Xã hội
Bến Tre: Cơ bản đạt và vượt các mục tiêu giảm nghèo bền vững
02:26 PM 30/08/2020
(LĐXH) – Theo thống kê của các ngành và địa phương của tỉnh Bến Tre, thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra từ đầu mùa khô 2019 - 2020 đến nay trên địa bàn tỉnh này là rất lớn. Ước tính giá trị thiệt hại có thể cao hơn nhiều so với đợt xâm nhập mặn mùa khô 2015 - 2016, chỉ riêng ngành nông nghiệp đã thiệt hại trên 1.800 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bến Tre đã huy động được khoảng 9.233,163 tỷ đồng để triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Với tổng kinh phí huy động trên, kết quả đến cuối năm 2019 toàn tỉnh đã giảm được 28.890 hộ nghèo, cận nghèo chiếm tỷ lệ 52,8% so với đầu năm 2016 (năm 2016 số hộ nghèo, cận nghèo là 61.227 hộ). Dự kiến đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo toàn tỉnh giảm còn khoảng 4%. Riêng đối với các xã bãi ngang, ven biển (toàn tỉnh có 30 xã), đầu năm 2016 có 13.300 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,8%, trong đó xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là xã An Đức, huyện Ba Tri với tỷ lệ 36,01%, thấp nhất là xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam với tỷ lệ 11,02%. Đến cuối năm 2019, giảm còn 5.981 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,52%, trong đó xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là xã An Nhơn, huyện Thạnh Phú với tỷ lệ 2,5% và xã An Đức có tỷ lệ hộ nghèo từ 36,01% giảm xuống còn 15,55%.
Mô hình sản xuất cây giống giúp tạo thu nhập ổn định cho người dân huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre).
Bình quân mỗi năm (giai đoạn 2016-2020) tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm khoảng 1,622%, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (chỉ tiêu Nghị quyết giảm từ 1,5%/năm). Thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn các xã bãi ngang đã tăng từ 23 triệu đồng/người/năm lên 26 triệu đồng/người/năm. Hộ nghèo, cận nghèo cơ bản được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin và truyền thông,… Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn từng bước được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí xã nông thôn mới, đến nay có 01/30 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới và thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2016-2020.
Nhìn chung qua 05 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Bến Tre thực hiện cơ bản thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Mặc dù công tác giảm nghèo trong thời gian qua được các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương và người dân thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống nâng lên. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật sự mang tính bền vững, tỷ lệ hộ nghèo, hộ tái nghèo phát sinh bình quân hàng năm có giảm nhưng vẫn còn cao (trong 04 năm từ năm 2016-2019 tỷ lệ hộ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh khoảng 18,13%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo); công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của một số địa phương chưa được quan tâm thường xuyên, liên tục; công tác phối hợp giữa các ngành chưa đồng bộ; công tác tiếp cận, tư vấn, định hướng cho người nghèo và kết nối nguồn lực để giúp người nghèo phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đạt hiệu quả chưa cao; các địa phương chưa có nhiều mô hình hiệu quả để nhân rộng; trong thời gian qua, có nhiều chương trình, chính sách ưu đãi dành cho người nghèo từ đó dẫn đến còn một bộ phận người nghèo trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý chí vươn lên thoát nghèo,…
Do đó, giảm nghèo không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là cơ sở để giữ vững ổn định xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, để giảm nghèo nhanh và bền vững, công tác giảm nghèo phải được triển khai một cách toàn diện, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế chính sách giảm nghèo, đặc biệt là sự hợp tác, ý chí vươn lên của người nghèo, để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội. Bước sang giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục đặt ra mục tiêu kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân từ 1-1,5%/năm, theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2021-2025. Tiếp tục hỗ trợ đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến cuối năm 2025 tăng lên từ 1,5-2 lần so với năm 2020. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã bãi ngang, ven biển từng bước được đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới.
Trong thời gian tới, Bến Tre sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và nhất là người nghèo về các chính sách của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững để hiểu và đồng tình tham gia thực hiện. Tạo điều kiện cho người nghèo có ý thức vượt khó, chủ động phát huy nội lực, để vươn lên thoát nghèo bền vững, khắc phục tư tưởng trong chờ, ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước mà thiếu ý chí tự lực, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của Ban Chỉ đạo và cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo các cấp nhất là ở cơ sở. Các địa phương phải thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, vận dụng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất. Hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người nghèo, nghiên cứu nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy thế mạnh của từng địa phương và tính chủ động của người dân, cộng đồng tham gia công tác giảm nghèo. Triển khai đồng bộ các chính sách của Nhà nước hỗ trợ người nghèo, kết hợp với phát triển sản xuất, để tăng thu nhập.
Khánh Quyên

 

Từ khóa: