Thời sự
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông báo lý do dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
10:07 AM 23/11/2016
Tại cuộc họp báo Chính phủ chuyên đề chiều 22/11 về việc dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết lý do dừng Dự án được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.
Trước đó không lâu, trong chiều cùng ngày (22/11), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (Dự án). Theo Quy chế làm việc của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành hữu quan tổ chức cuộc họp báo này để thông báo lý do dừng thực hiện Dự án.
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 41/2009/QH12 ngày 25/11/2009. Dự án gồm 2 nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; công suất lắp đặt mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận. Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án một cách thận trọng, chắc chắn, và đúng quy định của pháp luật.
Việc dừng thực hiện Dự án được xem xét, cân nhắc rất kỹ lưỡng trên cơ sở điều kiện kinh tế của Việt Nam hiện nay.
Cụ thể, tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay có nhiều thay đổi so với năm 2009, thời điểm quyết định chủ trương đầu tư Dự án; dư địa về tiết kiệm điện còn nhiều, khả năng liên kết lưới điện khu vực để trao đổi mua bán điện với các nước láng giềng, như Cộng hòa DCND Lào, Trung Quốc... dự kiến sẽ tăng cường trong thời gian tới và đặc biệt là tiềm năng sử dụng các dạng năng lượng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành sản xuất điện từ các dạng năng lượng này đã giảm đáng kể trong giai đoạn 5 năm qua. Mặt khác, trong thời điểm hiện tại, Việt Nam đang cần nguồn vốn lớn để đầu tư phát triển các dự án cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại có mức độ ưu tiên như Sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc-Nam, đường sắt cao tốc Bắc-Nam, tuyến đường ven biển và một số dự án ứng phó biến đổi khí hậu, v.v… theo Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết Quốc hội.
Vì vậy, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ, Quốc hội đã vừa thông qua Nghị quyết dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận.  
Người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh, việc dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không phải vì lý do công nghệ không an toàn, mà lý do chính là do tình hình kinh tế cụ thể của Việt Nam như đã nêu. Việt Nam khẳng định, công nghệ hạt nhân của Liên bang Nga và Nhật Bản dự kiến sử dụng cho các dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đều là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay và có mức độ an toàn rất cao nên hoàn toàn yên tâm với công nghệ trang bị của Liên bang Nga, Nhật Bản.
"Có thể nói, đây là quyết định được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng với tinh thần trách nhiệm cao nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Tôi tin rằng chủ trương này sẽ nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc của Liên bang Nga và Nhật Bản", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Vấn đề đặt ra là, quyết định này sẽ có tác động như thế nào tới an ninh năng lượng quốc gia và các giải pháp thay thế? Đây là câu hỏi phải chuẩn bị.
Theo tính toán đến năm 2030, nếu hoàn thành, Dự án đóng góp khoảng 3,6% về công suất và 5,7% về sản lượng điện sản xuất của hệ thống điện quốc gia. Do đó, việc dừng thực hiện Dự án không làm ảnh hưởng đến an ninh cung ứng điện do có thể bổ sung các loại hình nguồn điện khác trong hệ thống như các nguồn nhiệt điện than, nguồn điện từ năng lượng tái tạo, nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, cũng như xem xét biện pháp tăng cường mua điện từ các nước láng giềng nhất là từ CHDCND Lào.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, các giải pháp thay thế cho Dự án trong giai đoạn tới sẽ gồm:

Giai đoạn đến năm 2030, Chính phủ sẽ xem xét đầu tư thay thế các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận bằng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường và các nhà máy tua bin khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu với tổng công suất khoảng 6.000 MW để đủ năng lực bảo đảm sản lượng điện sản xuất tương đương với các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.
Tiếp theo, giai đoạn sau 2030, Chính phủ sẽ xem xét tiếp tục phát triển hợp lý các nguồn nhiệt điện than, khí thiên nhiên hóa lỏng và đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời, đẩy mạnh thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua tái cơ cấu kinh tế hướng đến các ngành sản xuất xanh có công nghệ thân thiện, tiết kiệm năng lượng; tăng cường liên kết lưới điện và hợp tác mua bán điện với các nước láng giềng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Chính phủ Việt Nam trao đổi với các đối tác Nga, Nhật Bản cùng với thời điểm báo cáo Quốc hội xin chủ trương dừng thực hiện Dự án. Mặc dù các đối tác Nga và Nhật Bản đều bày tỏ sự đáng tiếc về việc dừng thực hiện Dự án với nhiều kết quả đã đạt được trong hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, song về cơ bản các đối tác Nga và Nhật Bản đều thể hiện quan hệ hữu nghị, bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với Việt Nam về quyết định  này do điều kiện kinh tế của Việt Nam. Đồng thời Chính phủ Nga và Nhật Bản mong muốn sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam một số lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng để thay thế cho hợp tác đầu tư xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận.
"Chính phủ Việt Nam khẳng định rằng, việc dừng thực hiện Dự án không làm ảnh hưởng đến quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với Liên bang Nga và quan hệ Đối tác Sâu rộng với Nhật Bản", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng khẳng định: Chính phủ Việt Nam đánh giá rất cao và cảm ơn sâu sắc về thiện chí, sự hỗ trợ của Chính phủ Liên bang Nga và Nhật Bản trong quá trình chuẩn bị đầu tư Dự án, sự hợp tác có hiệu quả của các đối tác tham gia trực tiếp vào Dự án như ROSATOM (Nga), JINED (Nhật Bản). Chính phủ Việt Nam thống nhất với Chính phủ Liên bang Nga và Nhật Bản về việc giao cho các cơ quan chức năng của các bên bàn bạc, thống nhất phương án sử dụng các kết quả đã đạt được trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư Dự án. Việt Nam khẳng định Nga, Nhật Bản là các đối tác hàng đầu, ưu tiên trong trường hợp Việt Nam xây dựng điện hạt nhân trong tương lai.
"Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi với Chính phủ Liên bang Nga và Nhật Bản về hợp tác thực hiện các dự án trong các lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế, thương mại, v.v… mà các doanh nghiệp của Liên bang Nga và Nhật Bản có thế mạnh, đồng thời phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Chính phủ tiếp tục quan tâm đến việc phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận, có giải pháp để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư tại Ninh Thuận thời gian qua", Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nói.
Theo Chinhphu.vn
Từ khóa: