Kinh tế
Làng nghề bánh kẹo truyền thống Cổ Hoàng hối hả ngày cuối năm
02:34 PM 23/01/2025
(LĐXH) Trong những ngày này, làng nghề bánh kẹo Cổ Hoàng hối hả sản xuất để đáp ứng nhu cầu Tết. Dù sản lượng tăng mạnh nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.

Trong những ngày này, làng nghề bánh kẹo Cổ Hoàng hối hả sản xuất để đáp ứng nhu cầu Tết. Dù sản lượng tăng mạnh nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường.

Từng gói kẹo đều được đóng gói và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi tới tay khách hàng.

Nhắc đến làng Cổ Hoàng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những món quà quê nổi tiếng như kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam... Đây đều là những món ăn dân dã, đậm đà hương vị truyền thống của vùng quê Việt Nam. Người dân nơi đây đã gìn giữ và phát triển nghề làm bánh kẹo qua hàng trăm năm, trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa ẩm thực của người Việt.

Vào những ngày cuối năm, không khí sản xuất bánh kẹo ở làng nghề truyền thống Cổ Hoàng, xã Hoàng Long, huyện Phú Xuyên, Hà Nội trở nên vô cùng hối hả. Mặc dù các cơ sở đã làm việc hết công suất nhưng vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng.

Các sản phẩm đều được đóng gói rất cẩn thận và chỉn chu.

Theo một số tiểu thương nhập hàng tại đây, mỗi dịp Tết, người bán lẻ phải đặt trước 2-3 tạ bánh kẹo, chia thành ba đợt để kịp phục vụ thị trường.

Bà Chu Thị Xuân, chủ cơ sở hơn 40 năm làm kẹo lạc, chia sẻ: "Từ đầu tháng 11/2024, gia đình tôi đã bắt đầu sản xuất các đơn hàng lớn để phục vụ thị trường Tết. Hai tháng nay, mỗi ngày hai bếp của gia đình đều đỏ lửa. Có những hôm chúng tôi làm việc tới tận 11-12 giờ đêm để kịp giao hàng cho khách. Nhiều đơn hàng đã được đặt từ một đến hai tháng trước".

Người thợ tỉ mẩn cắt từng khúc kẹo, đảm bảo miếng kẹo đồng đều.

Trong những tháng cuối năm, trung bình mỗi ngày làng nghề sản xuất khoảng 2,5 tấn bánh kẹo các loại, tuy nhiên, sản lượng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu của thị trường. Lượng tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán tăng mạnh cũng là một trong những nguyên nhân khiến doanh thu của nhiều cơ sở sản xuất đạt khoảng 200-300 triệu đồng mỗi năm, gấp từ 5 đến 10 lần so với những năm trước đây. Đặc biệt, nhờ sự phát triển của truyền thông và xu hướng tiêu dùng, các sản phẩm bánh kẹo truyền thống ngày càng được ưa chuộng, dẫn đến tình trạng sản phẩm bán chạy nhưng không đủ cung cấp.

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, nhiều cơ sở ở Cổ Hoàng đã đầu tư máy móc hiện đại vào các công đoạn như nhào bột, đóng gói sản phẩm. Các sản phẩm bánh kẹo ngày càng được đóng gói tinh tế và chuyên nghiệp hơn.

Lạc được tách vỏ một cách kỹ càng và sạch sẽ.

Mặc dù sản phẩm của làng nghề ngày càng được biết đến rộng rãi, nhưng hiện nay vẫn có ít hộ gia đình tiếp tục phát triển nghề truyền thống. Một trong những nguyên nhân chính là giá nguyên vật liệu tăng cao, thiếu hụt nhân công và cần nguồn vốn lớn để đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại.

Về vấn đề bảo tồn và phát triển làng nghề trong tương lai, bà Lê Thị Thùy, Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Long, cho biết: "Chúng tôi đang tập trung vào việc bảo tồn và phát triển làng nghề thông qua đào tạo nghề, ứng dụng công nghệ mới và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mục tiêu là duy trì nghề truyền thống và phát triển bền vững, giúp làng nghề ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai".

Các thành viên trong gia đình từ già cho tới trẻ đều đang chăm chỉ đóng gói sản phẩm để kịp giao cho khách hàng.

Hiện nay, trong Làng nghề bánh kẹo Cổ Hoàng chỉ còn 5 cơ sở sản xuất, tuy đứng trước không ít thử thách, nhưng các hộ làm nghề vẫn tràn đầy hy vọng. Họ không ngừng nỗ lực bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, mang hương vị quê hương đến với khắp mọi miền, đồng thời hy vọng sẽ duy trì được nghề truyền thống cho các thế hệ sau.

Tùng Đoàn, Tường Vi
Từ khóa: banh keo Co Hoang