Lao động
Cà Mau giải quyết việc làm trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn
05:02 PM 28/05/2021
(LĐXH)- Để thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm trong bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, tỉnh Cà Mau đã có những chủ trương về giải quyết việc làm gắn với sự liên kết vùng, liên kết khu vực trong phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cà Mau, tính từ đầu năm 2021 đến nay (ngày 25/5/2021), toàn tỉnh đã giải quyết việc làm 15.600/39.300 lao động, đạt 39,69% kế hoạch năm; trong đó tạo việc làm trong tỉnh là 2.794/17.000 người, ngoài tỉnh 12.747/21.700 người, ngoài nước 59/600 người). Ước trong 6 tháng đầu năm 2021, Cà Mau giải quyết việc làm cho 17.600 người, đạt 44,8%, giảm 31,5% so cùng kỳ 202.
Cà Mau được biết đến là tỉnh ven biển ở cực Nam của Việt Nam, kinh tế - xã hội phát triển còn chậm so với các tỉnh nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có dân số trên 1,2 triệu người, lực lượng lao động trong độ tuổi trên 715 nghìn người, trong đó có gần 700 nghìn lao động tham gia hoạt động kinh tế, chiếm 97,76% so với lực lượng lao động. Trung bình mỗi năm, Cà Mau tạo việc làm cho khoảng 39.000 lao động, đào tạo nghề cho trên 35.000 người.
Thời gian gần đây, tình hình ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu (hạn hán, xâm nhập mặn), thiên tai, dịch bệnh ngày càng tác động mạnh đến công tác giải quyết việc làm ở Cà Mau; gây khó khăn cho một số doanh nghiệp trong tỉnh phải tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất (toàn tỉnh có hơn 4.000 doanh nghiệp); số người lao động thất nghiệp ngày càng tăng cao, tiếp tục tạo sức ép lớn đối với công tác giải quyết việc làm.

Tỉnh Cà Mau đã và đang triển khai nhiều giải pháp tạo việc làm bền vững, cải thiện thu nhập cho người lao động

Mặc dù nguồn lực lao động của Cà Mau khá dồi dào, song trình độ học vấn tay nghề của đa số người lao động còn thấp, lao động chưa qua đào tạo, lao động thiếu việc làm còn nhiều, đặc biệt là ở khu vực nông thôn. Chính vì vậy, nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề đảm bảo đủ số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, Cà Mau đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Thanh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: Để giải quyết việc làm cho người lao động, Cà Mau đã tập trung định hướng cơ cấu ngành nghề, liên kết giữa các tỉnh trong khu vực để đào tạo nguồn nhân lực cung cấp ổn định lâu dài. Thúc đẩy đào tạo nghề chất lượng cao, mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo, thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề cho doanh nghiệp. Tổ chức đào tạo nghề gắn với việc làm, hướng tới doanh nghiệp, đào tạo theo nhu cầu, theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm ngày càng được tăng cường, hoàn thiện và hiệu quả hơn; các hoạt động xuất khẩu lao động, tổ chức cơ chế chính sách được bố trí kinh phí trong ngân sách của tỉnh hàng năm để thực hiện tốt việc điều tra cơ sở dữ liệu, dự báo cung cầu lao động ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, cập nhật thông tin thị trường lao động.
Cụ thể, trong 06 tháng đầu năm Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho tỉnh ban hành và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, đồng thời phối hợp các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn chính sách việc làm, học nghề... Chuẩn bị các điều hiện tổ chức Hội nghị chuyên đề về phân luồng/hướng nghiệp và việc làm, đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy hiệu quả của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh với các hoạt động tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, như: phối hợp Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc tổ chức Phiên giao dịch việc làm cho trên 300 sinh viên đang theo học tại trường; phối hợp với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ngọc Hiển, huyện Trần Văn Thời, Tập đoàn ICO Chi nhánh Cà Mau, Công ty TNHH Nhật Huy Khang, Công ty Haindeco Sài Gòn thực hiện tư vấn việc làm tại các xã, thị trấn trên địa bàn 02 huyện (nêu trên), với trên 600 lao động tham gia. Phối hợp thực hiện tư vấn việc làm trong nước và ngoài nước cho độ đội xuất ngũ tại 09 huyện và thành phố Cà Mau; kết quả đã tư vấn cho trên 500 lượt quân nhân và phát hành trên 500 tờ rơi. Ký kết hợp đồng đặt hàng đào tạo nghề may và cung ứng lao động với Cty TNHH ECCO Việt Nam...
Năm nay, do tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số lao động thất nghiệp ở Cà Mau tiếp tục tăng. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 2.543 hồ sơ đăng ký và trình lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định hưởng trợ cấp cho 2.016 trường hợp, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (tiếp nhận 3.217 hồ sơ, có quyết định 2.297 trường hợp).
Từ nay đến hết năm 2021, tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các hoạt động thị trường lao động, ký kết hợp tác đào tạo cung ứng lao động cho doanh nghiệp; rà soát cung - cầu lao động, tổ chức nhiều cuộc trực tiếp tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm việc trong và ngoài tỉnh, tích cực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các xã, phường, thị trấn... Qua đó, phấn đấu đạt mục tiêu giải quyết việc làm cho 39.300 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 52%, trong đó có văn bằng chứng chỉ 25,3%. 
Trần Thắng
Từ khóa: