Kinh tế
Buộc Agoda, AirBnb, Paypal, Booking.com nộp thuế không ảnh hưởng đến người tiêu dùng
07:43 AM 20/01/2025
(LĐXH) - Việc yêu cầu các công ty Agoda, Airbnb, Paypal, Booking.com nộp thuế giúp tạo nên môi trường kinh doanh công bằng và không ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.
Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam, dù trong hay ngoài nước, đều phải đăng ký, kê khai và nộp thuế theo quy định. Ảnh: Tùng Đoàn


Trước động thái cứng rắn từ Tổng cục Thuế trong việc yêu cầu 100 ngân hàng và tổ chức trung gian thanh toán nộp thuế thay các nền tảng trực tuyến nước ngoài như Agoda, AirBnb, Paypal và Booking.com, dư luận đặt nhiều câu hỏi về tính khả thi và tác động của chính sách này.

Để làm rõ vấn đề, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh. Ông đã đưa ra nhiều góc nhìn sâu sắc về tầm quan trọng của việc thu thuế từ các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và ảnh hưởng của chính sách này đối với nền kinh tế trong nước.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh Nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính. Ảnh: Xuân Đoàn


Theo ông, việc 4 nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Việt Nam sẽ tác động như thế nào đến nền kinh tế và thị trường dịch vụ trực tuyến trong nước?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tất cả các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam, dù trong hay ngoài nước, đều phải đăng ký, kê khai và nộp thuế theo quy định. Để hỗ trợ, Chính phủ đã triển khai các công cụ như Cổng thông tin điện tử, giúp doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nhanh chóng và minh bạch.

Nhiều tên tuổi lớn như Facebook, Amazon, Alibaba dù không có văn phòng tại Việt Nam vẫn kê khai và nộp thuế đầy đủ, cho thấy sự tuân thủ và trách nhiệm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những doanh nghiệp cố tình né tránh, gây bất công giữa thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống.

Nguyên nhân không chỉ đến từ doanh nghiệp mà còn do lỗ hổng trong quản lý. Việc một số doanh nghiệp hoạt động mà không bị phát hiện đòi hỏi cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương và cơ quan thuế, phải tăng cường giám sát và cải thiện quy định.

Dù số thuế này không lớn, nhưng việc tuân thủ pháp luật là yếu tố then chốt tạo nên môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và thúc đẩy niềm tin từ cộng đồng doanh nghiệp.

Liệu các khoản phí giao dịch mà các nền tảng như Agoda, Airbnb, Booking.com thu từ người dùng có đủ để bù đắp cho những khoản thuế chưa được kê khai không, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Mặc dù các công ty như Agoda, PayPal, Airbnb và Booking.com chỉ thu được một phần nhỏ doanh thu từ các giao dịch tại Việt Nam nhưng khoản thuế họ cần nộp cũng chỉ chiếm khoảng 1-2% doanh thu, không đáng kể. Việc tính toán và nộp thuế hoàn toàn khả thi và không ảnh hưởng lớn đến hoạt động tài chính của các doanh nghiệp này.

Dù vậy, điều quan trọng không chỉ là con số thuế mà là sự tuân thủ pháp luật và đảm bảo công bằng trong kinh doanh. Khi các công ty nước ngoài thực hiện nghĩa vụ thuế, họ không chỉ đóng góp vào ngân sách mà còn nâng cao niềm tin vào hệ thống pháp lý của Việt Nam.

4 nhà cung cấp nước ngoài gồm Agoda, AirBnb, Booking.com, PayPal chưa thực hiện đăng ký, kê khai nộp thuế tại Việt Nam.

Với mức phí giao dịch trung bình từ 15-30% của các nền tảng đặt phòng trực tuyến, việc thu thuế từ các công ty này có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình hoạt động của họ tại Việt Nam không? Và nếu có, những thay đổi đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến người tiêu dùng và ngành du lịch Việt Nam?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Như tôi vừa nói, mức thuế áp dụng cho các nền tảng này chỉ khoảng 1-2%, con số rất thấp, gần như không ảnh hưởng đến mô hình kinh doanh của họ. Họ có thể trích từ lợi nhuận để nộp thuế, và việc điều chỉnh giá dịch vụ sẽ không gây xáo trộn lớn.

