Cần Thơ giải quyết việc làm cho người lao động trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19
(LĐXH)- Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, sâu rộng đến tất cả các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội của thành phố Cần Thơ, nhất là trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh lần thứ tư bùng phát. Song thành phố đã kịp thời triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp, chính sách thiết thực, cụ thể để giải quyết việc làm, hỗ trợ người lao động mất, thiếu việc làm…
Theo báo cáo từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cần Thơ, trong 10 tháng năm 2021, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 23.503 lao động (trong đó cung ứng lao động đi làm việc nước ngoài là 165), đạt 46,72% kế hoạch năm, giảm 45,19% so với cùng kỳ năm 2020. Ước thực hiện năm 2021, giải quyết việc làm cho 35.210 lao động, đạt 70% kế hoạch năm.
Bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cần Thơ, đánh giá: Để đạt được những kết quả tích cực trong công tác giải quyết việc làm là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nhờ xác định giải quyết việc làm là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giải quyết việc làm của Cần Thơ đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân và của chính người lao động.
Năm 2022, thành phố Cần Thơ phấn đấu giải quyết việc làm cho 50.400 lao động
Tuy nhiên, theo đánh giá, thị trường lao động thành phố Cần Thơ chịu tác động mạnh mẽ từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư bùng phát. Đặc biệt là các ngành, nghề khu vực sản xuất kinh doanh thương mại, vận tải hành khách, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí…
Cụ thể, Cần Thơ hiện có 71/170 doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ 41,76% với tổng số lao động 7.243/40.526 lao động, chiếm 17,87%. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động là 99/170 doanh nghiệp, tỷ lệ 58,24%. Lao động tạm dừng hoạt động 33.283/40.526 tỷ lệ 82,13%. Đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, thương mại ngoài khu công nghiệp có 189/997 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 18,96% với tổng số lao động 7.596/31.432 lao động, chiếm 24,17%. Thành phố tiếp nhận được 87 doanh nghiệp gửi phương án để sản xuất trở lại (34 phương án “3 tại chỗ”, 41 phương án 2 tại chỗ - vùng xanh và 12 phương án kết hợp 3 tại chỗ và 2 tại chỗ - vùng xanh).
Có thể thấy, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động và việc làm trong các ngành, vẫn còn xuất hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng và đặc biệt là việc áp dụng các quy định về giãn cách xã hội được thực hiện triệt để, người lao động bị mất việc làm, ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương, hoãn hợp đồng lao động, phải nghỉ giãn việc/nghỉ việc luân phiên, bị giảm giờ làm hay giảm thu nhập…
Về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 52/NQ-HĐND Cần Thơ, tính đến ngày 24/10/2021, toàn thành phố đã hỗ trợ cho 3.676 người sử dụng lao động, 207.300 lượt người với tổng kinh phí trên 303 tỷ đồng, đạt 70,54% so với số lượng được duyệt.
Đối với việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP (tính đến ngày 23/10/2021), toàn thành phố đã hỗ trợ bằng tiền cho 26.548 người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, số tiền đã chi hỗ trợ hơn 65,533 tỷ đồng; giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 3.040 đơn vị sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 (giảm 1%), tương ứng với 79.093 lao động, tổng số tiền giảm đóng gần 52,309 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, việc vực dậy thị trường lao động tại Cần Thơ trong những tháng cuối năm 2021 sẽ là thách thức rất lớn. Một số ngành, lĩnh vực, như vận tải, hàng không, du lịch… nếu dịch tiếp tục kéo dài có thể tiếp tục chuyển biến xấu; các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến cũng sẽ bị ngưng trệ. Theo xu hướng lây nhiễm dịch bệnh như hiện nay, dự báo số lao động bị ảnh hưởng như phải cách ly, bị ngừng việc do doanh nghiệp ngừng sản xuất, kinh doanh có thể sẽ còn tăng cao.
Chính vì vậy, trong năm 2022, thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong trạng thái bình thường mới. Phấn đấu giải quyết việc làm cho 50.400 lao động; trong đó, tạo việc làm trong nước là 50.105 lao động, đi làm việc ở nước ngoài là 295 lao động.
Thành phố sẽ tiếp tục triển khai, cụ thể hóa Đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động giai đoạn 2021 – 2030; cao năng lực thông tin thị trường lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố Cần Thơ, liên thông với hệ thống thông tin về giáo dục - đào tạo, tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động, tiếp tục dự báo cung - cầu lao động và thông tin rộng rãi kết quả dự báo. Hỗ trợ tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến thường xuyên của thành phố Cần Thơ và kết nối tổ chức định kỳ ở khu vực. Thường xuyên tổ chức tư vấn gắn với sơ tuyển lao động đi làm việc có thời hạn ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… theo hợp đồng bằng nhiều hình thức. Xúc tiến đưa lao động thành phố Cần Thơ đi làm việc thời vụ ở các địa phương kết nghĩa ở các quốc gia…
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48