Vĩnh Phúc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” gắn với đảm bảo an sinh xã hội
(LĐXH)- Với kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, cùng với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế” gắn với đảm bảo an sinh xã hội.
Tăng trưởng kinh tế cao thứ 3 toàn quốc
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 xuất hiện cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021 tại một số tỉnh, thành trên cả nước trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc, đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Trước tình hình đó, tỉnh Vĩnh Phúc với kinh nghiệm phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong năm 2020 và cùng với sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, nên dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh nhanh chóng được kiểm soát. Đặc biệt, việc khoanh vùng nhanh, cách ly gọn đã hạn chế tối đa tác động của dịch bệnh đến phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế và đời sống của người dân trong tỉnh.
Chính vì vậy, trong 6 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 14,2%, đã đưa Vĩnh Phúc trở thành địa phương có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng Đồng bằng Sông Hồng, cao thứ 3 toàn quốc và cũng là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất của tỉnh trong 10 năm trở lại đây.
Lũy kế tới thời điểm cuối tháng 8/2021, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 12.220 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký trên 145.289,86 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế khoảng 8.688 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội là 3.549 doanh nghiệp.
Tổng số lao động đang làm việc trên toàn tỉnh là 217.400 người; trong đó, lao động trong các khu công nghiệp là 101.537 người, ngoài các khu công nghiệp là 115.863 người. Tổng số lao động ngoại tỉnh là 50.214 người.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 5/2021 đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện với biến chủng mới của vi-rút SAR-Cov2 mạnh hơn, nhanh hơn và lan rộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc. Toàn tỉnh đã áp dụng các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội nhiều khu vực cấp huyện, xã và 37 điểm cấp thôn/tổ/đội/khu, 2 cơ sở y tế, 1 công ty... Đo đó, đã có những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Nhiều ngành nghề kinh doanh phải dừng hoạt động, lưu thông hàng hóa bị chậm trễ do phải thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng lên. Về dài hạn, thu nhập của người dân giảm dẫn đến cầu hàng hóa giảm, sản xuất theo đó cũng giảm theo…
Mặc dù đời sống của người dân Vĩnh Phúc không chịu ảnh hưởng sâu do tác động của dịch Covid-19, song những tác động của dịch bệnh khiến cho cuộc sống, sinh hoạt của người dân bị xáo trộn; cơ hội việc làm thấp, thu nhập giảm, việc di chuyển bị hạn chế, lo lắng về nguy cơ lây nhiễm, điều kiện sinh hoạt có nơi thiếu thốn, một bộ phận phải xa gia đình, tạo áp lực tâm lý cho người dân.
Những tác động của dịch Covid-19, dẫn tới một số doanh nghiệp buộc phải phải sử dụng biện pháp cắt giảm lao động, giảm giờ làm, giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ không lương hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động… Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2021, số lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của tỉnh là 4.206 người, bằng 90% so với cùng kỳ.
Qua khảo sát, Vĩnh Phúc có 6% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải cho người lao động nghỉ luân phiên, 118 doanh nghiệp lao động phải ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số lao động phải ngừng việc là 8.264 người, gồm: 3.675 lao động ngừng việc để cách ly y tế theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; 509 lao động ngừng việc do yêu cầu phong tỏa của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; 4.080 người ngừng việc khác do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng không phải cách ly, phong tỏa.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch, lưu trú và ăn uống, vui chơi giải trí, giáo dục đào tạo), phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, cho người lao động nghỉ việc không hưởng lương. Khoảng 27% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết phải cho người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương…
Từ đó, việc làm và thu nhập, cũng như các khoản phúc lợi khác của người lao động giảm sút, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động. Việc nợ BHXH của doanh nghiệp, phần nào ảnh hưởng tới việc giải quyết chế độ BHXH cho người lao động. Đồng thời, phát sinh một số vấn đề phức tạp phát sinh trong quan hệ lao động, như các vấn đề về tiền lương, thời giờ làm việc…
Đảm hỗ trợ kịp thời chính sách của Nghị quyết 68
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg quy định một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc đẫ tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 174/KH-UBND ngày 13/7/2021 để triển khai thực hiện; Quyết định số 2089/QĐ-UBND ngày 05/8/2021 của UBND tỉnh về việc hỗ trợ đối với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do)…
Đặc biệt, để đảm bảo hỗ trợ kịp thời, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thành lập các Tổ công tác hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trong đó, phân công trực tiếp các đồng chí Phó Giám đốc phụ trách nội dung liên quan đến công tác hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động. Trực tiếp phối hợp với các huyện, thành phố tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp về quy trình, điều kiện, thủ tục các chính sách để doanh nghiệp tiếp cận và thụ hưởng chính sách kịp thời…
Kết quả tính đến ngày 27/8, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện hoàn thành chính sách “Hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp” với 3.424 đơn vị, số lao động được giảm đóng là 173.655 người, kinh phí giảm mức đóng tạm tính (01/7/2021 - 30/6/2022) gần 61 tỷ đồng; trong đó, kinh phí hỗ trợ giảm mức đóng lũy kế hết tháng 8/2021 hơn 10,283 tỷ đồng.
Về chính sách “Hỗ trợ người lao động ngừng việc”, tỉnh đã hỗ trợ 610 lao động ngừng việc và 111 người lao động mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 06 tuổi, số tiền hỗ trợ là 721 triệu đồng. Đến nay, đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ thực hiện chính sách cho Công ty TNHH Vina Korea, với kinh phí hỗ trợ là 293,4 triệu đồng.
Về chính sách “Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp”, tỉnh mới tiếp nhận được 01 hồ sơ của người lao động. Chính sách “Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động” thì chưa có hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Đối với chính sách “Hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế”, Vĩnh Phúc có 3.964 đối tượng được hỗ trợ với kinh phí hơn 6,879 tỷ đồng, gồm: hỗ trợ theo chính sách của tỉnh là 3.661 người, số tiền 6,576 tỷ đồng; theo Nghị quyết 68/NQ-CP là 303 người, kinh phí 303,12 triệu đồng (trong đó có 302 trẻ em được hỗ trợ điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế, 01 trường hợp hỗ trợ tiền ăn).
Đến nay, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt 03 đối tượng được thụ hưởng chính sách “Hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch” với số tiền 11.130.000 đồng. Ngoài ra, tỉnh còn Hỗ trợ 17 hộ kinh doanh theo quy định của Nghị quyết 68, với kinh phí 51 triệu đồng.
Theo báo cáo, thực hiện chính sách “Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất”, tỉnh có 04 đơn vị đề nghị có nhu cầu vay vốn trả lương ngừng việc (02 doanh nghiệp, 02 cơ sở giáo dục), kinh phí vay vốn là 470,4 triệu; có 04 đơn vị đề nghị vay vốn trả lương cho lao động khi phục hồi sản xuất, kinh doanh (03 doanh nghiệp và 01 cơ sở giáo dục), với số tiền vay trên 1,736 tỷ đồng. Đến nay, đã giải ngân cho 02 cơ sở giáo dục vay vốn trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, kinh doanh với số tiền 333,2 triệu đồng.
Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), tính đến hết ngày 27/8/2021, các địa phương đã trong tỉnh đã nhận được 1.386 đơn đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ, dự kiến số tiền chi trả là 2,079 tỷ đồng...
Đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc, cho biết: Nhờ sự giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện các chính sách tại cấp cơ sở, bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, không trùng lặp đã tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, các đối tượng thuộc Nghị quyết 68 tiếp cận, thụ hưởng nguồn hỗ trợ chính sách.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội tổ chức hội nghị người lao động và triển khai nhiệm vụ năm 2025
22-01-2025 21:15 59
-
Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trên thế giới vẫn ở mức cao
22-01-2025 09:07 12
-
Thưởng Tết và lương tháng 13 có được miễn thuế TNCN?
21-01-2025 14:54 48
- Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Thêm nhiều chính sách cho lao động kỹ năng đặc định làm việc tại tỉnh Mie (Nhật Bản)
- Năm 2025: Định hướng và giải pháp của Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long tong thực hiện nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp
- Vĩnh Long: Thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền hướng dẫn chính sách Bảo hiểm thất nghiệp
-
Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Phần Lan
13-01-2025 16:33 35
-
Kiếm hàng nghìn USD nhờ bán video cho các công ty AI
13-01-2025 13:46 14
-
Ký kết hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề giữa Việt Nam và Phần Lan
13-01-2025 12:56 46
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31