽ xây dựng chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đối với đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý; Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật đối với đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý, chú trọng kỹ năng bào chữa, lồng ghép với các lớp tập huấn có nội dung liên quan đến lĩnh vực này. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh, truyền hình,...) với nội dung truyền thông phong phú, tập trung vào các vụ việc trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; Lồng ghép việc truyền thông, phổ biến pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật với các Chương trình, Đề án khác về người khuyết tật ở địa phương

Vừa qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ban hành quyết định số 2792/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Công tác Người khuyết tật tỉnh, bao gồm đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban, tập trung vào các nhiệm vụ: Xây dựng chính sách, chương trình, đề án, dự án, kế hoạch trợ giúp người khuyết tật; Phối hợp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, các chính sách đối với người khuyết tật; vận động toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò của người khuyết tật; xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác người khuyết tật; tổ chức “Ngày người khuyết tật Việt Nam (18/4) và Ngày người khuyết tật thế giới (3/12) hàng năm”; Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về công tác chăm sóc và phát huy vai trò của người khuyết tật. Đồng thời, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá hoạt động của các Sở, ban, ngành, các đơn vị liên quan và các địa phương trong triển khai thực hiện pháp luật, chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật.

Hà Giang

 

Từ khóa: