Thực hiện Luật BHXH: Hiệu quả từ việc chính quyền cùng vào cuộc
Sau gần 4 năm thực hiện Luật BHXH (sửa đổi), với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, diện bao phủ cũng như quyền lợi của người tham gia BHXH đã được mở rộng. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn những hạn chế nhất định, nhất là vẫn còn tình trạng DN, NLĐ lợi dụng, trục lợi chính sách...
Đánh giá tình hình thực hiện Luật BHXH của một số địa phương cho thấy, chính sách pháp luật về BHXH nói chung và việc phát triển đối tượng tham gia BHXH nói riêng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị. Qua đó, nhận thức của người SDLĐ, NLĐ và nhân dân về chính sách BHXH từng bước được nâng lên; đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm các ngành, các cấp trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW và Nghị quyết 28-NQ/TW, góp phần giúp ngành BHXH nâng cao chất lượng, hoàn thành kế hoạch thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH. Đặc biệt, các địa phương đã coi đây là nhiệm vụ quan trọng và là một trong những tiêu chuẩn đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ…
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Nguyên, việc thực hiện BHXH bắt buộc đối với một số nhóm mới được bổ sung theo quy định của Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014, nhất là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được triển khai kịp thời. Cụ thể: Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã có 229.216 người tham gia BHXH (tăng 30.347 người so với năm 2016); tỷ lệ người đang tham gia BHXH bắt buộc so với số lao động thuộc diện tham gia chiếm 88,4%; tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc so với số lao động trong độ tuổi chiếm 29,3%; tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi chiếm 1%. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng đã có 1.347 người hoạt động không chuyên trách tham gia BHXH…
Tuy nhiên, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng chỉ rõ, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 1-3 tháng còn nhiều hạn chế. Từ năm 2016 đến năm 2019, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH Thái Nguyên đã phối hợp với các ngành, đơn vị tiến hành 17 cuộc thanh, kiểm tra tại 231 đơn vị; đã phát hiện, xử lý và đưa ra 106 kiến nghị về BHXH. Trong đó, yêu cầu đóng BHXH bắt buộc cho 488 NLĐ; thực hiện đóng BHXH với số tiền chậm đóng trên 20.563 triệu đồng; điều chỉnh mức đóng cho 173 người với số tiền trên 90 triệu đồng; điều chỉnh chức danh nghề cho 18 NLĐ; trả sổ BHXH cho 745 người.
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH cũng tổ chức thanh, kiểm tra chuyên ngành tại 652 đơn vị; kiểm tra 30 cơ sở KCB- tập trung vào những cơ sở y tế có phát sinh chi phí KCB BHYT gia tăng bất thường. Qua thanh, kiểm tra đã phát hiện, xử lý, kiến nghị và hướng dẫn các đơn vị khắc phục các tồn tại theo quy định. Cụ thể: Lập thủ tục tham gia và truy đóng BHXH bắt buộc cho 1.784 người do chưa đóng, đóng thiếu thời gian với số tiền trên 4.855 triệu đồng; truy đóng cho 1.254 lao động do đóng thiếu mức quy định với số tiền gần 979 triệu đồng; yêu cầu một số đơn vị nộp ngay số tiền nợ đọng BHXH (đã nộp 23,88/25,39 tỷ đồng- đạt 97,1%); thu hồi về quỹ BHXH gần 791 triệu đồng do thanh toán chế độ BHXH ngắn hạn sai quy định; đề nghị đơn vị SDLĐ trả sổ BHXH, điều chỉnh mức đóng và chức danh nghề cho NLĐ theo đúng công việc đảm nhiệm; yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT trên 3.150 triệu đồng.
Trong khi đó, theo UBND tỉnh Gia Lai, từ khi Luật BHXH 2014 có hiệu lực đến nay, Sở LĐ-TB&XH Gia Lai đã tiến hành thanh kiểm tra đối với 61 DN. Qua đó cho thấy, hầu hết các DN có quy mô vừa và nhỏ, sử dụng ít lao động, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp, xây dựng; hoạt động theo mùa vụ hoặc có địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng lại hoạt động tại các huyện khác… nên việc rà soát, tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH gặp nhiều khó khăn; việc tham gia BHXH tự nguyện còn hạn chế. Đáng chú ý, còn tình trạng NLĐ chưa nắm rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích của mình trong việc ký kết HĐLĐ và tham gia BHXH (muốn thỏa thuận với người SDLĐ trả khoản đóng BHXH vào lương, không ký kết HĐLĐ để trốn đóng BHXH...). Tình trạng trốn đóng, chậm đóng, nợ đóng BHXH xảy ra ở một số DN chưa được giải quyết triệt để, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Gia Lai cũng cho rằng, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền các cấp, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, UBND tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Luật BHXH và các văn bản pháp luật liên quan. Đến cuối năm 2018, tất cả các huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện và nghiêm túc triển khai chỉ đạo của Trung ương và tỉnh. Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới, UBND tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Luật BHXH, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
N.Hà
Từ khóa:
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
15-11-2024 17:18 24
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59