Vị trí và vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định trong xã hội
(LĐXH) – Chiều ngày 17/10/2019, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng – Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; Nguyễn Thị Thu Hà – Ủy viên Trung ương Đảng - Chủ tịch hội LHPN Việt Nam… Cùng hơn 200 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Các đồng chí Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương; Đại diện một số cơ quan của Liên Hợp Quốc tại Hà Nội.
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới (BĐG), bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: Trong 10 năm qua, Luật BĐG đã và đang được triển khai khá đồng bộ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, trong đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân. Công tác BĐG và VSTBPN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, vị trí và vai trò bình đẳng của nam và nữ ngày càng được khẳng định trong xã hội.
Trong lĩnh vực chính trị: Tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên BCH TW Đảng tăng trong 03 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Nhiệm kỳ 2016 – 2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND đều tăng so với nhiệm kỳ 2007 – 2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của Châu Á. Tính đến năm 2017 có 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ và vẫn còn nhiều rào cản để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực này.
Trong lĩnh vực kinh tế: Tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 tới năm 2017 đạt 27,8% (trong đó tại thành thị là 33,2% và tại nông thôn là 20,1%), cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ.
Trong lĩnh vực lao động: Tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó nữ từ 48% đến 48,5%. Từ năm 2011, có khoảng 80 – 100 nghìn lao động Việt Nam được đưa đi làm việc ở nước ngoài hằng năm, trong đó 60-65% là nam giới. Tuy nhiên, còn có sự khác biệt trong chất lượng việc làm và thu nhập bình quân của lao động nam và nữ (nữ khoảng 4,82 triệu đồng so với nam là 5,48 triệu đồng). Khác biệt về tuổi nghỉ hưu cũng dẫn đến các hạn chế về tiêu chuẩn, độ tuổi đề bạt, bổ nhiệm, tiền lương, thu nhập, bảo hiểm xã hội của lao động nam và nữ.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Tỷ lệ học sinh nam và nữ tham gia giáo dục phổ thông có sự ổn định trong 10 năm. Tỷ lệ học sinh nữ ở cấp tiểu học và THCS là 47-48%; tại cấp THPT tăng khoảng 3% trong 10 năm và tỷ lệ học sinh nam giảm tương ứng ở cấp học này. Giai đoạn 2007 - 2015, tỷ lệ sinh viên nữ tăng 8,71% so với nam.
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ: Số lượng nhà khoa học nữ chiếm tỷ lệ cao và tăng dần theo thời gian từ 41% năm 2011 lên 44,8% năm 2015. Nhà khoa học nữ làm chủ nhiệm các đề tài khoa học, công nghệ cấp quốc gia ngày càng tăng (số liệu tính đến năm 2016 có 19,2% đề tài cấp quốc gia do nữ chủ trì). Nhiều nhà khoa học nữ đã được tôn vinh, được nhận các giải thưởng trong và ngoài nước. Giai đoạn 2007 – 2016, số lượng nữ giáo sư, phó giáo sư tăng 4% từ 447 người lên 710 người.
Trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao: Hoạt động nâng cao năng lực cho các cơ quan thông tin đại chúng được các cơ quan chức năng chú trọng triển khai. Tuy nhiên, sự tham gia của truyền thông về BĐG vẫn còn hạn chế. Các vận động viên nữ và nam đã có nhiều cống hiến và đóng góp vào thành công chung của nền thể thao. Giai đoạn 2012 – 2016, tỷ lệ huy chương do vận động viên nữ đạt được tại các giải đấu quốc tế, khu vực chiếm 48,7%.
Trong lĩnh vực y tế: Về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh: Giai đoạn 2009 – 2010, tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh đạt hơn 01 điểm phần trăm mỗi năm, tuy nhiên giai đoạn 2011 – 2013, mỗi năm đã giảm còn khoảng 0,6 điểm phần trăm; đến năm 2016 tốc độ gia tăng đạt 0,2 điểm phần trăm.
Các kết quả về chăm sóc sức khỏe sinh sản giai đoạn 2007 - 2016 đều có sự chuyển biến rõ rệt, như tỷ lệ phụ nữ được cán bộ y tế chăm sóc khi sinh đạt 98,2% (tăng 3,9%), tỷ lệ bà mẹ được khám sau sinh tại nhà đạt 94,1% (tăng 6,6%).
