Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, đặc biệt là việc thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em, các mục tiêu vì trẻ em, đã đạt được những kết quả quan trọng. Hệ thống chính sách, pháp luật, quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được tăng cường. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng có hiệu quả. Công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn được ưu tiên thực hiện với nhiều chính sách phù hợp như trợ cấp xã hội, trợ giúp tiếp cận y tế, giáo dục, học nghề, miễn giảm học phí, trợ giúp pháp lý miễn phí… Qua đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, ngày càng được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục tốt hơn. Đặc biệt, hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp trong 26 năm qua đã làm tốt công tác huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, vận động các tổ chức, nhà hảo tâm đóng góp được gần 6 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ trên 30 triệu lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp nhiều trẻ em thiệt thòi hòa nhập cộng đồng, phát triển và thực hiện được ước mơ tốt đẹp của mình.
Các em được gặp mặt Chủ tịch nước, được các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước
trao tặng những phần quà có ý nghĩa động viên, khích lệ cao
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Trần Đại Quang biểu dương, khen ngợi 70 học sinh dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đã nỗ lực phấn đấu, vượt khó, vươn lên trong học tập và rèn luyện, là học sinh giỏi nhiều năm liền. Trong số các học sinh này có nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, là con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ, là những tấm gương tiêu biểu trong việc thực hiện Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
Dù đạt được nhiều kết quả trong công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhưng trong số 26 triệu trẻ em Việt Nam hiện vẫn còn gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi, khuyết tật, lao động sớm, không nơi nương tựa… và hơn 2,1 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt rất cần sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Để tăng cường công tác bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em, nhất là đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người dân thấy được tính cấp thiết và tầm quan trọng của công tác này. Đồng thời cần kịp thời tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt.
Trong giai đoạn năm 2008 đến năm 2017, đã có 535 trẻ em từ 63 tỉnh, thành phố được Chủ tịch nước gặp mặt, biểu dương tại Phủ Chủ tịch. Đó là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; các em đều nhiều năm liền đạt thành tích cao trong học tập hoặc có thành tích đặc biệt xuất sắc. Trong tổng số 535 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã tham dự chương trình, có 171 trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, 99 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ, 12 trẻ em là trẻ bị bỏ rơi, 20 trẻ em khuyết tật. Mặc dù hoàn cảnh gia đình và bản thân hết sức khó khăn, các em vẫn phát huy tinh thần vượt khó vươn lên, nhiều năm liền đạt học sinh giỏi.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và vận động để mọi người dân thấy được tính cấp thiết và tầm quan trọng của công tác này; kịp thời tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt, việc tốt. Bên cạnh đó, quan tâm giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Đồng thời, phê phán, lên án và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại, bạo lực, lôi kéo trẻ em vào hoạt động phạm pháp. Các cơ quan truyền thông đại chúng cần ưu tiên dành tỷ lệ, nội dung thời lượng phát thanh, truyền hình, ấn phẩm phù hợp với trẻ em.
Bên cạnh đó, cần phải chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, trách nhiệm của gia đình và sự tham gia của toàn xã hội đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Quan tâm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao cho trẻ em, bảo đảm điều kiện, thời gian thích hợp để trẻ em được tham gia hoạt động tại các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Cùng với đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng nâng cao trách nhiệm, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó gia đình có trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách và trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho trẻ em phát triển toàn diện.
Đại diện trẻ em tặng hoa cho Chủ tịch nước và hứa sẽ
phấn đấu nhiều hơn nữa trong cuộc sống và học tập
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Quan tâm củng cố hệ thống Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam các cấp để Quỹ thực sự là cầu nối các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn.
Nguyễn Đăng Doanh
-
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
13-01-2025 13:46 21
-
Mang chim thú, cây lạ về nhà, coi chừng phạm pháp
13-01-2025 13:46 10
-
Chương trình Tết đồng bào 2025: Mang Tết sớm đến với đồng bào vùng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
13-01-2025 12:22 32
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
10-01-2025 19:53 38
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
10-01-2025 08:02 32