Chỉ thị về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống của công nhân lao động
(LĐXH)- Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về đảm bảo việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động.
Công nhân lao động có việc làm tăng 26%
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nhiều chuyển biến tích cực trong công tác bảo đảm việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống của người lao động. So với 5 năm trước, số lượng công nhân lao động có việc làm tăng 26%, trong đó việc làm bền vững, thu nhập tăng đều qua các năm; đời sống của công nhân lao động ngày càng được cải thiện; điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động đã được chú trọng; các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được áp dụng ngày càng phổ biến trong các doanh nghiệp.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng, Nhà nước về đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao mức sống cho công nhân lao động trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể và bảo đảm bố trí, khơi thông nguồn lực thực hiện. Thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả thực hiện, chủ động giải quyết theo thẩm quyền các vấn đề phát sinh; báo cáo, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết vấn đề vượt thẩm quyền; đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp mới hiệu quả, khả thi bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống và cải thiện điều kiện làm việc tốt hơn cho công nhân lao động.
Tiếp tục chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế thực chất ở địa phương phù hợp với mô hình tăng trưởng kinh tế - xã hội bao trùm; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để các thành phần kinh tế phát triển nhanh và bền vững; đảm bảo liên kết giữa các khu vực, cac vùng, các thành phần kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động và phát triển, tăng năng suất lao động.
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA, RCEP...) theo các điều khoản Việt Nam đã ký kết. Tiếp tục rà soát các văn bản pháp luật, nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế, giúp công nhân lao động được thụ hưởng các quyền và điều kiện lao động ngày càng tốt hơn.
Quy hoạch, bố trí, huy động nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội, dịch vụ phục vụ lao động sản xuất, đời sống, sinh hoạt, học tập, giải trí của công nhân, lao động và gia đình. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại nơi ở và nơi làm việc của công nhân. Có biện pháp ngăn ngừa công nhân lao động tham gia các hoạt động đi vay, cho vay, đòi nợ liên quan đến “tín dụng đen”, đề xuất các chính sách tín dụng vi mô hỗ trợ công nhân lao động.
Khẩn trương xây dựng các mô hình “khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ” đồng bộ, gắn với phát triển khu dân cư, cơ sở hạ tầng, đáp ứng được nhu cầu riêng cho công nhân lao động các khu công nghiệp, kể cả chuyên gia và lao động chất lượng cao.
Tập trung thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung đông công nhân lao động; chia sẻ khó khăn, hỗ trợ, giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, giúp công nhân lao động và các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm.
Định hướng đào tạo nhân lực có tay nghề cao
Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 yêu cầu các Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội riếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách pháp luật về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện pháp luật trong các lĩnh vực trên, nhất là thực tiễn thực hiện pháp luật tại các khu công nghiệp và khu chế xuất; nắm bắt các khủng hoảng về lao động, việc làm do tác động của đại dịch Covid-19 để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động; tham mưu triển khai giảm giờ làm việc bình thường phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tập trung sửa đổi, bổ sung danh mục nghề, cộng việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp đổi mới và phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập của công nhân lao động. Chú trọng hơn nữa công tác đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; gắn kết và huy động doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm cho công nhân lao động; đồng thời đáp ứng nhu cầu dịch chuyển lao động giữa các quốc gia trong khu vực ASEAN.
Khẩn trương hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn cho công nhân lao động, doanh nghiệp vượt qua đại dịch Covid-19 và kịp thời tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm ổn định tình hình lao động, việc làm, duy trì có hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế; chủ động xây dựng các chương trình đào tạo nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho công nhân lao động để hỗ trợ thích ứng, phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh thay đổi trong và sau dịch Covid-19.
Chỉ thị cũng giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo ngành giáo dục các cấp hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS để đẩy mạnh phân luồng và bảo đảm quyền lợi của học sinh vừa được học nghề, vừa được học văn hóa giáo dục phổ thông ngay tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với con em công nhân lao động. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút người quản lý doanh nghiệp và xã hội đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và những nơi tập trung nhiều công nhân lao động.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48