Trong gia đình: Thực hiện Luật BĐG, các quy định về BĐG trong lĩnh vực gia đình đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành, cụ thể như Luật đất đai 2013, Luật hôn nhân và gia đình 2014, Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật trẻ em năm 2016...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thi hành Luật BĐG vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cụ thể như: Các quy định trong Luật BĐG còn chung chung, mang tính định hướng, khó triển khai trong thực tiễn, có quy định đến nay vẫn chưa thể hướng dẫn thi hành. Chưa có sự thống nhất giữa Luật BĐG và các luật chuyên ngành; Việc thực hiện các quy định về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới chưa được đầu tư thỏa đáng. Thiếu quy trình thống nhất hướng dẫn việc lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác BĐG thiếu về số lượng, thậm chí tại một số địa phương không bố trí cán bộ chuyên trách BĐG; Kinh phí cho công tác BĐG dù đã được bố trí nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, còn rất khiêm tốn; Việc thực hiện Luật BĐG ở các bộ, ngành, địa phương chưa đồng đều, chưa có nhiều mô hình, cách thức triển khai đặc thù, hiệu quả.
Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Luật BĐG cũng đề ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn Luật BĐG trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân tại cộng đồng. Đa dạng hóa các hoạt động truyền thông; tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tốt, người có ảnh hưởng tại cộng đồng; thu hút sự tham gia của nam giới và trẻ em trai. Tập trung cao điểm vào Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ 15/11 đến 15/12 hằng năm. Rà soát, loại bỏ những nội dung, hình ảnh mang định kiến giới trong sản phẩm truyền thông, báo chí, văn học nghệ thuật. Tập huấn và nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Thứ hai, tăng cường triển khai chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Thể chế hóa chính sách đối với công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng. Nghiêm túc thực hiện lồng ghép giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; rà soát văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp trên ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện BĐG. Nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù về BĐG cho các nhóm đối tượng phụ nữ như nhà khoa học, lãnh đạo quản lý, phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả thực thi Luật BĐG. Nâng cao nhận thức và sự cam kết mạnh mẽ của hệ thống chính trị trong công tác BĐG: Nâng cao năng lực và tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về BĐG để có thể tư vấn, đánh giá hiệu quả lồng ghép giới vào công tác quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; Nâng mức hỗ trợ tài chính để đáp ứng yêu cầu của công tác BĐG; Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BĐG; Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật không đảm bảo các nguyên tắc BĐG. Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc triển khai thực hiện Luật BĐG, đặc biệt là các bộ, ngành chức năng có liên quan tới việc thực thi BĐG ở 8 lĩnh vực trọng yếu mà Luật đã quy định.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp Luật về BĐG, những kết quả đạt được và khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Đồng thời đưa ra những giải pháp để thực hiện tốt công tác BĐG trong thời gian tới.
Chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Cùng với sự ra của Luật BĐG, các cơ quan quản lý nhà nước đã xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ các văn bản dưới Luật để trên cơ sở đó từng bước đưa vấn đề giới vào cuộc sống. Cũng từ đó các cấp ủy, bộ, ngành, chính quyền địa phương từng bước thực thi trách nhiệm của mình. “10 năm qua, chúng ta thay đổi nhận thức rất nhiều, trong đó có một thay đổi rất quan trọng đó là thay đổi nhận thức của người đàn ông đối với phụ nữ và trẻ em gái. Sự thay đổi này đã hiện hữu trong từng gia đình. Đó là một sự nỗ lực rất lớn của toàn Đảng, toàn dân cũng như toàn cơ quan chuyên môn trong công tác bình đẳng giới"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để có được những kết quả đó là sự đóng góp của mọi người, trong đó phải có sự đóng góp kiên trì, bền bỉ của các cơ quan chuyên trách làm công tác bình đẳng giới. Trước một số tồn tại và những chỉ tiêu khó đạt được, Bộ trưởng yêu cầu, sau hội nghị tổng kết này, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cần rà soát lại các chỉ tiêu, liên quan đến Bộ, ngành nào, ngành đó phải có giải pháp thúc đẩy. Bên cạnh đó, phải tập trung cao độ cho dịp Đại hội Đảng và chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân các cấp. Đây là thời cơ để thúc đẩy nhận thức, trao quyền năng cho phụ nữ, nhất là quyền tham chính. Bên cạnh đó, cần tập trung nhân rộng một số mô hình như: Nhà tạm lánh, mô hình một điểm dừng, mô hình Ngôi nhà bình yên...
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam, Nguyễn Thị Thu Hà đã ký kết Chương trình phối hợp giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Lao động - Thương binh và Xã hội" cho các đồng chí lãnh đạo Hội và lãnh đạo các Ban, đơn vị thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam./.
Nguyễn Hiền
Từ khóa:
-
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
27-12-2024 11:00 06
-
Sự thật về thuốc giảm cân
27-12-2024 09:56 58
-
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
27-12-2024 09:26 17
-
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
26-12-2024 08:52 29
-
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động
19-12-2024 07:50 44
-
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
25-12-2024 16:52 58