Kinh tế
Viettel ra mắt Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel
01:54 PM 15/10/2018
(LĐXH)-Ngày 15/10/2018, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội đã tổ chức sự kiện ra mắt Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, đánh dấu bước chuyển dịch chiến lược của Viettel tại giai đoạn thứ 4 - giai đoạn kinh doanh toàn cầu và 4.0.
Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Business Solutions Corporation) được thành lập trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ trên khắp thế giới và tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây là đơn vị Đại diện cho Tập đoàn Viettel triển khai các dự án và cung cấp giải pháp Công nghệ thông tin-Viễn thông cho Chính phủ, các Bộ, ngành, UBND Tỉnh/TP các cấp; các doanh nghiệp và tổ chức tại Việt Nam cũng như toàn cầu.
Phát biểu tại sự kiện, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng – Chủ tịch Tập đoàn Viettel nhấn mạnh: ‘‘Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp được thành lập đánh dấu sự chuyển dịch chiến lược Viettel, để tái tạo một Viettel mới, năng động hơn, công nghệ hơn; hướng tới khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm.
Viettel đã, đang và sẽ liên tục hoàn thiện mình để mang lại những giá trị và lợi ích với cấp độ cao hơn nữa cho Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Không chỉ phục vụ mục đích kinh doanh mà Tổng Công ty này còn mang sứ mệnh lớn lao, đó là: Đồng hành cùng Chính phủ xây dựng thành công một “Chính phủ số”, hợp tác cùng các doanh nghiệp và người dân để giải quyết các vấn đề của xã hội, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người; Vì một Việt Nam phát triển bền vững”.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, phụ trách Chủ tịch, TGĐ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel tặng hoa chúc mừng Ban TGĐ TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel.
Ra mắt Ban Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel.
Thiếu tá Phùng Văn Cường –Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp khẳng định: “Viettel sẽ tập trung đầu tư vào công nghệ, ứng dụng những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất. Nhưng công nghệ thôi là chưa đủ. Với chúng tôi, công nghệ phải kết hợp với tri thức ngành để giải quyết những vấn đề cụ thể của đất nước, của xã hội và cộng đồng”.
Với vai trò là một trong những doanh nghiệp tiên phong về công nghệ; Viettel sẽ xây dựng các nền tảng công nghệ dùng chung như IoT Platform, AI Platform, BigData, Viettel Pay… để cộng đồng doanh nghiệp, đối tác sáng tạo, phát triển sản phẩm, dịch vụ mới nhanh và đơn giản hơn, cung cấp cho tập khách hàng của mình.
Viettel sẵn sàng tư vấn cho doanh nghiệp cơ hội và thách thức của CMCN 4.0, từ đó giúp doanh nghiệp có lộ trình từng bước chuyển đổi sang doanh nghiệp 4.0 – doanh nghiệp kiểu mới tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy kinh doanh; góp phần phát triển nền kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.
Với những thế mạnh hiện có về hạ tầng kết nối cáp quang & 4G số 1 Việt Nam, phủ khắp toàn quốc; hạ tầng Data Center Cloud tiêu chuẩn quốc tế; nguồn nhân lực chất lượng cao với 5.000 kỹ sư công nghệ; 10.000 nhân sự kỹ thuật tại 63 tỉnh/700 huyện; nền tảng kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực giải pháp công nghệ; Viettel cam kết sẽ đưa những giải pháp tốt nhất, phù hợp nhất, công nghệ hiện đại nhất cho các  Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức; đồng hành cùng các đơn vị để đi tới thành công.

Trước khi thành lập Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp, Viettel đã có 8 năm nghiên cứu về Chính phủ điện tử, Ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước và  doanh nghiệp và đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, bao gồm: ký thoả thuận hợp tác xây dựng thành phố thông minh với 23 tỉnh/thành trên cả nước, triển khai Smart city cho Phú Thọ và Huế; cung cấp giải pháp/dịch vụ đến gần 400.000 doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ trên toàn quốc…  hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc có kết nối gửi nhận văn bản tới tất cả các Bộ, địa phươngtập đoàn, Tổng Công ty  nhà nước; Các hệ thống chuyên ngành cho các bộ, ngành như Các dịch vụ công cấp độ 3,4, Hệ thống Một cửa Quốc gia cho Bộ Tài chính, Hệ thống lấy ý kiến người dân E-Voting cho UBND Tp.HCM. Trong lĩnh vực y tế, Viettel đã triển khai hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia: kết nối hơn 14.000 cơ sở tiêm chủng, quản lý 12,5 triệu đối tượng; triển khai hệ thống quản lý bệnh truyền nhiễm trên toàn quốc cho 13.000 cơ sở y tế, quản lý khoảng 1 triệu ca bệnh và 1.000 ổ dịch mỗi năm, tin học hóa toàn bộ báo cáo tuần, tháng, năm tương đương khoảng 1,2 triệu báo cáo/năm; hệ thống Hồ sơ sức khỏe cá nhân cũng được triển khai tại 16 tỉnh, 141 huyện, 2.047 xã, 5,1 triệu hồ sơ tạo lập, 15 triệu nhân khẩu, 3,6 triệu hộ khẩu

Trong lĩnh vực giáo dục, hỗ trợ hoàn toàn miễn phí internet đến hơn 30.000 trường học trên cả nước, 126.000 suất học bổng, 100.000 học sinh, 126 tỷ đồng; triển khai tới 23.000 trường học phần mềm quản lý trường học SMAS và kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu chung tại sở giáo dục và đào tạo; phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thử nghiệm hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung cho ngành giáo dục; triển khai mạng xã hội học tập trực tuyến Viettelstudy với gần 9 triệu người dùng định danh từ hệ thống quản lý nhà trường SMAS, đã có 410 nghìn thầy cô và học sinh thường xuyên tạo các khóa học, tham gia dạy và học trên tương tác đa chiều.


Mỹ Hạnh


Từ khóa: