Giáo dục - Nghề nghiệp
Bắc Kạn tích cực thực hiện giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp học nghề
05:41 PM 13/05/2024
(LĐXH)-Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2023, toàn tỉnh Bắc Kạn đã tuyển sinh và đạo tạo nghề được 12.137/6.000 người, đạt 202% kế hoạch chỉ tiêu giao, trong đó: có 679 người học hệ trung cấp 697 người, 2.216 người hệ sơ cấp, 9.224 người được đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng.
Nhìn chung, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh được giao hàng năm, căn cứ tình hình thực tế công tác tuyển sinh còn nhiều khó khăn, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tập trung tối đa mọi nguồn lực cần thiết vào công tác tuyển sinh.
Công tác thông tin, tuyên truyền tuyển sinh, đào tạo ở hệ thống giáo dục nghề nghiệp được chú trọng tăng cường; công tác phân luồng sau trung học cơ sở  được các ngành, các cấp quan tâm triển khai.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có kế hoạch tuyển sinh rõ ràng, cụ thể; chỉ đạo và bám sát công tác tuyển sinh theo tháng, quý; lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp luôn quan tâm, động viên, khuyến khích cán bộ tuyển sinh. Vì vậy, công tác tuyển sinh và đào tạo nghề đạt được nhiều kết quả tích cực.
Học viên tham gia lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống do Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Bắc Kạn phối hợp tổ chức
Nhằm giải quyết việc làm sau tốt nghiệp cho sinh viên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm dịch vụ việc làm thường xuyên  đăng  tải  thông  tin  tuyển  dụng  trên  hệ  thống  Website vieclambackan.gov.vn; trên mạng xã hội Zalo, facebook. Tích cực phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh (đặc biệt là khu vực phía bắc như Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn...) tổ chức các phiên giao dịch việc làm online thu hút đông đảo người lao động và doanh nghiệp tham dự. Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, Báo Bắc Kạn  xây dựng các phóng sự, bài viết về công tác đào tạo nghề; đưa thông tin về các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động trong và ngoài tỉnh.
Trên 70% học sinh sau tốt nghiệp có việc làm mới hoặc thu nhập tăng thêm. Lao động nông thôn sau khi đào tạo đã biết vận dụng kiến thức, kỹ năng nghề vào lao động, sản xuất góp phần tăng năng suất lao động, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiện, hiện nay, công tác tuyển sinh, tốt nghiệp và giải quyết việc làm năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cũng gặp những khó khăn. Đối tượng tham gia học nghề ngày càng ít do người lao động sau khi tốt nghiệp trung học phần lớn đều có tâm lý muốn đi làm kiếm tiền để thoát khỏi sự phụ thuộc và quản lý của gia đình, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để có thu nhập cao hoặc do các Khu công nghiệp tuyển dụng lao động phổ thông không cần qua đào tạo nghề.
Mặc khác, điều kiện tuyển sinh vào các trường đại học khá dễ dàng, không hạn chế chỉ tiêu và thời gian tuyển sinh kéo dài nên gây khó khăn trong công tác tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp.
Để tuyển sinh được nhiều sinh viên tham gia học nghề, năm 2024, tỉnh Bắc  Kạn đề ra một số giải pháp sau:
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước về GDNN trong tình hình mới; đổi mới và  tăng cường công tác truyền thông về GDNN; tăng cường công tác hướng nghiệp, tư vấn về GDNN tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới; thực hiện tốt các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI (chỉ số đào tạo lao động).

Tăng cường liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng với các doanh nghiệp, phối hợp với các doanh nghiệp để tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng lao động sau đào tạo; triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên, đào tạo lại cho người lao động; tăng cường các hoạt động đào tạo nghề nghiệp cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và các nhóm yếu thế khác trong xã hội; hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên mãn hạn tù..

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương tăng mức chi hỗ trợ học nghề trình độ đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia được quy định tại điểm c, d, đ khoản 1 và điểm b, khoản 2, Điều 7 Thông tư số 152/2016/TT-BTC ngày 17/10/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng (mức chi hiện nay quá thấp so với điều kiện thực tế)./.
Minh Hằng