Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II): Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo
(LĐXH) - Trong 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã gây ra không ít tổn thất và các thách thức chưa từng có, tác động đáng kể đến sự phát triển của toàn xã hội và ngành giáo dục. Trong bối cảnh đó, Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II) đã chủ động thích ứng với tình hình mới, vừa bảo đảm phòng, chống dịch vừa kịp thời triển khai linh hoạt các hoạt động trong giảng dạy và học tập.
Theo TS. Phạm Ngọc Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội kiêm Giám đốc Cơ sở II, khi dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến phức tạp, ban lãnh đạo cùng tập thể Cơ sở II đã có những dự đoán và khẩn thiết bàn bạc, triển khai kịp thời những đường lối, kế hoạch hành động vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch vừa thích ứng linh hoạt để tổ chức các hoạt động và chuẩn bị tốt các điều kiện: giảng dạy trực tuyến, chuẩn bị kho học liệu điện tử, củng cố cơ sở vật chất, nâng cao năng lực nguồn nhân lực…
Khi đất nước chuyển sang trạng thái “bình thường mới” vừa tập trung phòng chống dịch vừa khôi phục và phát triển nền kinh tế, nhà trường đã có những nền tảng chuẩn bị trước đó nên đã nhanh chóng phục hồi và tăng tốc sau dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II) đã đạt được nhiều kết quả tích cực:
Về công tác dạy và học: Nhà trường đã tập trung chuẩn bị cơ sở vật chất, ký túc xá và các phương án để sinh viên quay trở lại trường học ngay sau Tết âm lịch. Trong bối cảnh mới, các hoạt động giảng dạy được thiết lập lại một cách linh động, hình thức tổ chức kết hợp giảng dạy trực tiếp và trực tuyến (tối đa 30% thời lượng nội dung), cung cấp kho bài giảng điện tử lên tới gần 100 học phần ở tất cả các chương trình đào tạo (Quản trị Nguồn nhân lực, Quản trị kinh doanh, Luật (Luật Kinh tế), Kinh tế (Kinh tế - Lao động), Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Công tác xã hội, Tâm lý, Bảo hiểm, Hệ thống thông tin quản lý).
Đối với hoạt động khoa học - công nghệ: Các hoạt động hội thảo, tọa đàm, triển khai đề tài nghiên cứu khoa học được tổ chức trực tiếp và trực tuyến giúp tăng cường sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà tuyển dụng từ khắp mọi miền. Nổi bật là nhà trường hoàn thành các nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp Bộ, cấp tỉnh tại Bến Tre và Trà Vinh; được lựa chọn thực hiện 02 gói tư vấn Đề án trọng điểm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu qua đấu thầu công khai trên hệ thống mạng quốc gia. Các hoạt động nghiên cứu chuyển giao ứng dụng với các công ty, địa phương được hoàn thành tại Công ty Khải Hoàn (Bình Dương), Công ty Cảng Quy Nhơn (Bình Định), Tổng công ty Cao su Đồng Nai và được tiếp tục lựa chọn để thực hiện tiếp theo trong năm 2022 với Công ty Thí nghiệm Điện miền Nam, Công ty Cảng Sài Gòn, Công ty Cấp nước Gia Định; Công ty Đại lý Hàng Hải Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hội thảo khoa học như “Mô hình đối tác chiến lược nhân sự: xu thế mới trong quản trị nhân lực hiện đại”, “Giải pháp quản trị tài chính trong bối cảnh hội nhập” được tổ chức thu hút sự tham gia của hơn 100 tham dự viên và sản phẩm là và các biên bản Hội thảo với các kiến nghị, đề xuất giải pháp cụ thể cũng như các kỷ yếu được thẩm định và xuất bản có chỉ số khoa học. Nhà trường đang thúc đẩy để chuẩn bị 02 hội thảo quốc gia với chủ đề “Phát triển dịch vụ kế toán, kiểm toán trong giai đoạn hiện nay”, “Tác động của Bộ Luật Lao động 2019 đến các lĩnh vực bảo hiểm xã hội và lao động” trong năm 2022 và chuẩn bị Hội thảo Quốc tế lần thứ III đầu năm 2023.
Về hợp tác quốc tế: Các dự án xã hội với Tổ chức Caritas - Đức, Olive Tree Estates (Singapore) được thúc đẩy bám sát các chỉ tiêu theo cam kết trong một số kết quả đã vượt mức đầu ra. Hoạt động trao đổi sinh viên theo diện học bổng ngắn hạn tại Đại học Khoa học ứng Freiburg (CHLB Đức) đã tạo cơ hội tham gia 06 em sinh viên với các kỳ học ở nước ngoài từ 03-06 tháng. Ngoài ra, trong tháng 3/2022, nhà trường đã tổ chức thành công khóa Tập huấn “Giảng viên nguồn về Trách nhiệm xã hội với Tổ chức Lao động Thế giới” (ILO) với gần 40 cán bộ, giảng viên các ngành được nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên sâu để phát triển chất lượng đào tạo, thúc đẩy các chuỗi cung ứng và đạo đức kinh doanh có trách nhiệm về mặt môi trường, việc làm bền vững và tôn trọng quyền người lao động đồng thời xây dựng mạng lưới giảng viên nguồn giảng dạy các module có liên quan.
Về hoạt động đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn và dịch vụ: Các hoạt động tập huấn và bồi dưỡng nghiệp vụ được đầu tư cao hơn về chất lượng, tổ chức linh hoạt, áp dụng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của xã hội. Trong 06 tháng đầu năm, Nhà trường đã hoàn thành 01 lớp cấp chứng chỉ ngắn hạn Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội, 02 lớp Bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên ngành Công tác xã hội (hạng III, IV) và khai giảng mới 23 lớp tập huấn với các nội dung như nâng cao năng lực cho đội ngũ cấp cơ sở về chính sách pháp luật, tư vấn, quản lý, điều trị nghiện ma túy, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội, công tác xã hội trong trường học và trong cơ sở khám chữa bệnh, công tác phòng chống ma túy, chăm sóc người khuyết tật ở các tỉnh Phú Yên, Đồng Nai, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang... Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ còn tập trung hỗ trợ sinh viên để hội tụ đủ các năng lực nguồn nhân lực chất lượng cao với 23 lớp tin học ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và lớp tin học ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao với 718 chứng chỉ tin học ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản và 519 chứng chỉ tin học ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao; 11 lớp Anh văn đầu ra cho sinh viên hệ chính quy và sinh viên vừa làm vừa học các khóa với số lượng 519 học viên; 11 lớp Anh văn đầu vào với số lượng 448 học viên; 3 lớp tiếng Anh, tiếng Trung giao tiếp cho Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế VCONNECT, Lữ đoàn 23 và các học viên ngoài trường. Các hoạt động này còn tạo nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện thu nhập và đời sống cán bộ giảng viên đồng thời góp phần hướng tới tự chủ toàn diện.
Phát huy những kết quả đã đạt được, TS. Phạm Ngọc Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lao động - Xã hội kiêm Giám đốc Cơ sở II cho biết: “Trong thời gian tới, Cơ sở II, Trường Đại học Lao động - Xã hội sẽ tập trung hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh trong năm học 2022-2023; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình và phương pháp đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, từng bước tiến tới tự chủ đại học trong năm 2023”.
Thông tin liên hệ: Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II); Mã tuyển sinh: DLS Địa chỉ: Số 1018 Tô Ký, P. Tân Chánh Hiệp, Q. 12, TP. Hồ Chí Minh; Điện thoại: (028) 38837801 (số nội bộ: 108,109,111); Website: www.ldxh.edu.vn. |
Đức Dương
Từ khóa:
-
Việt Nam có trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ công trình xanh EDGE uy tín toàn cầu
25-11-2024 19:40 02
-
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
22-11-2024 18:20 48
-
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Quảng Nam
19-11-2024 09:19 32
-
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
15-11-2024 13:33 00
-
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
10-10-2024 09:31 40
-
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
17-11-2024 09:46 36