Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bắc Kạn cần đặc biệt quan tâm 2 Chương trình mục tiêu quốc gia
(LĐXH)- Bộ trưởng nhấn mạnh, Bắc Kạn trước hết cần đặc biệt quan tâm tới 2 Chương trình mục tiêu quốc gia, chú ý đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là khu vực khó khăn.
Ngày 28/3/2018, đoàn công tác của Bộ LĐTB&XH do đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng dẫn đầu, cùng lãnh đạo các đơn vị cùa Bộ, đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn để nắm tình hình về phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, kết quả thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh, cũng như giải quyết những vấn đề còn vướng mắc.
Tham gia hội nghị phía tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Nguyễn Văn Du, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Lý Thái Hải – Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Hoàng Duy Chinh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Phạm Duy Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Bắc Kạn cần xử lý dứt điểm hồ sơ NCC tồn đọng
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của Bắc Kạn về phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua, trong đó có thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội; đồng thời chỉ rõ công tác an sinh xã hội, văn hóa đời sống đã được địa phương quan tâm, thể hiện sự đùm bọc, giúp đỡ người dân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Nguyễn Văn Du chủ trì hội nghị
Bộ trưởng nhấn mạnh, Bắc Kạn trước hết cần đặc biệt quan tâm tới 2 Chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, ngoài hạ tầng cơ sở cần đặc biệt quan tâm tới sinh kế của người dân để bà có có nghề, làm sao sống vì rừng, làm giàu từ đây. Bên cạnh đó, đặc biệt chú ý đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là khu vực khó khăn; quan tâm đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn. Bộ trưởng đề nghị không để tình trạng có tiền mà không giải ngân được trong các chương trình này và lưu ý cần quản lý tốt, hiệu quả nguồn vốn.
Về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng đánh giá tỉnh đã chủ động bàn giao với Bộ Giáo dục – đào tạo, quy hoạch mạng lưới GDNN; đồng thời ủng hộ tỉnh theo hướng các trường hoạt động không hiệu quả thì tổ chức lại. Theo đó, Bắc Kạn chỉ cần quy hoạch 1 trường cao đẳng nghề sao cho hiệu quả. Các trung tâm trong huyện cũng cần được giao nhiệm vụ cụ thể, nghiệm thu theo sản phẩm đầu ra. Bộ và tỉnh sẽ tập trung đầu tư hiệu quả lĩnh vực này.
Đối với lĩnh vực người có công, Bộ trưởng hoan nghênh tỉnh đã tập trung xử lý cơ bản, dứt điểm các trường hợp tồn đọng như kết luận thanh tra như vừa qua. Về những vấn đề còn vướng mắc, Bộ sẽ có báo cáo Chính phủ nếu vượt thẩm quyền, song theo tinh thần ủng hộ đề xuất của địa phương. Trong số hơn 1.000 trường hợp bị ảnh hưởng chất độc hóa học chưa được hưởng chế độ, chính sách tại địa phương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị cần phân loại và giải quyết theo đúng chính sách, còn những trường hợp cá biệt thì xử lý theo tình huống (theo Quyết định 408), cố gắng trong năm 2018 hoặc chậm nhất đến giữa năm 2019 phải giải quyết dứt điểm các trường hợp tồn đọng này, nhưng không để trục lợi chính sách. Về các trường hợp khác liên quan đến hồ sơ, thủ tục, Bộ trưởng giao Cục Người có công hướng dẫn, xử lý.
Đối với những kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng đề nghị các Cục, Vụ của Bộ tiếp thu đầy đủ, đánh giá và giải quyết, báo cáo Bộ trưởng; đồng thời đề nghị nếu có vướng mắc, địa phương cần chủ động đề xuất. Bộ trưởng cũng đồng ý hỗ trợ ngân sách để tỉnh xây dựng các hạng mục còn thiếu của Nghĩa trang liệt sĩ Phủ Thông.
Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng báo cáo tại hội nghị
Công tác lao động, người có công và xã hội đạt nhiều kết quả tích cực
Tại hội nghị, báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng cho biết: Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với tốc độ gần 6% năm. Tính đến hết năm 2017, khu vực công, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 34,22%; khu vực công nghiệp – xâ dựng chiếm 12,88%; khu vực dịch vụ chiếm 50,32% trong cơ cấu nền kinh tế.
Về lĩnh vực lao động việc làm, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho khoảng 193.000 lao động, trung bình mỗi năm tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động. Cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần lao động trong các ngành công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ; giảm lao động trong ngành nông, lâm nghiệp. Năm 2011, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giữ ở mức 3,26%; năm 2012, ở mức 3,24%; năm 2013, ở mức 3,22%; năm 2014, ở mức 3,26 %; năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp giữ ổn định ở mức 3,24%; năm 2016 ở mức 3,23%, năm 2017, ở mức 2,67%. Tỷ lệ sử dụng thời gian lao động khu vực nông thôn năm 2011 ở mức 82,36 %, năm 2017 ở mức 84,5%.
Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: Trong giai đoạn 2012 - 2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển mới và đào tạo được trên 18.000 người, trong đó, tỉnh được hỗ trợ đào tạo nghề cho 15.036 lao động nông thôn (đạt 83,5% kế hoạch). Có 12.231 người có việc làm sau học nghề, đạt 81,3%. Số lao động nông thôn được đào tạo nghề chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc gia đình chính sách có công với cách mạng; người khuyết tật được đào tạo là 172 người (chiếm tỷ lệ 1,14%); số lao động là nữ được đào tạo là 7.886 người (chiếm tỷ lệ 52,4%); số lao động trong độ tuổi thanh niên là 6.778 người (chiếm tỷ lệ 45,07%). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề của tỉnh hiện nay là 35%.
Lĩnh vực người có công: Hiện nay, tổng số hồ sơ đối tượng người có công đang quản lý là 30.070 hồ sơ, trong đó chi trả trợ cấp hàng tháng cho 3.504 đối tượng; trợ cấp 01 lần cho 2.937 đối tượng, với tổng kinh phí trợ cấp hằng năm hơn 80 tỷ đồng. Trong năm 2017 đã thực hiện tiếp nhận, thẩm định 1.507 hồ sơ. Quý I năm 2018, tiếp nhận, thẩm định 225 hồ sơ người có công để giải quyết chế độ, chính sách.
Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tham gia đóng góp ý kiến
Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Trong các hoạt động tại Đại lễ, đã tổ chức gặp mặt và tặng quà cho 200 thân nhân và đại diện gia đình liệt sĩ, mỗi suất quà 300.000 đồng. Sửa chữa, nâng cấp 23 công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn tỉnh, xây mới, tu sửa, nâng cấp 28 công trình ghi công liệt sĩ đã xuống cấp, hư hỏng. Tổ chức tiếp nhận 03 hài cốt liệt sĩ về án táng tại nghĩa trang địa phương và khảo sát tìm kiếm hài cốt liệt sĩ 02 đợt (không tìm thấy hài cốt). Tổ chức điều tra, rà soát số lượng nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh.
Hoạt động đền ơn đáp nghĩa được tổ chức sâu rộng tại các địa phương, đến nay, có 97% số hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú. Tổ chức vận động ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa năm 2017 được trên 93 triệu đồng.
Công tác giảm nghèo luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017, toàn tỉnh hiện còn 19.379 hộ nghèo/78.987 hộ, chiếm tỷ lệ 24,53%, giảm 2,08% so với năm 2016; số hộ cận nghèo còn 9.658/78.987 hộ chiếm tỷ lệ 12,23%, giảm 0,7% so với năm 2016. Tỉnh tiếp tục thực hiện việc hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2017, đã thực hiện hỗ trợ 237 nhà ở có nhu cầu vay vốn, thực hiện giải ngân 100% vốn vay tín dụng.
Bên cạnh đó, chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn được quan tâm thực hiện tốt. Ngành chức năng đã giải quyết chế độ cho 8.942 đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình được hưởng trợ cấp với tổng số kinh phí 38.074.984.860, đồng. Hằng năm, tỉnh thực hiện tốt công tác trợ giúp cứu đói nhân dịp tết Nguyên đán, giáp hạt, hỗ trợ đột xuất cho nhân dân. Tổ chức triển khai rà soát thẻ bảo hiểm y tế và cấp cho các đối tượng thuộc hộ nghèo (năm 2016 đã cấp 64.562 thẻ, năm 2017 cấp 58.975 thẻ, năm 2018 là 196.997 thẻ). Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, thanh tra, an toàn lao động... luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Du phát biểu cảm ơn Bộ trưởng, đoàn công tác và đưa ra một số kiến nghị với Bộ trưởng
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy cho rằng: Hiện nay còn một số chính sách còn đang vướng mắc trong quá trình thực hiện. Trong đó, có chính sách về giảm nghèo, về triển khai các chương trình giảm nghèo còn chồng chéo, cần thu hẹp đầu mối để triển khai cho đồng bộ, các nguồn lực tập trung hơn. Mong muốn Bộ quan tâm xem xét sớm ban hành văn bản hướng dẫn xác nhận quân nhân tham gia kháng chiến tại vùng bị Mỹ sử dụng chất độc hóa học không còn các giấy tờ gốc. Tổ chức tổng kết việc thực hiện chi trả trợ cấp người có công qua hệ thống Bưu điện để thống nhất việc thực hiện trong phạm vi toàn quốc.
Trong thời gian tới, Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh và các ngành chức năng thực hiện những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng. Tỉnh Bắc Kạn cũng mong muốn Bộ trưởng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ tỉnh, để công tác lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả cao. Cảm ơn Bộ đã quan tâm Đảng bộ tỉnh và nhân dân sẽ tập trung đoàn kết để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Dịp này, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam đã ủng hộ Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh Bắc Kạn 100 triệu đồng./.
Nguyễn Thìn
Từ khóa:
-
Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”: Tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
16-11-2024 12:05 10
-
Chiến thắng Bình Giã- mốc son lịch sử
16-11-2024 05:44 51
-
Các nhà lãnh đạo trẻ khát vọng xây dựng một ASEAN kết nối và sáng tạo hơn
16-11-2024 05:44 41
-
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
05-11-2024 14:56 51
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần tập trung vào Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao
04-11-2024 20:35 46
-
Phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng (Bài 2)
16-10-2024 15:40 32