Giáo dục - Nghề nghiệp
Bình Dương phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025
05:42 PM 30/06/2021
(LĐXH)-Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Dương tiếp tục phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Bình Dương thực hiện sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và số lượng tuyển sinh để tinh giản lại còn khoảng 95 cơ sở GDNN, trong đó có 08 trường cao đẳng, 07 trường trung cấp, 17 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 62 cơ sở khác có tham gia hoạt động GDNN đào tạo các cấp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 03 tháng. Trong đó, phát triển 03 trường chất lượng cao đào tạo các ngành nghề đạt chuẩn quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế. Cố gắng phát triển mạng lưới cơ sở GDNN đủ năng lực đào tạo bình quân khoảng 39.000 học viên/năm (trình độ cao đẳng và trung cấp chiếm khoảng 20%, sơ cấp và dưới 3 tháng khoảng 80%), trong đó có khoảng 75% cơ sở tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài.
Lớp học tại trường Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương
Đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, tỉnh phấn đấu có 100% đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở GDNN đạt chuẩn trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm. Trong đó, tỷ lệ giáo viên các trường trung cấp có trình độ sau đại học đạt 25%, tỉ lệ giảng viên các trường cao đẳng có trình độ sau đại học đạt 35%. Bên cạnh đó có 100% nhà giáo trong trường chất lượng cao dạy các ngành nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN được bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn đạt chuẩn quốc tế, có đủ năng lực để đào tạo chương trình chuyển giao từ nước ngoài; bồi dưỡng ngoại ngữ để tiếp cận trình độ quốc tế cho các nhà giáo. Cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý và trình độ chính trị.
Về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, đối với các trường cao đẳng, tiếp tục đầu tư đồng bộ để hiện đại hóa cơ sở vật chất và thiết bị đào tạo cho các ngành, nghề trọng điểm, trường chất lượng cao để tiếp cận với các nước ASEAN; các cơ sở đào tạo đặc thù, chú trọng đầu tư nâng cấp 02 trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore và Cao đẳng Việt Nam - Hàn Quốc Bình Dương.
Đối với các trường trung cấp và các cơ sở GDNN khác, tiếp tục quan tâm tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và danh mục thiết bị đào tạo nghề tối thiểu cho các nghề theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bằng nhiều nguồn lực như: Ngân sách địa phương; hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; huy động các nguồn lực từ doanh nghiệp và xã hội; từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị của các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.
Với mục tiêu nêu trên, tỉnh Bình Dương đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 như sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở GDNN xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp; kiểm tra việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính, tổ chức và nhân sự đối với các cơ sở GDNN theo quy định của pháp luật.
Xây dựng và ban hành các danh mục ngành nghề trọng điểm của Tỉnh trong từng giai đoạn cho phù hợp với thực tế địa phương để các trường làm cơ sở đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề để tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục nghề nghiệp đối với toàn xã hội. Chú trọng đổi mới công tác tuyển sinh, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong điều kiện mới. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025 của tỉnh Bình Dương.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chế độ hỗ trợ, nghiên cứu ban hành các chính sách ưu đãi cho các cơ sở GDNN và người học nghề. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở GDNN để đào tạo mới, đào tạo lại cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động đào tạo nghề.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, kiểm tra việc thực hiện chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo và chức danh lãnh đạo quản lý giáo dục nghề nghiệp; hướng dẫn, chỉ đạo việc quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo quy định.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại các cơ sở GDNN, định hướng các ngành nghề đào tạo cho từng trường để tập trung nâng cấp, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; đa dạng hóa các loại hình đào tạo; đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp.
Với những giải pháp đề ra, hy vọng rằng, đến năm 2025, tỉ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh Bình Dương sẽ đạt 85%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 35%, hằng năm giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 35.000 lao động. Đến năm 2030, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 87,5%, trong đó có văn bằng, chứng chỉ là 37,5%, hằng năm giải quyết việc làm tăng thêm khoảng 40.000 lao động./.
Mỹ Hạnh
 
 
Từ khóa: