Xã hội
TP.HCM: Tiếp tục duy trì mô hình “tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm người bán dâm”
02:35 PM 14/06/2016

(LĐXH) - Ngày 14/6/2016, tại TP.HCM, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM phối hợp với Tổ chức quốc tế Care tại Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Dự án Care nhằm đánh giá kết quả đạt được cùng những khó khăn, vướng mắc để có phương hướng phát triển mô hình này trong thời gian tới.

 

 

Bà Lê Thị Hà - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội phát biểu tại Hội nghị

 

Theo báo cáo Chi Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM), thực hiện bản ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Chi cục với Tổ chức quốc tế Care tại Việt Nam, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo Dự án “Xây dựng thí điểm mô hình tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm bán dâm” (gọi tắt là Dự án Care) tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau 2 năm thực hiện (từ tháng 11/2014 đến tháng 6/2016), Dự án đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, đã tiến hành thành lập được Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ “chúng tôi là phụ nữ- Câu lạc bộ Sen xanh” và mở văn phòng tại quận Bình Thạnh, quận 8. Câu lạc bộ đã tiếp nhận trên 470 lượt chị em tham gia sinh hoạt, số chị em sinh hoạt thường xuyên ổn định là 278 người với quy định tổ chức giao ban các thành viên hàng tuần, 1-2 lần/tháng. Hiện có 55 chị em là lực lượng nòng cốt của Câu lạc bộ.

Điều đáng chú ý, từ khi đi vào hoạt động, Câu lạc bộ đã chuyển gửi VCT và OPC cho 120 trường hợp, chuyền gửi STI cho 135 trường hợp, chuyển dịch vụ pháp lý là 17 trường hợp, chuyển gửi giới thiệu việc làm cho 10 trường hợp, có 18 thành viên Câu lạc bộ đủ điều kiện được giới thiệu học nghề miễn phí nghề tóc với mức hỗ trợ 35 triệu đồng/người/khóa đào tạo. Có 1 thành viên Câu lạc bộ được hỗ trợ điểm buôn bán đồ ăn uống có thu nhập khá nên quay tự nguyện đóng góp 10.000 đồng/ngày để xây dựng quỹ cho Câu lạc bộ.

Ngoài ra, Câu lạc còn tổ chức 8 lớp tập huấn về Dự phòng lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, phòng chống bạo lực giới, kỹ năng ứng phó với khách hàng trong tình huống nguy hiểm, khẩn cấp…thu hút 200 lượt người dự; tổ chức truyền thông chuyên đề giới thiệu việc làm, học nghề thu hút 50  người dự…

 

 

Ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM phát biểu tại Hội nghị


Tổ thực hiện Dự án còn vận động kinh phí hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho 10 chị em, khám phụ khoa miễn phí cho 40 chị em, hỗ trợ tiền 200.000 đồng/người cho trường hợp chị em khó khăn có dự án buôn bán, kinh doanh nhỏ; phối hợp với Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ tổ chức trao 10 phần quà Tết cho các thành viên có hoàn cảnh khó khăn…

Tuy nhiên, ông Lê Văn Quý – Phó Chi Cục trưởng Chi Cục phòng chống tệ nạn xã hội thành phố cũng chia sẻ: Dự án gặp khá nhiều khó khăn, đó là số lượng thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ còn ít, các chị em sinh hoạt Câu lạc bộ không có nơi cư trú ổn định, một số trường hợp có hoàn cảnh khó khăn khi được giới thiệu học nghề đã không thực hiện đúng cam kết theo học đủ khóa đào tạo, bỏ giữa chừng nên ảnh hưởng cơ hội tham gia cho chị em có nhu cầu…

Tại Hội nghị, ông Huỳnh Thanh Khiết – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố, Trưởng ban Quản lý Dự án Care tại thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Qua 2 năm thí điểm “mô hình tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm bán dâm” và hình thành được Câu lạc bộ Sen xanh đã góp phần giúp đỡ người bán dâm có nhu cầu hoàn lương được tiếp cận đầy đủ những kiến thức pháp luật, bình đẳng giới, kỹ năng sống…. Câu lạc bộ cũng là nơi thu hút đông chị em giao lưu, chia sẻ để biết tự bảo vệ mình, tránh bị bóc lột. Đặc biệt, Câu lạc bộ tạo điều kiện cho thành viên được học nghề tóc miễn phí tại Trung tâm đào tạo tóc L`oreal để có việc làm, mở tiệm  làm tóc nhằm từng bước chuyển đổi nghề nghiệp, có cuộc sống ổn định.

Với những kết quả đó, ông Khiết cho rằng: Tổ thưc hiện Dự án cần tiếp tục tiếp cận và duy trì, phát triển thêm thành viên tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Sen xanh, phấn đấu trong quý III/2016 sẽ thành lập thí điểm 1 Câu lạc bộ “Chúng tôi là phụ nữ” – Câu lạc bộ Sen xanh của các chị em đang làm việc tại cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội; đẩy mạnh truyền thông các kiến thức về pháp luật phòng, chống mại dâm, kỹ năng phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.

Song song đó, chú trọng giới thiệu việc làm, hướng nghiệp và quan tâm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, y tế cho các chị em, hướng dẫn và có tư vấn về pháp lý, tâm lý và hỗ trợ làm lại giấy tờ tùy thân cho các chị em…

Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Thị Hà – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội biểu dương, ghi nhận những kết quả thí điểm Dự án Care mà thành phố Hồ Chí Minh đạt được. Đồng thời, nhấn mạnh: Đây là những kết quả bước đầu quan trọng, là thành công ban đầu để thành phố có cơ sở xây dựng, từng bước phát triển hiệu quả “mô hình tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của nhóm bán dâm”.

Để tiếp tục phát triển mô hình này, bà Hà cũng đề nghị: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố, trong đó có Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội cần tập trung kết nối, trợ giúp người bán dâm nhiều dịch vụ xã hội như tư vấn tâm lý, dịch vụ xét nghiệm miễn phí, hỗ trợ học nghề và tạo việc làm…Đồng thời, tăng cường truyền thông tạo sự đồng thuận từ chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ chị em; có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đôi ngũ làm công tác trợ giúp nhóm người bán dâm hòa nhập với cộng đồng.

 

Thương Hoài – Lê Việt

Từ khóa: