Lao động
An Giang dành 164 tỷ đồng hỗ trợ 1.500 người đi xuất khẩu lao động
11:43 AM 13/04/2021
(LĐXH) - UBND tỉnh An Giang vừa ban hành kế hoạch số 186 /KH-UBND ngày 12/4/2021 triển khai công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn này, toàn tỉnh phấn đấu đưa ít nhất 1.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, bình quân mỗi năm đưa ít nhất 300 lao động đi lao động.
Giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh An Giang phấn đấu ít nhất có 1.500 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Tổng kinh phí dự kiến thực hiện hơn 164 tỷ, trong đó có khoảng 1.000 lao động thuộc nhóm 1 và 500 lao động thuộc nhóm 2 được hỗ trợ chi phí ban đầu và hỗ trợ tín dụng từ nguồn ngân sách Trung ương.

Để triển khai thực hiện hiệu quả, thời gian tới tỉnh sẽ thành lập Ban Chỉ đạo đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021 - 2025 cấp tỉnh và ở cập huyện. Đối với Ban Chỉ đạo các cấp thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xuất khẩu lao động, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất phương án giải quyết. Đồng thời, Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn với sự tham gia đồng bộ của các ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội.

Lựa chọn những doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, có năng lực, uy tín, có thị trường ổn định, có đơn hàng phù hợp được Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) thẩm định, có nhu cầu tham gia tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh đưa đi xuất khẩu lao động và có cam kết thực hiện đúng các quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, các văn bản hướng dẫn và các nội dung thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp và các quy định của pháp luật. 

Khuyến khích, tạo điều kiện các doanh nghiệp lớn, được cấp phép và có uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu lao động tăng cường các hoạt động tuyển dụng và mở văn phòng đại diện tại tỉnh và phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh, huyện trong công tác xuất khẩu lao động.

Thực hiện chính sách hỗ trợ cho người lao động có hộ khẩu thường trú hoặc mã số định danh trên địa bàn tỉnh An Giang thuộc hộ khó khăn về kinh tế (được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận); bộ đội xuất ngũ, công an phục viên đăng ký đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; người lao động được quy định tại khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.

Tư vấn về xuất khẩu lao động cho người lao động tại Sàn giao dịch việc làm tỉnh An Giang

Tổ chức tư vấn, vận động người lao động thuộc đối tượng thụ hưởng có khả năng đi xuất khẩu lao động tham gia xuất khẩu lao động; hướng nghiệp, tư vấn về xuất khẩu lao động cho học sinh, sinh viên, bộ đội xuất ngũ; đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước; đào tạo nghề cho người lao động sát với thực tế công việc theo yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài trước khi người lao động đến làm việc.

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng tác động tích cực của xuất khẩu lao động; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức về xuất khẩu lao động; Tổ chức hội, đoàn thể tăng cường lồng ghép nội dung về xuất khẩu lao động trong các buổi sinh hoạt, tập huấn; Thành lập các chuyên trang về xuất khẩu lao động của tỉnh thông qua phương thức truyền thông thế hệ mới như: website, zalo, facebook, … để tăng cường khả năng tiếp cận của người dân về các chủ trương, chính sách, pháp luật, quyền lợi, thông tin về thị trường xuất khẩu.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, hiện nay tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ cho lao động thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, bộ đội phục viên...
Lao động khi đi làm việc ở nước ngoài sẽ được vay tiền với mức tối đa lên đến 100 triệu đồng, lãi suất áp dụng như hộ nghèo. Ngoài ra, còn được hỗ trợ tiền học ngoại ngữ, kiến thức cần thiết, định hướng nghề…
Được biết, trong 5 năm qua (2016-2020), toàn tỉnh An Giang có 1.886 người xuất khẩu lao động tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Sau thời gian làm việc, mỗi lao động trở về nước có thể tích lũy từ 500 triệu đồng trở lên.
Tính tới đầu năm 2021, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có: 10.232 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,90%/tổng số hộ dân; 26.655 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 4,94%/hộ dân; 2.452 hộ nghèo người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 8,98%/hộ dân tộc thiểu số. Qua thực tế, nhiều gia đình hộ nghèo, khó khăn trong tỉnh sau khi cho con em đi làm việc ở nước ngoài đã giúp gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả, có nguồn vốn để đầu tư, trồng trọt, chăn nuôi ổn định cuộc sống./.
Minh Hằng

Từ khóa: