Thời sự
Chiến đấu anh dũng, gương mẫu thời bình
08:41 AM 10/06/2017
(LĐXH) – Thời gian tham gia quân ngũ cũng như khi về địa phương, ông Lò Văn Ké vẫn luôn nêu cao tinh thần và bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, thể hiện qua những hành động, lời nói và công việc cụ thể…
Ông Lò Văn Ké kể về những công việc mình đang làm
Chúng tôi gặp ông Lò Văn Khé, thương binh hạng 4/4 (sinh năm 1950) ngay tại ngôi nhà trên 100 m2 được thiết kế 3 tầng khang trang ở trung tâm huyện Quỳnh Nhai vào một ngày trưa tháng 5. Lau những giọt mồ hôi còn đang đọng trên trán, ông vui vẻ bắt chuyện: “Về hưu rồi đấy, nhưng vẫn luôn tay luôn chân, tuy nhiên tớ thấy rất hạnh phúc khi vẫn còn sức khỏe phụ giúp gia đình, cải thiện đời sống thông qua các dịch vụ, buôn bán vừa và nhỏ…”
Nói về thời quân ngũ, ông chia sẻ tiếp: tháng 5/1971, nhập ngũ và được huấn luyện 3 tháng tại Trung đoàn C3D27 Quân khu Tây Bắc rồi tăng cường cho đơn vị C43 E335 (hỏa lực trọng điểm 335). Tháng 11/1971, ông và đơn vị được điều động sang chiến trường Lào C tại tỉnh Xiêng Khoảng. Trận đánh đầu tiên vào tháng 12/1971, theo phương án, chúng ta đánh từng lô cốt nhưng quân địch chống trả quyết liệt với đạn, pháo số lượng lớn, buộc quân tình nguyện phải rút về vị trí an toàn, chuẩn bị phương án 2 đánh du kích trong đêm… Sau đó, còn rất nhiều trận đánh khác, trong đó có trận tại Pom Lọng (Long Chẹn), ông cùng đồng đội được tăng cường cho tiểu đoàn bộ binh C2, quân ta bị lộ sớm và phải hứng chịu gần 30 đạn pháo DK2 khiến nhiều người bị thương vong… Đặc biệt, trận chống càn mùa mưa tháng 5/1972 tại Xiêng Khoảng diễn ra vô cùng ác liệt trong thời gian khoảng 3 ngày liên tục, ông bị sức ép của đạn pháo vào đầu và ngực rồi ngất đi… May mắn, ông được đồng đội trợ giúp rồi đưa về đơn vị điều trị và quay trở lại Việt Nam. Đến cuối năm 1973, khi thành lập Sư đoàn 316B bộ binh, chuẩn bị tăng cường cho chiến trường miền Nam, ông được biên chế vào đơn vị làm cán bộ khung với quân hàm thượng sỹ và bắt đầu hành quân nam tiến. Thời điểm 30/4/1975, đơn vị mới đến Quân khu 4 thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh thì nhận được tin giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Tháng 8/1975 ông xin xuất ngũ về địa phương tại xã Mường Chiêm, huyện Quỳnh Nhai bây giờ…
Ở đây, ông trải qua nhiều vị trí công tác như, cán bộ Phòng Thương nghiệp huyện Quỳnh Nhai, Thường trực Hội nông dân huyện, đầu năm 1979 ông tham gia công tác tại Tiểu đoàn D6 làm cán bộ chuyên trách huấn luyện, được điều động đi học trường sỹ quan tại Trường Quân chính Sơn La rồi về làm nhiệm vụ quản quân, tiếp theo là Ban Chỉ huy Quân sự Quỳnh Nhai…
Năm 1985, xây dựng gia đình, hiện ông có 3 người con (1 trai 2 gái) đã lớn khôn, xây dựng gia đình và có việc làm, thu nhập ổn định. Năm 2010, ông nghỉ hưu và phụ giúp người vợ hiền là bà Nguyễn Thị Lý (sinh năm 1954) quản lý, điều hành cửa hàng buôn bán tạp hóa…
Chia sẻ về người chồng, bà Nguyễn thị Lý tâm sự: “Trước đây, ông xã cũng đi công tác xa thường xuyên, có khi vợ chồng 2, 3 tháng không gặp nhau. Nhưng tôi biết, ông ý đi vì việc dân việc nước nên mỗi khi viết thư từ tôi đều động viên giữ gìn sức khỏe và giải quyết công việc để sớm về nhà với vợ con. Hiện tại, ông xã vẫn giúp đỡ được tôi rất nhiều việc, từ đi lấy hàng, giao nhận tiền đến kế hoạch phát triển một số mặt hàng kinh doanh mới. Với số vốn đầu tư khoảng trên 150 triệu đồng, giờ đây mỗi tháng cũng cho thu nhập trên 10 triệu đồng…Đặc biệt cuối tháng 4 vừa qua, đơn vị ông có tổ chức 45 năm  gặp mặt các cán bộ chiến sỹ từng công tác tại Tiểu đoàn 335 tại Quỳnh Nhai. Tôi cảm nhận thấy bản lĩnh của người chiến sỹ năm xưa vẫn mãnh liệt, anh dũng với niềm tự hào sâu sắc…”
Với nhiều thành tích trong thời gian kháng chiến cũng như trong thời bình, bác Lò Văn Khé đã được UBND tỉnh, UBND huyện cùng các tổ chức Chính trị xã hội tặng bằng khen, giấy khen do có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua ở nơi cư trú, tích cực vận động người dân đăng ký gia đình văn hóa, gương mẫu trong mọi hoạt động xã hội tại địa phương.../.
NHB
 
Từ khóa: