Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việc làm là một lĩnh vực đặc biệt của mỗi quốc gia
(LĐXH)- “Việc làm không chỉ là một lĩnh vực đặc biệt của ngành Lao động - TBXH, mà còn là của cả đất nước. Đây cũng là lĩnh vực đặc biệt quan trọng của nhiều quốc gia” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Ngày 27/5, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Cục Việc làm về tình hình thực hiện công tác lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và xây dựng thể chế đối với lĩnh vực liên quan...
Cùng dự có các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Văn Hồi và lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình, cho biết: Về công tác xây dựng ban hành văn bản, Cục Việc làm đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền ký ban hành 03 Nghị định, 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Thông tư. Tham gia với các cơ quan, đơn vị trình các cấp có thẩm quyền ban hành: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP); Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (ngày 19/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg); Nghị định số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình sử việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Tham gia xây dựng Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động. Chủ trì tham mưu cho Ban cán sự Đảng của Bộ trong Tổng kết Chỉ thị 40 của Ban bí thư về Lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam…
Tính đến ngày 31/10/2020, tổng nguồn vốn vay hỗ trợ tạo việc làm qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi là 29.881 tỷ đồng. Nhờ đó đã hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, lao động nữ và các nhóm đối tượng yếu thế như lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các yếu tố của thị trường lao động Việt Nam tiếp tục được tạo lập đồng bộ; khuôn khổ luật pháp, thể chế, chính sách thị trường lao động từng bước được hoàn thiện; các chỉ tiêu về chất lượng cung lao động, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên.
Tính đến hết năm 2020, cả nước có 13.270.252 người tham gia BHTN với tổng số thu là 18.056 tỷ đồng. 5 tháng đầu năm 2021, có 304.944 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và đã có 267.282 người có Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; các Trung tâm Dịch vụ việc làm cả nước đã tư vấn, giới thiệu việc làm 713.827 lao động, trong đó có 64.816 người được giới thiệu việc làm, 8.637 người được hỗ trợ học nghề.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến, trao đổi về những kiến nghị, đề xuất của Cục Việc làm như: xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động – việc làm đồng bộ, liên thông, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia khác; số hóa toàn diện lĩnh vực lao động - việc làm và hoạt động thị trường lao động; đề án phát triển năng lực dự báo cung – cầu lao động; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện BHTN và đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp trục lợi Quỹ BHTN…
Dự báo tốt thông tin cung – cầu lao động
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Việc làm không chỉ là một lĩnh vực đặc biệt của ngành Lao động - TBXH, mà còn của cả đất nước. Đây cũng là lĩnh vực đặc biệt quan trọng của nhiều quốc gia.
“Sự phối hợp giữa Cục Việc làm với các đơn vị liên quan có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế như, chưa tham mưu cho lãnh đạo Bộ tháo gỡ khó khăn về vấn đề việc làm và lao động, còn nhiều bất cập trong quản lý lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc; vấn đề đào tạo, đào tạo lại cho người lao động, lao động nông thôn chuyển dịch ra đô thị, lao động không có bằng cấp, chứng chỉ còn chậm hơn so với chuyển dịch kinh tế” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lưu ý.
Định hướng nhiệm vụ công tác trong năm 2021, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Cục Việc làm cần quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước mắt, tập trung và phối hợp với các đơn vị của Bộ tham gia xây dựng Chương trình hành động của Ngành trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII làm sao cho thật sự thiết thực và hiệu quả. Trong đó, lưu ý vấn đề tạo môi trường và động lực để phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất và hiệu quả. Đồng thời, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội của người nghèo, người yếu thế, người lao động ở khu vực không có quan hệ lao động theo tinh thần của Bộ luật Lao động, gắn với đó là BHTN, để BHTN thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.
Trần Thắng
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48