Việc tuân thủ nghĩa vụ thuế không chỉ giúp duy trì mối quan hệ tốt với thị trường Việt Nam mà còn đảm bảo công bằng trong kinh doanh. Nó cũng khẳng định Việt Nam là một thị trường minh bạch và đáng tin cậy đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Dù có thể dẫn đến điều chỉnh giá dịch vụ, nhưng mức tăng này sẽ không đáng kể và không ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng. Mức thuế thấp giúp giữ sự ổn định và tính cạnh tranh cho thị trường dịch vụ trực tuyến, đồng thời không tạo áp lực lớn cho người dùng.

Công văn số 6369 từ Tổng cục Thuế yêu cầu các ngân hàng và tổ chức thanh toán khấu trừ thuế khi thanh toán cho các nhà cung cấp nước ngoài. Vậy việc thực thi sẽ gặp phải những thách thức gì? Ông nhìn nhận như thế nào?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Các ngân hàng trên thế giới thường kiểm soát chặt chẽ dòng tiền quốc tế, đặc biệt liên quan đến các giao dịch và nhà thầu quốc tế, yêu cầu xác minh nguồn gốc tiền và đảm bảo thuế đã được nộp đầy đủ. Nếu phát hiện sai phạm, ngân hàng sẽ yêu cầu hoàn tất nghĩa vụ thuế trước khi giao dịch.

Ở Việt Nam, hệ thống ngân hàng có khả năng thực hiện kiểm soát tương tự, nhưng quy định hiện tại chưa thúc đẩy việc này thành tiêu chuẩn phổ biến, tạo ra lỗ hổng cần khắc phục.

Kiểm soát dòng tiền không chỉ ngăn ngừa rửa tiền hay tài trợ khủng bố, mà còn bảo vệ nguồn thu thuế và tăng cường minh bạch tài chính. Các ngân hàng cần nâng cao trách nhiệm, xây dựng thói quen kiểm tra nguồn gốc giao dịch và phối hợp với cơ quan quản lý để bịt kín các kẽ hở, góp phần đưa Việt Nam hòa nhập sâu hơn vào hệ thống tài chính toàn cầu.

Việt Nam có cần phải điều chỉnh chính sách thuế đối với các nền tảng dịch vụ trực tuyến nước ngoài để tạo ra sự công bằng với các doanh nghiệp nội địa, đồng thời vẫn đảm bảo không gây khó khăn cho người tiêu dùng và ngành du lịch?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Luật thuế tại Việt Nam hiện đã quy định rõ các nghĩa vụ thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ trong nước, và nhiều doanh nghiệp lớn quốc tế đã tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ này.

Tuy nhiên, chính sách thuế cần điều chỉnh theo thời gian để phù hợp với thông lệ quốc tế và sự phát triển thị trường. Những thay đổi này cần được nghiên cứu kỹ và thông báo trước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài, chuẩn bị và tính toán chi phí.

Sự ổn định trong chính sách thuế rất quan trọng, giúp doanh nghiệp hoạch định chiến lược dài hạn. Việc điều chỉnh luật thuế cần đảm bảo cân bằng giữa cải tiến và duy trì ổn định, mang lại lợi ích cho Chính phủ và doanh nghiệp.

Điều này không chỉ củng cố niềm tin của doanh nghiệp mà còn giúp Việt Nam duy trì sức cạnh tranh trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Mới đây, Tổng cục Thuế vừa có Công văn số 6369 gửi 100 ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam, công bố danh sách 4 nhà cung cấp nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai nộp thuế tại Việt Nam.
Cụ thể, đó là Công ty Agoda International Pte.Ltd (website https://www.agoda.com); Công ty Paypal PteLtd (https://www.paypal.com); Công ty AirBnb Ireland Unlimited (https://www.Airbnb.com); Công ty Booking.com BV (https://www.Booking.com).
Tổng cục Thuế đề nghị hội sở chính của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thông báo danh sách 4 nhà cung cấp nước ngoài này cho các chi nhánh, để các chi nhánh thực hiện kê khai, khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế khi thực hiện thanh toán cho các giao dịch với nhà cung cấp nước ngoài theo quy định.

Xuân Đoàn


Từ khóa: agoda