Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
(LĐXH)- Nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là một nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Đây cũng là bước triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII: “Nêu cao trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền, hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương trong thực hiện chủ trương của Đảng và Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045, bảo đảm cho người dân có chỗ ở thích hợp, chất lượng và an toàn, có sự chia sẻ trách nhiệm giữa Nhà nước, xã hội và người dân phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập”.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có cách làm sáng tạo, huy động nguồn lực lớn của Nhà nước và nhân dân để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như tỉnh Điện Biên đã xóa 5.000 căn, Nghệ An đã xóa trên 5.600 căn; Cao Bằng hỗ trợ trên 3.600 căn; các Bộ, ngành Trung ương, doanh nghiệp cùng tích cực tiên phong trong xóa nhà tạm, nhà dột nát, nhất là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… Việc hỗ trợ nhà ở không đơn thuần là sửa chữa, xây dựng lại những căn nhà mới, mà còn là cả một quá trình cải thiện chất lượng cuộc sống, thực hiện tốt nhất công tác tri ân đối với người có công với cách mạng, mở ra con đường giúp người dân thoát nghèo và vươn lên trong tương lai.
Tuy nhiên, theo thống kê của các Bộ, ngành, địa phương, toàn quốc hiện vẫn còn khoảng 315 nghìn hộ có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ, tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt có đến 280 nghìn căn nhà bị hư hỏng, tốc mái, ngập, vùi lấp do sạt lở đất do cơn bão số 3. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên các hộ nghèo không có khả năng tự cải thiện nhà ở.
Để chăm lo tốt cho người có công với cách mạng, bảo đảm nơi ở an toàn cho người dân hàng nghìn hộ dân còn khó khăn về nhà ở, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới, trong đó chỉ đạo: “... bảo đảm 100% người có công và gia đình người có công với cách mạng được chăm lo tốt về nhà ở”, đồng thời tại Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24 tháng 11 năm 2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đặt ra mục tiêu: “Các chỉ đạo chủ yếu đến năm 2030:… xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn quốc đạt khoảng 30m2 sàn/người”.
Thực hiện chủ trương có ý nghĩa quan trọng và nhân văn theo tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư, thiết thực chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 80 năm ngày thành lập nước, 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, ngày 13/ 4/2024 tại Hoà Bình, Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”, với mục tiêu về đích sớm hơn 5 năm so với yêu cầu của Trung ương Đảng. Cụ thể: “Đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới trên địa bàn cả nước”.
Để cụ thể hoá đợt thi đua cao điểm 450 ngày để hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước, ngày 06/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 102/CĐ-TTg về việc đẩy mạnh triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Trong đó khẳng định cần coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành, các địa phương; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để đến ngày 31/12/2025 hoàn thành bằng được mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (bao gồm cả 3 chương trình: Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng; Hỗ trợ nhà ở theo các chương trình mục tiêu quốc gia và Xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân; trong đó ưu tiên xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người có công từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ, qua công tác lãnh đạo chỉ đạo, theo dõi tình hình và khảo sát thực tế gần đây cho thấy, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, tự lo cho chính mình của người dân, cùng với sự giúp đỡ của làng xóm, họ hàng, các đoàn thể chính trị-xã hội, như thanh niên, phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh… Nhờ vậy, có những hộ cận nghèo Nhà nước chỉ hỗ trợ hơn 50 triệu đã xây được nhà kiên cố với trị giá hơn 200 triệu đồng, như thực tế tại tỉnh Hòa Bình.
Như vậy, để việc hoàn thành mục tiêu trên, các Bộ, ngành, địa phương cần quán triệt phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể hỗ trợ, nhân dân làm chủ”; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, rõ sản phẩm. Cụ thể:
Thứ nhất, chúng ta cần huy động nguồn lực xã hội hoá kết hợp với nguồn lực của Nhà nước để chung tay hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên phạm vi cả nước. Đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, bao gồm nguồn lực được hỗ trợ từ trung ương, địa phương, nguồn lực công sức huy động, giúp đỡ từ cộng đồng cơ sở trên tinh thần “ai có gì giúp nấy, ai có công giúp công, ai có của giúp của, ai có ít giúp ít, ai có nhiều giúp nhiều”, nguồn lực cố gắng từ chính các hộ gia đình. Thống nhất quan điểm đó, ngày 05/10/2024, Chính phủ và Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp phát động hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước. Thông qua Chương trình đã vận động được khoảng 6 nghìn tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn cả nước.
Thứ hai, đề cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương; đồng thời, phân nhóm các địa phương và có cơ chế để các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn hỗ trợ cho các địa phương khó khăn hơn thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn. Vận động các Bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn. Người dân, hộ gia đình được hỗ trợ phải tự đảm bảo một phần.
Thứ ba, Trung ương cần dành nguồn vốn ngân sách theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người dân, nhất là người có công với cách mạng, 03 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm trong chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ năm, các địa phương cần tập trung, ưu tiên tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt trong cả nước việc hỗ trợ nhà ở cho người có công; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát ở địa phương phù hợp với tình hình cụ thể (tỉnh, huyện, xã) do Bí thư cấp uỷ làm Trưởng Ban chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo; thành viên Ban Chỉ đạo là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các sở, ngành, cơ quan liên quan, các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo trước đó cần rà soát, hoàn thiện; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp với các hoạt động hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.
Với quyết tâm cao và chỉ đạo quyết liệt, cụ thể trên, chúng ta tin tưởng rằng, đến hết năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và xoá toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên cả nước./.
Lê Văn Thanh
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Từ khóa:
Chương trình xoá nhà tạm
nhà dột nát toàn quốc
cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
-
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
25-07-2024 20:54 43
-
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
12-12-2024 13:11 23
-
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
31-12-2024 10:50 43
-
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
11-12-2024 16:15 34
-
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
13-12-2024 15:26 25
-
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
12-12-2024 14:22 48