Giáo dục - Nghề nghiệp
Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên thành phố Yên Bái gắn đào tạo với nhu cầu thực tế
01:50 PM 06/12/2017
(LĐXH) - Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên thành phố Yên Bái luôn nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng theo yêu cầu thực tế.
Trong những năm qua, Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên (DN&GDTX) thành phố Yên Bái luôn nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng theo yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nhằm giúp người dân tiếp thu các kiến thức khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất kinh tế hộ và có kỹ năng về nghề để đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp…
Hiện nay, toàn thành phố có gần 700 cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động, gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài quốc doanh và kinh tế có vốn nước ngoài..
Hiện nay, toàn thành phố có gần 700 cơ sở sản xuất công nghiệp hoạt động, gồm: kinh tế nhà nước, kinh tế ngoài quốc doanh và kinh tế có vốn nước ngoài, hàng năm thu hút gần 6.000 lao động tham gia. Một số lĩnh vực đầu tư có mức tăng trưởng khá, như: chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, các sản phẩm kim loại, chế biến chè khô, đũa, tinh lọc cao lanh...
Đào tạo nghề thường gắn với nhu cầu thị trường lao động
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu lao động tại các công ty, doanh nghiệp, hiện nay, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác dạy nghề từ thành phố đến các xã, phường, nhằm đẩy mạnh các chương trình phối hợp với các ngành, các cấp và chính quyền các địa phương và đặc biệt là việc thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Chính phủ đến năm 2020.
Với mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, hàng năm, Trung tâm đã lựa chọn các nghề có nhu cầu cao về tuyển dụng lao động như: chế biến nông sản, chăn nuôi thú y, sản xuất rau an toàn, kỹ thuật trồng lúa, trồng nấm… Một số nghề phi nông nghiệp, gồm: sửa chữa điện dân dụng, sửa chữa xe máy, xây dựng, may…
Đánh giá công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2011 đến nay, thành phố đã mở trên 80 lớp dạy nghề với trên 2.400 học viên tham gia. Trung bình mỗi lớp học thu hút 30 học viên, thời gian học các lớp trồng trọt, chăn nuôi 1 tháng và nghề phi nông nghiệp 3 tháng.
Cùng với công tác dạy nghề, hàng năm, Trung tâm còn đặc biệt quan tâm đến công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, tuyên truyền, tư vấn về học nghề và việc làm; thông báo qua hệ thống phát thanh của thành phố về việc tuyển học viên; phát tờ rơi tuyên truyền để người dân nắm bắt thông tin đăng ký.
Nhiều năm qua, Trung tâm đều hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Giáo viên thường xuyên được tạo điều kiện học tập, nắm bắt các thông tin khoa học kỹ thuật mới nhằm nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Tuy nhiên, khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở thành phố là mặc dù đã cố gắng trong công tác tuyển sinh nhưng người lao động chưa nhận thức đầy đủ và đúng về việc học nghề. Trình độ học viên không đồng đều nên việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc tiếp thu”.
Trong thời gian tới, để công tác dạy nghề thời gian tới hiệu quả, gắn với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, Trung tâm sẽ tập trung đối tượng nghề nông nghiệp, học viên được áp dụng ngay những kiến thức, kỹ năng vào phát triển kinh tế hộ gia đình nhằm nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động./.
PV
Từ khóa: