Xã hội
An Giang: Triển khai thực hiện Chương trình “Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi” đến năm 2030
11:16 AM 15/09/2021
Nhằm nâng cao sức khỏe người cao tuổi, giúp người cao tuổi sống vui, sống khỏe, tỉnh An Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình “Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi” đến năm 2030.
Năm 2009, tỷ lệ Người cao tuổi (60+) tỉnh An Giang là 8,39%, đến năm 2019 tỷ lệ Người cao tuổi chiếm tỷ lệ 12,51% dân số, tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu, tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi.
Người cao tuổi sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu, đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Người cao tuổi đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi Người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với Người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.
Người cao tuổi tham gia buổi tọa đàm cung cấp và chia sẻ thông tin về chăm sóc sức khỏe cho Người cao tuổi, thích ứng với quá trình già hóa dân số.
Để giải quyết những hạn chế, bất cập trên và nhằm đảm bảo cho mọi Người cao tuổi được thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đến năm 2030.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm chăm sóc, nâng cao sức khỏe Người cao tuổi (người từ đủ 60 tuổi trở lên) bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Cụ thể:
(1). 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030;
(2). Người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc Người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của Người cao tuổi đạt 70% năm 2025; 85% năm 2030;
(3). Người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025; 100% năm 2030;
(4). Người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ...) đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030;
(5). Người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe đạt 50% năm 2025; 90% năm 2030;
(6). 100% Người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình và cộng đồng vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030;
(7). Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của Người cao tuổi có nội dung chăm sóc sức khỏe đạt 80% năm 2025; 100% năm 2030;
(8). Số xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe và nâng cao Người cao tuổi, có ít nhất 01 đội tình nguyện viên tham gia chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi đạt 50% năm 2025; 90% năm 2030;
 (9). 100% Người cao tuổi khi bị bệnh được khám và điều trị vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030;
(10). Người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được khám và điều trị tại nơi ở đạt 70% năm 2025; 100% năm 2030;
(11). Bệnh viện, trừ Bệnh viện Chuyên khoa Nhi có khoa lão khoa và Bệnh viện tuyến huyện dành một số giường để điều trị người bệnh là Người cao tuổi đạt 70% năm 2025; 100% năm 2030.
(12). Số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí môi trường thân thiện với Người cao tuổi đạt ít nhất 20% năm 2025; 50% năm 2030.
Kế hoạch sẽ chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2020- 2025), tăng cường các hoạt động truyền thông, hướng dẫn Người cao tuổi tự chăm sóc sức khỏe; nâng cao năng lực cho Trạm Y tế cấp xã; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho Người cao tuổi; tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho Người cao tuổi; xây dựng và duy trì hoạt động của câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi, lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi vào Câu lạc bộ liên thế hệ và các loại hình câu lạc bộ khác của Người cao tuổi; phát triển mạng lưới tình nguyện viên, tham gia chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi; Tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho phòng khám lão khoa, khoa lão khoa, khu giường điều trị người bệnh là Người cao tuổi thuộc các Bệnh viện Đa khoa, chuyên khoa (trừ Bệnh viện Chuyên khoa Nhi);
Đồng thời Xây dựng bộ tiêu chí cấp xã thân thiện với Người cao tuổi, triển khai mô hình; xây dựng, triển khai mô hình dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi (mạng xã hội, internet,...); Xây dựng các tài liệu, chương trình đào tạo và tổ chức đào tạo, tập huấn; các quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật; hệ thống chỉ báo thống kê; đánh giá đầu vào; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong tư vấn, quản lý và theo dõi chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Giai đoạn 2 (2026 - 2030), lựa chọn đẩy mạnh các hoạt động của kế hoạch đã triển khai có hiệu quả; bổ sung các giải pháp để thực hiện các hoạt động chưa đạt hiệu quả trong giai đoạn 1; Nhân rộng các mô hình đã triển khai thành công ở giai đoạn 1 và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc mở rộng các mô hình.
Sở Lao động - Thương và Xã hội được giao phối hợp với Sở Y tế tổ chức triển khai Chương trình chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi; lồng ghép các nội dung của Chương trình vào các Chương trình, Dự án khác về chăm sóc và phát huy vai trò Người cao tuổi; Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hướng dẫn thành lập cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc Người cao tuổi theo hình thức xã hội hóa./.
PV
Từ khóa: