Xã hội
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
03:18 PM 14/11/2024
(LĐXH) - Ngày 14/11/2024, tại TP.HCM, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chủ trì tổ chức Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án 161) giai đoạn 2021-2025 năm 2024 và chuẩn bị cho đánh giá cuối kỳ.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh phát biểu tại Hội nghị

Theo ban tổ chức, Hội nghị được tổ chức hàng năm nhằm cập nhật tình hình thực hiện Đề án 161 của các Bộ, ngành, địa phương; trao đổi và tìm hướng giải quyết những khó khăn, vướng mắc; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ASEAN; và chuẩn bị cho đánh giá việc hoàn thành Đề án. Tham dự Hội nghị: có ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; Đại sứ Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao– Hợp tác ASEAN Cộng đồng Kinh tế; đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế Bộ LĐ-TB&XH. Đặc biệt Hội nghị còn có sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của hơn 250 đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐ – TB& XH, Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương và các bộ, ngành thuộc Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan đến từ các tỉnh, thành phố cùng đại diện lãnh đạo - giảng viên một số trường đại học, cao đẳng…

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, cho biết: Tính đến hết năm 2023, tất cả các nội dung của Đề án 161 được lồng ghép rất tốt trong kế hoạch, chính sách, chương trình của các Bộ, ngành, địa phương. Các mục tiêu của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN đến năm 2025 hầu hết đã được cụ thể hoá thành các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, trong đó nêu rõ trách nhiệm cho các đơn vị liên quan (đối với các Bộ, ngành) và các Sở, ban, ngành, UBND các cấp quận, huyện (đối với các tỉnh, thành phố), thậm chí cả trong hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội.

Theo Thứ trưởng Thanh, kể từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Đề án 161 cho đến nay, chúng ta vẫn luôn phải đối mặt với những khó khăn, điển hình là vấn đề nguồn lực: các Bộ, ngành, địa phương đều không có nguồn lực bố trí riêng. Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp thực hiện còn chưa chặt chẽ ở cấp địa phương và giữa địa phương với các Bộ, ngành; chưa có nhiều hoạt động ASEAN để các địa phương tham gia trực tiếp; bản thân các Bộ, ngành chưa phát huy được nhiều vai trò dẫn dắt và kết nối địa phương với các phong trào/giải thưởng/hội nghị hội thảo chuyên đề của ASEAN để thúc đẩy ý thức thuộc về ASEAN của cán bộ và người dân.

 

Đại sứ Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao – Hợp tác ASEAN Cộng đồng Kinh tế, chia sẻ về hợp tác ASEAN trong Cộng đồng Chính trị - An ninh tại Hội nghị

Vấn đề nguồn lực cán bộ cũng là một rào cản. Về tình hình thực hiện năm vừa qua, các Bộ, ngành, địa phương đều báo cáo đã bố trí phòng, ban, bộ phận/chuyên viên đầu mối về hợp tác ASEAN, nhưng do chủ trương lồng ghép và tinh giản biên chế nên các đầu mối thực hiện đa số là kiêm nhiệm. Mặc dù vậy, chúng ta ghi nhận công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức vẫn luôn được tăng cường bao gồm cả thông qua các hoạt động của Đề án và các cuộc hội nghị triển khai như ngày hôm nay. 

Thay mặt Bộ LĐ-B&XH Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đánh giá cao sự quan tâm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc cử đầy đủ cán bộ tham gia các hội nghị, tập huấn liên quan... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tăng cường công tác truyền thông cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Bộ LĐ-TB&XH luôn mời đại diện Ban Thư ký ASEAN tham dự trực tiếp hoặc trực tuyến để chia sẻ, cập nhật về những ưu tiên, kết quả nổi bật hàng năm của ASEAN và Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN.

 Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, trong bối cảnh chuẩn bị kết thúc thực hiện Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hoá – Xã hội 2025 ở cấp khu vực và ở cấp quốc gia là Đề án 161, nhiệm vụ quan trọng từ nay cho đến hết năm 2025 của chúng ta là tiến hành Đánh giá cuối kỳ và tổng kết quá trình thực hiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó Thứ trưởng đề nghị: Các Bộ, ngành, địa phương tích cực chia sẻ thông tin, trao đổi về những bài học kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 161 và đề xuất phương hướng, kế hoạch tổ chức đánh giá cuối kỳ ở cấp bộ, ngành, địa phương, trong đó kiến nghị sự tham gia và hỗ trợ như thế nào từ phía Bộ LĐ-TB&XH.

