Lao động
Bình Dương giải ngân trên 1.449 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc
04:19 PM 22/05/2021
(LĐXH)- Thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đến nay, tỉnh Bình Dương đã tiếp nhận và giải ngân cho 13 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động với tổng số tiền là 1.449.680.000 tỷ đồng.
Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương, tính đến ngày 15/4/2021, tổng số tiền chi hỗ trợ cho các đối tượng là 87.444.431.500 đồng.
Trong đó, đối với các đối tượng là người lao động, doanh nghiệp đã triển khai hỗ trợ 179 lượt hộ kinh doanh (mức 1triệu/hộ/tháng) tương ứng với số tiền 182.000.000 đồng; chi trả cho 15.987 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm (lao động tự do) với tổng số tiền hỗ trợ là 15.661.200.000 đồng. Đã hỗ trợ 158 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hỗ trợ 160.000.000 đồng. Trường hợp người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương, có 07 doanh nghiệp đủ điều kiện với tồng số 640 lao động được hỗ trợ (1.800.000 đồng/người/tháng) với kinh phí 1.182.600.000 đồng. Riêng chính sách hỗ trợ người sử dụng vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động chưa phát sinh hồ sơ đề nghị.

UBND thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) thăm hỏi, động viên người lao động tại một khu nhà trọ

Đối với các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo đã hoàn thành hỗ trợ cho 44.871 đối tượng, với tổng số tiền là 52.951.851.500 đồng. Cụ thể, đã hỗ trợ cho 8.652 người thuộc hộ nghèo, số tiền là 6.489.000.000 đồng; 10.077 người thuộc hộ cận nghèo, số tiền 7.556.251.500 đồng; 26.142 đối tượng bảo trợ xã hội, số tiền là 38.906.600.000 đồng. Ngoài ra, tỉnh còn tiến hành hỗ trợ 6.839 người bán vé số lẻ, số tiền là 6.155.100.000 đồng.
Đối với đối tượng người có công, tỉnh hỗ trợ cho 6.119 đối tượng với tổng kinh phí thực hiện là 9.168.500.000 đồng (đã hoàn tất việc chi trả đến tay đối tượng). Đồng thời, phê duyệt kinh phí hỗ trợ cho 356 người là vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc lấy vợ khác gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tổng kinh phí là 533.500.000 đồng.
Về tình hình chi hỗ trợ sau khi có Nghị quyết 154 của Chính phủ (bổ sung, mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng): Đối với chính sách hỗ trợ người sử dụng vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động, đã tiếp nhận và giải ngân cho vay vốn của 13 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc cho người lao động với tổng số tiền là 1.449.680.000 tỷ đồng. Đối với chính sách hỗ trợ người lao động làm việc theo hợp đồng tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên không có doanh thu hoặc không còn nguồn tài chính để trả lương, đến nay hưa phát sinh hồ sơ đề nghị hỗ trợ.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong quá trình triển khai thực hiện, địa phương còn gặp phải những khó khăn, vướng mắc như: một số đối tượng thuộc nhiều nhóm hỗ trợ (vừa là người bán vé số lẻ, vừa là hộ nghèo, vừa là đối tượng bảo trợ xã hội, người có công). Vì vậy phải thực hiện việc rà soát tránh trùng lắp, chi sai đối tượng. Do đó làm ảnh hưởng đến tiến độ hỗ trợ.

Gần 16.000 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm ở Bình Dương được hỗ trợ từ gói 62 nghìn tỷ đồng

Đối với người lao động tự do, lao động bị mất việc làm đang tạm trú trên địa bàn tỉnh phải có xác nhận của địa phương nơi cư trú mới đủ thủ tục để đề nghị hỗ trợ, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Đối với hộ kinh doanh cá thể thì có rất nhiều, nhưng phần lớn không có đăng ký kinh doanh hoặc có đăng ký kinh doanh nhưng không đóng thuế nên không đủ điều kiện để  đề nghị hỗ trợ theo quy định.
Dịch, bệnh Covid-19 ảnh hưởng rất nhiều đến doanh nghiệp. Với số lượng đơn hàng ít, hàng hóa không xuất khẩu được nên phần lớn các doanh nghiệp thu gọn sản xuất, sắp xếp lại lao động dẫn đến chỉ giảm doanh thu chứ không hoàn toàn mất nguồn doanh thu. Do đó rất khó để chứng minh doanh nghiệp không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính để trả lương cho người lao động để người lao động được hưởng hỗ trợ của Chính phủ theo quy định. Điều đó dẫn đến việc người lao động mặc dù bị ngưng việc, bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng trên thực tế không đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bình Dương chưa ghi nhận ý kiến thắc mắc nào hoặc đơn đề nghị tự nguyện không nhận hỗ trợ từ các đối tượng được hưởng chính sách này.

Chí Tâm

Từ khóa: