Bắc Giang: Chú trọng giáo dục nghề nghiệp giúp giảm nghèo bền vững
(LĐXH) - Tỉnh Bắc Giang đã và đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; giúp trang bị các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để người lao động áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tích cực đào tạo nghề cho người lao động
Tỉnh Bắc Giang thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có địa hình miền núi chiếm 72% diện tích toàn tỉnh; là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (45 thành phần dân tộc thiểu số) với 257 nghìn người (chiếm 14,26% số dân toàn tỉnh), tập trung tại 73 xã và 20 thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn hơn 12,5 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,63% và 16,2 nghìn hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,4%.
Xác định tầm quan trọng của công tác GDNN nói chung và đào tạo nghề cho người nghèo, người lao động vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, trong những năm qua, bên cạnh việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, tỉnh cũng ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển GDNN. Công tác tuyên truyền, định hướng, tư vấn nghề nghiệp cũng được đẩy mạnh, qua đó, từng bước thay đổi nhận thức của người dân về việc học nghề và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với điều kiện của bản thân và đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân để xây dựng danh mục nghề phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm, điện dân dụng, máy nông nghiệp, trồng nấm, nuôi trồng thủy sản, cơ khí... Qua đó, đã giúp nhiều lao động có thêm kiến thức, kỹ năng vận dụng vào thực tiễn lao động, sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, tăng thu nhập, đời sống từng bước được nâng lên.
Lớp dạy nghề May công nghiệp cho lao động nông thôn xã Hợp Đức (huyện Tân Yên)
Thực hiện nội dung phát triển GDNN và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và phát triển GDNN vùng nghèo, vùng khó khăn theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, từ các nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương, UBND tỉnh Bắc Giang đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở GDNN để đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề. Đồng thời, chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương, các cơ sở GDNN thực hiện nghiêm túc các nội dung về GDNN tại các dự án, tiểu dự án thuộc 02 Chương trình MTQG.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành các văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố, các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó, UBND các huyện, thành phố đã khẩn trương tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề của các đối tượng lao động trên địa bàn; nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ... Xây dựng kế hoạch đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên đào tạo nghề cho người học là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn; lao động nữ bị mất việc làm, người lao động trong các làng nghề, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện, người mới chấp hành xong án phạt tù...
Các huyện, thị xã, thành phố cũng lựa chọn cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN bảo đảm điều kiện hoạt động GDNN, phù hợp với nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động để đặt hàng/giao nhiệm vụ theo quy định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả cao. Đồng thời, tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát trong công tác tổ chức lớp học của các cơ sở GDNN, cơ sở hoạt động GDNN sao cho bảo đảm thời gian học lý thuyết và thực hành, sĩ số lớp học, chất lượng giáo viên... để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn các Chương trình MTQG năm 2024 cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở GDNN để triển khai thực hiện. Cụ thể, đã phân bổ cho kinh phí cho Trường Cao đẳng miền núi Bắc Giang đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu; Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự cải tạo nâng cấp nhà ký túc xá E, cải tạo sửa chữa nhà Giảng đường và mua sắm trang thiết bị thực hành; Trường Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn mua sắm trang thiết bị đào tạo, cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất và đào tạo nghề cho người lao động. Tính đến 30/6/2024, UBND các huyện, thành phố đã tuyển sinh và đào tạo cho 2.809 người; trong đó: trình độ sơ cấp là 693 người, đào tạo dưới 3 tháng là 2.116 người.
Nhìn chung, người lao động khi tham gia các lớp đào tạo nghề đã nắm được các kiến thức cơ bản về cách sử dụng và sửa chữa các loại máy nông nghiệp như máy cày, máy gặt; Các khái niệm về thuốc bảo vệ thực vật, tác động của thuốc bảo vệ thực vật đến môi trường và con người, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, phòng ngừa, xử lý sự cố thuốc bảo vệ thực vật; Nhận biết được một số loại bệnh và cách sử dụng thuốc an toàn để phòng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm; Có thể sửa chữa được các thiết bị điện đơn giản trong gia đình như quạt, máy bơm, lắp bóng điện, đấu nối dây điện… Chị Nguyễn Thị Vân ở xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tham gia lớp học nghề Sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi do UBND huyện phối hợp với các cơ sở GDNN tổ chức vào cuối năm 2022. Trong quá trình học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, chị được trang bị các kiến thức nhận biết bệnh cũng như cách sử dụng thuốc để phòng và trị bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Nhờ áp dụng các kiến thức, kỹ năng được học, đàn gà, vịt của gia đình chị đã ít bị dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển khoẻ mạnh. Đến nay, chị đã mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Có thể nói, sau 3 năm triển khai, công tác đào tạo nghề cho người nghèo, người lao động ở vùng kinh tế khó khăn, vùng dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp trang bị các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để người lao động áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh.
Những khó khăn và định hướng trong thời gian tới
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, khó khăn, người dân sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở Bắc Giang vẫn còn một số khó khăn do các Chương trình MTQG được triển khai cùng thời điểm trên địa bàn tỉnh nên đối tượng thụ hưởng bị trùng chéo; quy định về tiêu chí xác định đối tượng thụ hưởng của cơ quan có thẩm quyền chưa đầy đủ và rõ ràng, như chưa ban hành quy định tiêu chí xác định đối tượng “người lao động có thu nhập thấp”, vì vậy các địa phương chưa có căn cứ để hỗ trợ đào tạo cho đối tượng này, dẫn đến chỉ tiêu đào tạo nghề cho đối tượng thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn hạn chế.
Học viên thuộc diện hộ nghèo tại thôn Khe Táu, xã Yên Định (huyện Sơn Động) học nghề Sửa chữa máy bơm nước
Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên theo địa chỉ cho người lao động trước khi gia nhập thị trường lao động của các địa phương còn chưa đạt hiệu quả cao. Một số địa phương có nhiều khu công nghiệp và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phát triển như thị xã Việt Yên, thành phố Bắc Giang được phân bổ vốn từ các Chương trình MTQG để thực hiện nội dung đào tạo nghề cho người lao động nhưng không tổ chức được lớp học, không giải ngân được vốn đã phân bổ theo tiêu chí. Việc lồng ghép vốn để thực hiện nội dung GDNN của các Chương trình MTQG còn bất cập. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, doanh nghiệp và nhân dân chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề; các đối tượng người học chưa quan tâm cân nhắc về lựa chọn ngành, nghề theo năng lực, điều kiện về kinh tế phù hợp.
Theo quy định tại Luật GDNN năm 2014, cơ sở GDNN bao gồm: Trung tâm GDNN, trường trung cấp, trường cao đẳng. Từ năm 2015 trở lại đây, thực hiện hướng dẫn của trung ương, tỉnh đã thực hiện việc sáp nhập Trung tâm Dạy nghề với Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) thành Trung tâm GDNN – GDTX; sau khi sáp nhập, các trung tâm vẫn hoạt động dạy nghề theo quy định của Luật GDNN. Theo quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg và Quyết định số 90/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng hỗ trợ của các dự án, tiểu dự án thành phần phát triển GDNN thuộc 2 chương trình là cơ sở GDNN. Như vậy, các trung tâm GDNN - GDTX không có tên trong danh sách, hiện không có đủ căn cứ pháp lý để hỗ trợ kinh phí phát triển GDNN. Trong khi đó, trên thực tế các trung tâm này đang đảm nhận việc đào tạo nghề ngắn hạn cho phần lớn lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nội dung này, trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc học nghề và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề. Tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá các nội dung về GDNN tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý để kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo thẩm quyền.
Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở GDNN, như: Phát triển, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, người dạy nghề; phát triển chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy; xây dựng các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp; số hóa các chương trình, giáo trình, học liệu; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý dạy và học; mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ đào tạo.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương, cơ sở GDNN khi lựa chọn đối tác tham gia tư vấn, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; đào tạo nghề cho các đối tượng của Chương trình... cần tuân thủ các quy định của pháp luật; lựa chọn đối tác có năng lực, uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực GDNN để bảo đảm hiệu quả đầu tư của ngân sách Nhà nước. Đồng thời, rà soát tình hình quản lý, sử dụng kinh phí, tài sản thiết bị đào tạo, có các giải pháp cụ thể, quyết liệt để khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo đã được đầu tư.../.
Nguyễn Hiền
Từ khóa:
-
Mang Xuân nồng ấm tới học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
22-01-2025 06:38 14
-
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II: Thành lập Hội Doanh nghiệp - HVTC
19-01-2025 08:14 34
-
Bắc Giang: Đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
20-09-2024 10:10 47
-
Hội GDNN TP.HCM: Đẩy mạnh nhiều hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
08-01-2025 18:08 45
-
VNBA Beauty Awards 2025: Vinh danh tập thể, cá nhân đóng góp ngành làm đẹp Việt Nam
08-01-2025 14:50 38
-
Gần 500 học sinh tiêu biểu TP. HCM nhận học bổng khuyến học của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
06-01-2025 16:12 37
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31