Lao động
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả "mục tiêu kép" và ổn định đời sống người lao động
10:30 AM 04/10/2021
(LĐXH) - Đại dịch COVID-19 thời gian qua đã tác động tiêu cực đến sản xuất và thị trường lao động nước ta; hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm, hàng triệu lao động phải tạm nghỉ, nghỉ giãn việc và giảm thu nhập; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh đã buộc phải ngừng hoạt động...
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình số 34/TTr-LĐTBXH trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ban cán sự đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Tờ trình số 22-TTr/BCSĐ ngày 11 tháng 6 năm 2021 báo cáo Bộ Chính trị. 
Cùng với đó tổ chức triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030. Các địa phương tăng cường theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động. Thực hiện các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức các sàn giao dịch việc làm trực tuyến.
Làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát từ cuối tháng Tư đã ảnh hưởng đến đà khôi phục việc làm và cải thiện thu nhập của người lao động trong quý II, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý II năm 2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập...
Như vậy, so với quý I năm 2021, dịch Covid-19 đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm lao động ở độ tuổi từ 25-54 với 75% lao động bị ảnh hưởng. Trong tổng số 12,8 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, có 557 nghìn người bị mất việc, chiếm 4,4% (quý I là 540.000 người); 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 31,8%; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 34,1% và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 66,4%. Lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều so với hơn khu vực nông thôn (có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, ở nông thôn là 14,3%).
Người lao động và quản lý lao động phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm các công tác phòng, chống Covid-19 tại cơ sở sản xuất
Sự bùng phát lần thứ tư của dịch Covid-19 đã đẩy 1,8 triệu người lao động trên phạm vi cả nước vào tình trạng không có việc làm. Khu vực dịch vụ là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19, lao động có việc làm quý II là 19,4 triệu người, giảm 1,32% so với quý I. Đợt dịch này đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa, thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi đà phục hồi của năm 2020 và sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn.
Nhìn chung, đến hết quý 2, tình hình bệnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng cách ứng phó của người lao động và người chủ sử dụng lao động trước đại dịch trong năm nay có nhiều thay đổi so với năm 2020 đã góp phần làm gia tăng đáng kể số người tham gia lực lượng lao động so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 3,7%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng trên 65%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 26%. 
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã đề xuất tiếp tục thực hiện việc giảm mức thu, nộp phí xác minh giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trong nước, lệ phí cấp giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2021; chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động duy trì và phát triển các thị trường tiếp nhận lao động; kịp thời nắm bắt các thông tin về tình hình dịch COVID-19 và các quy định về tiếp nhận lao động tại các nước để hướng dẫn các doanh nghiệp tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch của nước sở tại. Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, trong 06 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 40.602 lao động, đạt 45,11% kế hoạch.
Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và nhân lực có kỹ năng nghề. Chỉ đạo hệ thống GDNN đổi mới phương thức tuyển sinh và hình thức đào tạo phù hợp với bối cảnh mới; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động dạy và học, xây dựng môi trường học tập an toàn; đồng thời đảm bảo các điều kiện phòng, chống COVID-19 cho học sinh, sinh viên GDNN khi đi học trở lại. Đổi mới truyền thông, gắn kết GDNN với doanh nghiệp, thị trường lao động và việc làm bền vững; hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển GDNN và nhân lực có kỹ năng nghề, kế hoạch truyền thông GDNN năm 2021 và giai đoạn 2021-2025. Nhanh chóng tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo tại các địa phương, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt kế hoạch và chủ động bố trí kinh phí năm 2021 hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; trước mắt, ưu tiên hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tập trung xây dựng Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục tiến hành rà soát, sáp nhập, giải thể cơ sở GDNN công lập để giảm đầu mối, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng cơ sở GDNN. 
Thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả, vừa tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động với tinh thần chung là không điều chỉnh mục tiêu kế hoạch năm 2021. Toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nỗ lực, chủ động, linh hoạt chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Kế hoạch hành động năm 2021 thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Lê Minh.
Từ khóa: