Xã hội
Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa giảm 3%/năm
10:04 AM 07/10/2021
(LĐXH)- Tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 1,5% trở lên; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hàng năm 3% trở lên. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành Kế hoạch số 213/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 30-KH/TU ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Mục tiêu chung nhằm phấn đấu giảm nghèo bền vững, bao trùm, hạn chế tái nghèo; cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người nghèo, đặc biệt là ở các địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở an toàn, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, việc làm, bảo hiểm xã hội…).
Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm 1,5% trở lên; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hàng năm 3% trở lên. Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Bà Hà Thị Thẩm ở bản Pạt, xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đã thoát nghèo nhờ được hỗ trợ con giống 

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thanh Hóa sẽ thực hiện các giải pháp chủ yếu như: Tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo tại các cấp chính quyền địa phương. Trong đó, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hộ nghèo, quản lý việc thực hiện các chính sách giảm nghèo. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý trong công tác giảm nghèo cho cán bộ cấp xã, cấp thôn. Tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo định kỳ ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở để tăng cường giải thích về chính sách, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch giảm nghèo hàng năm và từng giai đoạn ở địa phương, đơn vị theo chức trách nhiệm vụ được giao. Đồng thời phải xác định nhiệm vụ giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đưa nội dung giảm nghèo vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và từng giai đoạn để thực hiện.
Các địa phương phải thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát để kịp thời uốn nắn các sai phạm, khuyết điểm, điều chỉnh các phát sinh cho phù hợp với thực tiễn cũng như phát huy những kết quả tích cực đã đạt được. Gắn kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo với kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ, lãnh đạo quản lý hằng năm…
Thanh Hóa cũng đề ra giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước giảm nghèo bằng các hình thức và nội dung phù hợp, nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong toàn Đảng bộ và trong xã hội. Trước hết là của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp về vai trò, ý nghĩa của công tác giảm nghèo trong tình hình mới.
Đồng thời, tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, giáo dục nghề nghiệp, việc làm nhằm khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo; huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tăng cường tuyên truyền các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy nhân rộng và lan tỏa, đồng thời phát hiện ra các hành vi trục lợi chính sách giảm nghèo để có biện pháp đẩy lùi, ngăn chặn.
Các hình thức thông tin, tuyên truyền phải phù hợp với từng nhóm đối tượng để tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc đối với người nghèo; động viên, khích lệ, nâng cao ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo của người nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
Đối với việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giảm nghèo, UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và từng giai đoạn theo quy định, làm cơ sở để xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ phù hợp theo từng nhóm hộ nghèo, từng khu vực. Chủ trì hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, dự kiến kinh phí, tổng hợp nhu cầu nguồn vốn thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 ngay khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với đó là phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu chủ trương đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở trường học, thiết bị, đào tạo giáo viên dạy nghề, gắn dạy nghề với tạo việc làm cho lao động nghèo; tập trung thực hiện có hiệu quả việc hỗ trợ lao động các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động. Triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ việc làm; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường và nâng cao chất lượng dự báo cầu lao động nhằm nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm việc làm phù hợp...
Để đạt mục tiêu về giảm nghèo, tỉnh Thanh Hóa cũng đề ra giải pháp huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Trong đó có việc lồng ghép các nguồn lực và ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các xã đặc biệt khó khăn, các xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, bố trí một phần ngân sách địa phương để hỗ trợ thực hiện, hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo.

Chí Tâm

Từ khóa: