Thời sự
Việt Nam đạt nhiều tiến bộ trong nghiên cứu, sản xuất vaccine thú y
02:55 PM 07/01/2025
(LĐXH) - Tại Diễn đàn Ứng dụng tiến bộ mới trong lĩnh vực vaccine thú y tại Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh sự cần thiết phải sản xuất vaccine thú y trong nước để đối phó với tình trạng dịch bệnh gia tăng trên động vật tại Việt Nam.
Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP-WHO
Ông Lê Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý thuốc thú y (Cục Thú y) thông tin, hiện nay, Việt Nam có 92 cơ sở sản xuất thuốc thú y đạt GMP-WHO, trong đó 12 cơ sở sản xuất vaccine thú y; mức đầu tư khoảng 30-40 triệu USD/nhà máy (VAKSINDO, HANVET, NAVETCO, DABACO…). Các phòng thí nghiệm của Cục Thú y đạt an toàn sinh học cấp độ II trở lên, trong đó có 2 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III; tổng ngành thú y có 7 phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp III.

Cán bộ thú y tiêm phòng dại cho đàn chó nuôi của người dân

Về tình hình cung ứng vaccine và giám sát chất lượng vaccine thú y, hiện tại cả nước có 12 doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất vaccine cho động vật đạt tiêu chuẩn GMP-WHO với tổng số 218 loại vaccine và 340 loại vaccine nhập khẩu đã đáp ứng được nhu cầu phòng các bệnh trên gia súc, gia cầm trong nước. Riêng vaccine dịch tả lợn Châu Phi, đến nay các doanh nghiệp đã sản xuất và cung ứng ra thị trường 5,9 triệu liều.
Là một trong hai doanh nghiệp đầu tiên nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Điệp, Tổng Giám đốc Công ty CP AVAC Việt Nam cho biết, đến nay, công ty đã cung ứng hơn 3 triệu liều ra thị trường, nội địa hơn 2,5 triệu liều, xuất khẩu sang Philippines 460.000 liều và Nigieria 5.000 liều... Sử dụng với giám sát chặt chẽ tại trên 21 tỉnh từ tháng 7/2023 - 6/2024. Tất cả lợn tiêm vaccine đều khỏe mạnh, chưa có cơ sở nào bị nổ ra dịch. Lợn tiêm vaccine khỏe mạnh, vùng/cơ sở tiêm phòng được bảo hộ cao. Tuy nhiên, từ thực tế triển khai tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi ở thực địa, ông Điệp cũng chỉ ra một số khó khăn tồn tại như người chăn nuôi do dự với vaccine mới; còn những vaccine kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; các loại vaccine ASF hiện nay mới chỉ dùng cho lợn thịt.
Từ thực tế đó, ông Điệp đề xuất giải pháp cho thương mại hóa vaccine, đăng ký bổ sung đối tượng sử dụng là lợn sinh sản, hợp tác với các tổ chức quốc tế để đánh giá độc lập và công bố quốc tế cũng như các cơ quan, tổ chức để phổ biến và cung ứng vaccine.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của vaccine thú y trong phòng chống dịch bệnh động vật, ông Đặng Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, là tỉnh có tổng đàn gia súc gia cầm lớn (đàn lợn khoảng 1,3 triệu con, gia cầm 26 triệu con, đàn trâu, bò khoảng 423 triệu con), Thanh Hóa luôn đi đầu trong công tác kiểm dịch, triển khai tiêm phòng cho cả hộ trang trại và hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dưới sự quản lý và giám sát chặt chẽ của cán bộ thú y. Đồng thời, chủ động dự trữ nguồn vaccine và triển khai phòng ngừa nhanh chóng để ngăn dịch bệnh bùng phát trên diện rộng. Nhờ đó, Thanh Hóa hiện nay cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh. "Thời gian tới, tôi mong các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Bộ NN&PTNT, các sở, ban, ngành và địa phương để cải tiến chất lượng vaccine và đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế. Từ đó, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời giảm chi phí sản xuất cho bà con nông dân”, ông Hiệp đề xuất.
Sử dụng vaccine là biện pháp quan trọng và cần thiết để kiểm soát dịch bệnh
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, dù đã đạt nhiều kết quả nhưng công tác phòng chống dịch bệnh động vật vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2024, xuất hiện 16 ổ dịch cúm gia cầm, giảm 30% so với năm trước. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng vẫn gặp nhiều khó khăn và chưa đạt yêu cầu.
Về bệnh dại, Việt Nam ghi nhận 887 ca tử vong do bệnh dại trong vòng 10 năm qua, riêng ba tháng đầu năm nay có 27 người chết vì dại, 100.000 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Chỉ tính riêng năm 2023, tổn thất kinh tế do bệnh dại gây ra đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc quản lý đàn chó chưa tốt và việc kiểm soát bệnh dại còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại hiện nay mới chỉ đạt 60%. Bệnh viêm da nổi cục trên gia súc chưa đáp ứng đủ yêu cầu tiêm phòng, chỉ đạt 47% từ đầu năm đến nay. Trong khi đó, bệnh tai xanh ở lợn đã được kiểm soát trong nhiều năm qua, nhưng số lượng vaccine (34 triệu liều) vẫn còn hạn chế, gây lo ngại cho công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn.
Từ thực tế đó, ông Long nhấn mạnh sự cần thiết phải sản xuất vaccine thú y trong nước để đối phó với tình trạng dịch bệnh gia tăng trên động vật tại Việt Nam. Dịch bệnh trên các loài gia súc, gia cầm và động vật hoang dã đang ngày càng gia tăng, mặc dù hiện nay dịch tả lợn Châu Phi và dịch bệnh trên trâu bò cơ bản được kiểm soát. Việt Nam có đường biên giới dài và hoạt động trao đổi thương mại, đi lại giữa các quốc gia ngày càng gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh mới, bao gồm cúm gia cầm chủng mới, dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục, lây lan nhanh chóng.
Theo Cục trưởng Cục Thú y, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ vaccine trên thế giới tạo ra cơ hội cho Việt Nam học hỏi và hợp tác, đồng thời khuyến nghị các chi cục chăn nuôi, thú y, thủy sản và các doanh nghiệp liên quan cần hợp tác chặt chẽ trong công tác kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng kỳ vọng trong thời gian tới, với những thành tựu và dấu ấn đã được thế giới ghi nhận, Việt Nam có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển và sáng tạo ra các loại vaccine mới, đáp ứng nhu cầu bảo vệ sức khỏe vật nuôi và người tiêu dùng. Với xu hướng xã hội hóa nguồn lực cùng sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp, ngành thú y và chăn nuôi Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để áp dụng những công nghệ tiên tiến, phát triển các loại vaccine hiện đại./.
Vân Anh
Từ khóa: