Đây là thông tin tại Diễn đàn “Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới” được tổ chức vào sáng 19/11. Diễn đàn hướng tới mục tiêu nâng cao vai trò và hiệu quả của các hoạt động truyền thông, thông tin và cảnh báo sớm, nhằm bảo đảm vận hành an toàn đập, hồ chứa nước tại Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.
Theo số liệu thống kê, cả nước với gần 8.000 đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi với tổng dung tích khoảng 68 tỷ m³ nước. Trong đó, có 7.315 đập, hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích 15 tỷ m3 với 4 hồ quan trọng đặc biệt gồm Cửa Đạt, Ngàn Trươi, Tả Trạch, Dầu Tiếng. Các hồ chứa thủy lợi có nhiều nhiệm vụ trọng yếu, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt kết hợp cắt, giảm lũ và phục vụ đa mục tiêu như cấp nước phát điện, tạo không gian phát triển điện mặt trời, nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch… Tuy nhiên, hệ thống hồ đập của Việt Nam hiện đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức: Mưa lũ bất thường, lũ quét do biến đổi khí hậu, nhiều công trình đã xuống cấp gây ra nguy cơ lớn về an toàn bởi hầu hết các hồ chứa thủy lợi được xây dựng trước năm 2000, khi thiết kế chưa đánh giá hết khả năng thoát lũ ở hạ du; tại nhiều khu vực, nhu cầu nước cho sản xuất lớn hơn khả năng đáp ứng của hồ chứa…
“Trong thời gian tới, ngành thủy lợi cần tăng cường thể chế, chính sách trong quản lý, đầu tư, bảo vệ công trình hồ chứa, đập dâng nhằm phát huy hiệu quả công trình và đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du; xây dựng và điều chỉnh quy trình vận hành, đặc biệt là đối với các hồ chứa, đập dâng vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tính toán quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành công trình, tích cực nghiên cứu cơ chế huy động đa dạng nguồn lực trong đầu tư, khai thác và bảo vệ công trình hồ chứa, đập thủy lợi”, ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết.
Theo ông Vũ Bá Thành, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Sông Thương chia sẻ, dù đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, nhưng kết cấu các công trình hồ đập từ khi xây dựng đã xuất hiện một số bất cập, hư hỏng, đặc biệt trong các đợt mưa lớn trên diện rộng, như cơn bão số 3 vừa qua. Do đó, cần tăng cường áp dụng công nghệ trong tính toán và điều tiết lũ. Điều này mang lại hiệu quả cao khi kết hợp cùng kinh nghiệm quản lý vận hành từ các đợt mưa lũ của những năm trước, để tính toán, xem xét việc xả lũ sao cho vừa đảm bảo an toàn công trình, vừa giảm thiệt hại cho hạ du.
Nhận định những khó khăn trong công tác quản lý và vận hành hồ chứa thủy lợi, ông Đỗ Văn Thành kiến nghị, ngành thủy lợi cần tăng cường thể chế, chính sách trong quản lý, đầu tư và bảo vệ công trình hồ chứa, đập dâng nhằm phát huy hiệu quả tối đa và bảo đảm an toàn cho công trình cũng như khu vực hạ du. Đồng thời, cần xây dựng và điều chỉnh quy trình vận hành, đặc biệt là với các hồ chứa, đập dâng vừa và nhỏ.
Về mặt pháp lý, các hồ chứa thủy lợi phải được vận hành theo quy trình vận hành được lập, phê duyệt, công bố công khai theo quy định nhưng hiện mới chỉ có 28% số hồ được lập quy trình vận hành. Việc vận hành theo quy trình vận hành hiện nay chủ yếu căn cứ vào các yếu tố thời tiết dự báo (dự báo mưa), do thiếu các thiết bị đo mưa trên lưu vực hồ chứa. Cùng với an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa được xác định là vấn đề quan trọng của quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, về quy trình vận hành hồ chứa thủy lợi, một số quy trình vận hành được phê duyệt đến nay đã hơn 10 năm chưa được rà soát, điều chỉnh, bổ sung. Các hồ chứa mà lòng hồ có hoạt động dân sinh, hạ du bị ngập thì việc vận hành theo quy trình vận hành gặp nhiều khó khăn.
Về vấn đề quan trắc khí tượng thuỷ văn chuyên dùng, giám sát vận hành hồ, đến nay có 17% số hồ đã được lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, thiết bị giám sát vận hành hồ chứa. Đây là các thiết bị hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, vận hành hồ theo quy trình vận hành được duyệt và theo diễn biến thực tế. Tuy nhiên, hiện nhiều hồ chứa lớn hiện chưa được lắp đặt đầy đủ thiết bị hoặc đã được lắp đặt nhưng bị hư hỏng. Với điều kiện mưa lũ cực đoan như hiện nay, các hồ chứa chưa được thiết kế với tần suất lũ theo thông lệ quốc tế sẽ có nguy cơ mất an toàn cao hơn khi có lũ lớn, vượt tần suất thiết kế, tần suất kiểm tra...
Lãnh đạo Cục Thủy lợi cho biết sẽ tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chính phủ xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách; thực hiện thể chế, chính sách về quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi; hiện đại hóa hệ thống quản lý vận hành hồ chứa thủy lợi; đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hồ chứa thủy lợi...
-
Thách thức từ xu hướng mới trong nền kinh tế số
19-11-2024 16:16 32
-
Biến đổi khí hậu khiến vận hành hồ chứa thủy lợi gặp nhiều thách thức
20-11-2024 09:10 01
-
Dulux Professional đánh dấu năm thứ 8 đồng hành và thúc đẩy phát triển bền vững cùng giải thưởng BĐS Việt Nam PropertyGuru
18-11-2024 22:41 33
- Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong, cốt lõi trong quá trình triển khai chuyển đổi kép
- Tổng cục Hải quan ban hành chỉ thị về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính trong khi thi hành công vụ
- Gian hàng của Liên minh châu Âu (EU) tại Triển lãm Vietnam Foodexpo 2024 trưng bày hơn 200 thực phẩm xuất sắc của EU
-
Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa
11-11-2024 11:03 32
-
Mua căn hộ Sun Group tại Hà Nam, hưởng 1.001 tiện ích đẳng cấp
10-11-2024 07:55 49
-
Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
08-11-2024 14:45 16