Ngoài ra, trong ASEAN hiện nay, song song với việc khởi động đánh giá cuối kỳ Kế hoạch tổng thể, các nước đang cùng nhau xây dựng một bản Kế hoạch Chiến lược của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN sau năm 2025. Do đó, ở cấp quốc gia, chúng ta cũng cần tính đến việc tiếp tục xây dựng Kế hoạch hoặc Đề án triển khai trên toàn quốc để tiếp nối Đề án 161. Trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương có thể thúc đẩy huy động thêm nguồn lực, nhân lực chuẩn bị cho đánh giá tổng kết cũng như xây dựng các kế hoạch mới đã được Ban Chấp hành Trung ương thông báo tại Kết luận số 59-KL/TW ngày 8/8/2023 về Kết luận của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030.

Đại diện Lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ thông tin về Đề án 161 

Phát biểu thay mặt Bộ LĐ-TB&XH, Thứ trưởng Lê Văn Thanh gửi lời cảm ơn tới đại diện Ban Thư ký ASEAN, đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan thuộc Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN tại Việt Nam và cảm ơn sự có mặt của các đại biểu tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được Ban Thư ký ASEAN, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương chia sẻ cập nhật về tình hình hợp tác ASEAN trên cả 3 trụ cột, trong đó điểm nhấn của năm 2024 chính là việc khởi động đánh giá cuối kỳ các Kế hoạch Tổng thể và xây dựng các Kế hoạch Chiến lược của 3 Cộng đồng Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa – Xã hội. Đây cũng là ưu tiên lớn của ASEAN từ nay đến hết năm 2025 nhằm tiếp tục xây dựng một Cộng đồng ASEAN năng động và tự cường, không chỉ bảo vệ phúc lợi của người dân mà còn thúc đẩy tăng trưởng và tiến bộ trong khu vực.

Trên cơ sở báo cáo chung của Bộ LĐ-TB&XH, các Bộ, ngành, địa phương đã lần lượt chia sẻ về tình hình thực hiện Đề án 161 và các chương trình, hoạt động ưu tiên trong năm 2024, đồng thời, trao đổi về một số khó khăn, thách thức. Bên cạnh khó khăn vì không có nguồn lực bố trí riêng, cơ chế phối hợp thực hiện cũng còn chưa chặt chẽ ở cấp địa phương và giữa địa phương với các Bộ, ngành; các Bộ, ngành chưa phát huy được vai trò dẫn dắt và kết nối địa phương với các phong trào/giải thưởng/hội nghị, hội thảo chuyên đề của ASEAN và chưa có nhiều hoạt động ASEAN để các địa phương được tham gia trực tiếp.

Trên cơ sở đó, để chuẩn bị cho đánh giá cuối kỳ và xây dựng Đề án/Kế hoạch sau năm 2025, các đại biểu nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, thường xuyên trao đổi để kịp thời triển khai các sáng kiến, hoạt động chuyên ngành ở cấp khu vực mà Việt Nam có lợi ích; chú trọng việc hướng dẫn, khuyến khích các địa phương thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ về hội nhập nói chung và ASEAN nói riêng.

Hội nghị cũng ghi nhận, trong ASEAN hiện nay, song song với việc khởi động đánh giá cuối kỳ Kế hoạch tổng thể, các nước đang cùng nhau xây dựng một bản Kế hoạch Chiến lược của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN sau năm 2025. Do đó, ở cấp quốc gia, cần tính đến việc tiếp tục xây dựng Kế hoạch hoặc Đề án triển khai trên toàn quốc để tiếp nối Đề án 161 theo kết luận của Bộ Chính trị về định hướng tham gia ASEAN đến năm 2030.

Cuối cùng, Hội nghị đề xuất Cơ quan chủ trì cùng các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu về phương án bố trí nguồn lực, vật lực cho việc xây dựng cũng như triển khai các hoạt động của ASEAN nói chung và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN nói riêng trong thời gian tới.

Trương Đăng