Kinh tế
Thách thức từ xu hướng mới trong nền kinh tế số
04:16 PM 19/11/2024
(LĐXH)- Công nghệ đang thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau, từ đó dẫn tới những xu hướng mới trong nền kinh tế số và định hình lại xã hội.
Ngày 19/11/2024 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển bền vững vùng (IRSD), thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) và Viện Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI), Singapore đồng tổ chức hội thảo “Từ công nghệ cho tăng trưởng tới công nghệ vì cộng đồng: Sẵn sàng tham gia hiệu quả vào kinh tế số”.
PGS, TS. Tạ Minh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàm lân Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh, kinh tế số hiện nay không còn là khái niệm xa lạ, mà đã trở thành một phần tất yếu của cuộc sống. Những năm gần đây, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain, thế giới đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ của nền kinh tế truyền thống sang kinh tế số.
Theo tính toán, nền kinh tế số đang chiếm khoảng 15% GDP toàn cầu; dự đoán đến năm 2030, tỷ lệ này sẽ là 30%. Tại Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt mục tiêu Việt Nam đạt tỷ trọng kinh tế số trong GDP là 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
PGS.TS. Tạ Minh Tuấn nhấn mạnh: “Sự phát triển của các công nghệ mới đã làm thay đổi nhanh và mạnh cách các doanh nghiệp vận hành, từ sản xuất, tiêu thụ đến dịch vụ. Người dân ngày càng tham gia tích cực hơn vào nền kinh tế số. Sự tiện lợi của thương mại điện tử, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số và những nền tảng công nghệ giải trí đã khiến cuộc sống của người tiêu dùng trở nên phong phú và thuận tiện hơn. Những hình thức làm việc từ xa, làm việc trên nền tảng số cũng mở ra cơ hội mới cho cả người lao động và nhà tuyển dụng”.
Hội thảo cũng khẳng định, bên cạnh những lợi ích rõ rệt, công nghệ cũng đặt ra những thách thức lớn, đó là sự gia tăng khoảng cách số, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhóm người yếu thế. Thêm vào đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng kéo theo những rủi ro về bảo mật thông tin và quyền riêng tư của người dùng, khi mà các cuộc tấn công mạng và lạm dụng dữ liệu cá nhân ngày càng gia tăng.
Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, công nghệ sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ vào quá trình phát triển xã hội. Cách thức vận hành của nền kinh tế số cũng ngày càng trở nên phức tạp và chuyên nghiệp hơn. Các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu lớn (big data) để phân tích nhu cầu của khách hàng, từ đó cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo giúp tự động hóa quy trình sản xuất và dịch vụ, tạo ra những sản phẩm và dịch vụ thông minh, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường.
Toàn cảnh Hội thảo
Ông Keith Detros - Quản lý chương trình tại Viện TFGI nhận định, công nghệ số và các mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ được kỳ vọng là công cụ để thúc đẩy tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á khi kinh tế số chiếm hơn 10% trong tổng cơ cấu GDP tại 4/6 quốc gia Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.
Để kinh tế số là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và công bằng, thì sự phối hợp chặt chẽ, chung tay giữa chính phủ, doanh nghiệp và các bên tham gia kinh tế số là vô cùng cần thiết trong các lĩnh vực đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh và chính sách, cũng như xây dựng xã hội số vững mạnh với hạ tầng số, kỹ năng số và nguồn nhân lực số chất lượng.
Do đó, các chính sách cần được xây dựng kịp thời, thống nhất, tránh chồng chéo để tiếp tục tạo môi trường khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp và tham gia vào nền kinh tế số, hướng đến mục tiêu phát triển cộng đồng doanh nghiệp số và giải quyết những thách thức mới của nền kinh tế số./.
Lê Hà
Từ khóa: