Bộ LĐTB&XH đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng CNTT
(LĐXH)- Công tác cải cách hành chính, ứng dụng CNTT ở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có nhiều tiến bộ, được Chính phủ đánh giá cao.
Chiều 22/3 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Trưởng Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC), ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) và Chính phủ điện tử Bộ đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo về công tác CCHC và ứng dụng CNTT của Bộ. Tham dự cuộc họp còn có các Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Lê Tấn Dũng và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì cuộc họp
Tại đây, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đánh giá cao công tác CCHC và ứng dụng CNTT của Bộ trong thời gian qua, cụ thể như trong lĩnh vực cấp phép lao động đi nước ngoài, quản lý lao động ngoài nước… đã được Chính phủ đánh giá cao. Công tác này ở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có nhiều tiến bộ, nhất là đã kiểm soát các thủ tục hành chính, xử lý văn bản hành chính quyết liệt hơn, tạo sự đổi mới một cách tổng thể, công việc của Bộ được diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, chính xác hơn và được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ. Điều này đã góp phần đáng kể vào thành tích chung của Bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, Bộ trưởng của chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong CCHC và ứng dụng CNTT của Bộ. Đó là nhìn chung công tác ứng dụng CNTT chưa thực sự hiệu quả, số lượng dịch vụ công trực tuyến còn ít. Việc CCHC còn chậm trễ, phân cấp chưa tốt, chưa thực sự tạo chuyển biến trong đội ngũ cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị thời gian tới, công tác ứng dụng CNTT của Bộ cần bám sát vào kế hoạch của lãnh đạo Bộ để triển khai. Bộ trưởng lưu ý các đơn vị tập trung xử lý điều hành trên mạng điện tử; các cán bộ, chuyên viên phải được quán triệt sâu sắc; các văn bản điều hành phải được cập nhật thường xuyên tới lãnh đạo các đơn vị.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch tập trung hiện đại hóa CNTT; triển khai dịch vụ công trực tuyến trong các lĩnh vực như giáo dục nghề nghiệp, bảo trợ xã hội, an toàn lao động… Về CCHC, Bộ trưởng lưu ý cần tập trung cải cách thể chế, thủ tục hành chính, bộ máy hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ; cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Bộ trưởng yêu cầu các đơn bị phải cắt bỏ tối thiểu 1/3 thủ tục hành chính so với hiện nay.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, CCHC được lãnh đạo Bộ xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên chỉ đạo, điều hành bám sát chủ trương, định hướng, nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ. Kế hoạch CCHC theo giai đoạn, từng năm và trên từng lĩnh vực được xây dựng, ban hành, chỉ đạo tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Hàng năm, tuy khối lượng văn bản được giao xây dựng lớn, nhưng Bộ đã hoàn thành tốt. Hai năm liên tục hoàn thành 100% đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo về tiến độ và chất lượng. Nhiều chính sách ban hành đã đi vào cuộc sống, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao như lĩnh vực người có công, bảo trợ xã hội, BHXH, lao động tiền lương.
Lãnh đạo các đơn vị phát biểu tại cuộc họp
Từ đầu năm 2018 đến nay, công tác CCHC của Bộ đã tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như: Ban hành Kế hoạch CCHC năm 2018 chung của Bộ và các kế hoạch, chương trình công tác năm như Chương trình xây dựng văn bản năm 2018 của Bộ; Kế hoạch công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Kế hoạch thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật của ngành; Kế hoạch thanh tra; Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, đề xuất bãi bỏ 54 thủ tục hành chính; đề xuất rà soát, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh 43 thủ tục hành chính…
Đối với lĩnh vực ứng dụng CNTT, mục tiêu trong năm 2018 của Bộ là: Xây dựng và triển khai thêm ít nhất 70 – 80 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 100% các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ xử lý được hồ sơ công việc trên môi trường mạng, sử dụng hệ điều hành tác nghiệp trong công việc; 90% công tác chỉ đạo điều hành của các các lãnh đạo, các văn bản, tài liệu chính thức được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử, 75% văn bản tại các đơn vị được sử dụng dưới dạng điện tử; 100% các tỉnh, thành phố khai thác vận hành hệ thống thông tin quản lý MIS POSASoft…
Đến năm 2020, ứng dụng CNTT trên tất cả các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, từ Trung ương đến địa phương; phấn đấu cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực lao động, người có công và xã hội, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp. Cũng đến năm 2020, một bộ phận lớn các đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành có thể tiếp cận các ứng dụng CNTT thuận tiện, với chi phí hợp lý./.
Nguyễn Thìn
Từ khóa:
-
Nhân viên dùng hết thưởng Tết mua 10kg vàng
11-01-2025 14:45 05
-
Kinh tế biến động, người tiêu dùng toàn cầu 'liệu cơm gắp mắm' thế nào?
11-01-2025 08:32 02
-
35 người được xác minh tài sản, thu nhập năm 2025 tại 10 đơn vị thuộc Bộ
10-01-2025 14:39 21
-
Top điểm đến ở Việt Nam 'gây mê' du khách nước ngoài
08-01-2025 11:46 00
-
Sáng 8/1: Ghi nhận 515 dư chấn sau trận động đất ở Tây Tạng
08-01-2025 11:45 19
-
Động đất, nam sinh dũng cảm quay lại lớp cõng bạn chạy trốn
08-01-2025 11:45 16
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46